Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khó mang thai vì quá béo

Thừa cân do ăn vặt nhiều, người phụ nữ gặp khó khăn khi muốn làm mẹ của những đứa trẻ.

Chị N.T.H. 27 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) mới lập gia đình được 2 năm, đang kinh doanh mặt hàng đồ ăn vặt.

Sau khoảng 2 năm bán đồ ăn vặt, cô gái trẻ từ 60 kg đã tăng lên gần 90 kg. Khi cân nặng tăng mất kiểm soát cùng thân hình quá khổ, cô bắt đầu nghe những lời phàn nàn từ chồng là quá béo nên khó có con.

Hoang mang, lo lắng sau nghe những lời nói từ chồng, chị H. quyết định đi khám để tìm ra nguyên nhân.

Tương tự, L.H.T. (29 tuổi, sống ở Hà Nội) cũng vất vả "đường con cái" vì thân hình quá khổ.

Thời còn đi học, cô chỉ nặng khoảng 50 kg. Sau một thời gian học đại học rồi lấy chồng, T. đã tăng cân chóng mặt lên 70 kg.

Nhìn thân hình mập trong gương cùng chiếc bụng mỡ, T. tâm sự: "Dù tăng cân, tôi cùng chồng vẫn quan hệ đều đặn. 'Thả' đã lâu nhưng đến nay, chờ mãi vẫn chưa thấy tin vui trong khi gia đình 2 bên đều sốt ruột ngóng cháu".

Co gai tre kho mang thai vi qua beo anh 1

Với một số người, thân hình quá khổ có thể dẫn đến tình trạng hiếm muộn, khó có con. Ảnh: Freepik.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), cho biết chị H. khó có con do béo phì. Tình trạng này gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đặc biệt là khả năng mang thai của phụ nữ.

Một nghiên cứu đã chỉ ra phụ nữ 18-40 tuổi, nếu hàm lượng chất béo trong cơ thể vượt quá 10-15% thông thường, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Lượng chất béo này gây ra dư thừa estrogen trong cơ thể phụ nữ, từ đó làm suy giảm chức năng hoạt động của buồng trứng, đồng thời tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Đây là nguyên nhân gây hiếm muộn phổ biến ở nữ giới trong xã hội ngày nay.

Bằng chứng rõ nhất chính là nghiên cứu của Zanin và Norman (2008). Kết quả nghiên cứu cho thấy béo phì gây rối loạn kinh nguyệt, giảm tỷ lệ thụ thai, giảm đáp ứng với hỗ trợ sinh sản. Khi mang thai, nó cũng góp phần gây sẩy thai và biến chứng sau kinh nguyệt, giảm tỷ lệ thụ thai, đáp ứng với hỗ trợ sinh sản.

Nếu cơ thể đạt mức cân nặng tiêu chuẩn, chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới sẽ giữ được sự ổn định, tăng ham muốn, khả năng thụ thai tự nhiên.

Không phải tất cả trường hợp béo phì đều bị vô sinh. Nhưng nguy cơ vô sinh ở những bệnh nhân này cao hơn người bình thường. Vì vậy, việc giảm cân và duy trì một vóc dáng hợp lý không chỉ giúp nâng cao thẩm mỹ mà cũng rất cần thiết đối với sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.

“Khi đang trong tình trạng béo phì, dù muốn có con hay không, bạn cũng nên giảm cân để có một sức khỏe tốt. Chị em nên giảm cân một cách lành mạnh, tránh sử dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Người dân nên tìm bác sĩ của mình để có một liệu trình giảm cân an toàn”, bác sĩ Thành khuyến cáo.

Mẹ nên làm gì khi trẻ ho, sổ mũi, viêm họng vì nằm điều hòa?

Cha mẹ cần có biện pháp khoa học để chăm sóc trẻ sơ sinh bị khô mũi họng, ho, chảy nước mũi,… vì nằm điều hòa thường xuyên.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm