Tuần qua, đại diện trung tâm thương mại Takashimaya (Nhật Bản) thông báo sẽ hợp tác với 15 thương hiệu thời trang để tái chế quần áo đã sử dụng. Họ dự kiến ra mắt 40 mẫu trang phục mới với nguyên liệu tái chế. Mức giá của chúng thuộc hàng cao cấp. Chiếc áo khoác mùa đông được bán với giá khoảng 547 USD.
Trước Takashimaya, nhiều thương hiệu cũng đã suy nghĩ và bắt tay vào sản xuất những sản phẩm thời trang bền vững như vậy. Tuy nhiên, với mức giá không hề rẻ, tương lai của loại hình thời trang này vẫn còn là dấu hỏi.
Thời trang bền vững có chi phí cao
Theo BBC, thứ ngăn cản thời trang bền vững thịnh hành là giá cả quá cao đối với người dùng lẫn nhãn hàng.
Đầu tháng 9, Hannah Peel - ca sĩ kiêm MC người Bắc Ireland - đã tới lễ trao giải Mercury Prize trong chiếc váy cầu vồng đặc biệt. Nó được thiết kế dựa trên bảng màu Pantone. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn là sự kỳ công trong cách nhà sản xuất tạo ra nó.
Chiếc váy đặc biệt của nữ ca sĩ người Bắc Ireland. Ảnh: NME. |
"Nó được làm từ cây bạch đàn trồng và thu hoạch ở những vùng khô hạn nhất thế giới. Chiếc váy hoàn toàn không có hóa chất và sử dụng ít hơn 90% lượng nước nếu được làm từ chất liệu khác", Peel chia sẻ.
Để sở hữu chiếc váy này, Peel đã đặt hàng trước cả tháng và mức giá của nó cũng lên tới hàng trăm USD.
Tiến sĩ Bernice Pan - Giám đốc điều hành của nhãn hiệu thời trang bền vững Deploy - cho biết giá sản phẩm cao do các kỹ thuật sản xuất. Nhiều công nghệ mới không được thương mại hóa hoàn toàn do chưa nhiều thương hiệu đầu tư.
Thực tế, nhu cầu của người dùng cho những mặt hàng này cũng chưa cao. Thời gian sản xuất lâu, chi phí cao khiến các sản phẩm tốt cho môi trường này vẫn thiếu sức hút so với thị trường thời trang nhanh.
Trong thời điểm đại dịch, các nhà bán lẻ thời trang nhanh cũng tỏ ra linh hoạt hơn. Thời gian từ khi hoàn thiện thiết kế tới lúc hoàn thành sản phẩm thường kéo dài không quá một tuần.
Các thương hiệu thời trang nhanh như Booho tạo ảnh hưởng xấu tới môi trường. Ảnh: Retviews. |
Boohoo - nhãn hiệu thời trang nhanh - là một trong những công ty hoạt động tốt nhất về mặt bán lẻ trực tuyến. Doanh thu hàng quý của họ đã tăng 45%, lên hơn 500 triệu USD trong ba tháng (tính đến cuối tháng 5/2020).
"Khách hàng cần từ chối những mô hình sản xuất vô trách nhiệm này. Khi đó, các thương hiệu mới chịu thay đổi và áp dụng phương pháp mới. Khi bạn mua chiếc áo phông dùng một lần với giá 15 USD, chi phí thực sự đối với môi trường, xã hội sẽ còn cao hơn thế.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta có sẵn sàng đánh đổi thứ dùng một lần lấy một tương lai độc hại không? Hay chúng ta sẽ hạnh phúc khi trả tiền cho các sản phẩm thân thiện với môi trường và các công ty đối xử công bằng với người lao động", Pan nói.
Thời trang bền vững đem lại điều gì?
Hiện tại, ngành công nghiệp thời trang chiếm khoảng 10% lượng khí thải carbon toàn cầu và gần 20% lượng nước thải. Theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc về các biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp này còn sử dụng nhiều năng lượng hơn ngành công nghiệp hàng không và vận chuyển cộng lại.
Trách nhiệm lớn thuộc về các thương hiệu thời trang nhanh. Ngoài ra, thói quen mua sắm không kiểm soát của người dùng cũng khiến các vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, thời trang bền vững được xem là lời giải nhờ công đoạn sản xuất thân thiện với môi trường, khả năng tái sử dụng cao.
Thời trang bền vững giải quyết được nhiều vấn đề của ngành thời trang. Ảnh: SCMP. |
Giáo sư Kate Fletcher của Trung tâm Thời trang Bền vững Đại học Thời trang London (Anh) cho biết: "Thời trang bền vững là thời trang trong giới hạn hành tinh".
Hiểu đơn giản, những gì thời trang bền vững đang làm vẫn nằm trong giới hạn chịu đựng của Trái Đất. Nó ít độc hại hơn nhiều so với cách thời trang truyền thống, thời trang nhanh đang làm.
Fletcher nêu ra một số thứ sẽ giảm đi đáng kể khi áp dụng phương pháp sản xuất thời trang bền vững như hóa chất, chất thải, phát thải năng lượng...
Cần có những điều luật mạnh mẽ để thời trang bền vững vươn lên. Ảnh: Vogue. |
Vào tháng 5, Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia (RSA) đã xem xét 10.000 mặt hàng đang được bán bởi các trang web Boohoo, Pretty Little Thing, Missguided và Asos.
Nghiên cứu cho thấy trong số 2.500 mặt hàng được thêm vào gần đây từ mỗi trang web, 49% được làm bằng chất dẻo như polyester, acrylic, nylon và elastane.
"Các sản phẩm này có giá thấp giống những loại nhựa tuổi thọ ngắn. Bản chất của xu hướng thời trang nhanh là chúng không được thiết kế để tồn tại lâu dài trong tủ quần áo", Josie Warden - đồng tác giả của báo cáo, cho biết.
Theo tiến sĩ Pan, luật pháp chính là cách nâng cao nhận thức từ người tiêu dùng. Roxanne Robinson, cây viết của Forbes cũng đồng tình quan điểm này.
Cô viết: "Giải pháp cho thời trang bền vững dựa trên công nghệ, luật pháp, tài chính. Và dĩ nhiên, sự hợp tác toàn ngành. Thời trang vốn nổi tiếng là ngành mà các bên không làm việc cùng nhau và khó kiểm soát".