Làm việc quần quật 72 tiếng/tuần đã trở thành một “nét văn hóa” lao động ở Trung Quốc trong nỗ lực vươn lên trở thành một cường quốc công nghệ hiện đại của nước này.
Nhưng giờ đây, những doanh nhân trẻ tuổi đang hy vọng thay đổi để thoát khỏi vòng lặp “996” - từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần, theo Inkstone.
Nhân viên một công ty thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc làm việc đến nửa đêm trong đợt mua sắm 11/11/2020. Ảnh: VCG. |
Su Hua - CEO của ứng dụng Kuaishou, cùng Chen Rui - chủ tịch của một trong những nền tảng phát video nổi tiếng nhất xứ tỷ dân Bilibili là những doanh nhân đầu tiên hưởng ứng “lối sống Phật giáo”.
Cụ thể, họ tán thành cách tiếp cận công việc tự do hơn: thoải mái chọn địa điểm, thời gian và số tiếng làm việc.
Phong cách làm việc thư thái, tự do hơn
Khái niệm “doanh nhân Phật giáo” hay “lối sống Phật giáo” có nguồn gốc từ Nhật Bản và không hề liên quan đến tôn giáo này. Nó là một từ lóng dùng để mô tả thế hệ Z ở Trung Quốc - những người quyết định không tham gia cuộc đua “996” để theo đuổi đam mê cá nhân.
Theo thời gian, thuật ngữ này lại được dùng để chỉ các nhân viên làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin không có xu hướng theo đuổi, ưu tiên sự nghiệp.
Còn các phương tiện truyền thông sử dụng cụm từ “doanh nhân Phật giáo” để mô tả những công ty khởi nghiệp từ chối cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường công nghệ Trung Quốc để phát triển sản phẩm của họ với tốc độ chậm hơn, đồng thời duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Rui Ma, một nhà đầu tư mạo hiểm kiêm người dẫn chương trình podcast Tech Buzz China, cho biết thuật ngữ “doanh nhân Phật giáo” thường được sử dụng như một lời “tán dương” cho những người thiếu tham vọng.
Tuy nhiên, thuật ngữ này không hoàn toàn mang hàm ý tiêu cực. “Triết lý sống thanh thản, cân bằng này cũng có những khía cạnh mà mọi người khao khát”, cô nói thêm.
Nhiều người lao động phải chịu môi trường làm việc khắc nghiệt ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Chance Jiang, giám đốc kinh doanh của công ty công nghệ IoT Chatek LLC, người vô tình trở thành một “doanh nhân Phật giáo”, tin rằng lối sống mới này có một số điểm tương đồng với định nghĩa “doanh nhân có phong cách sống” ở phương Tây.
Cụ thể, doanh nhân có phong cách sống là một người xây dựng doanh nghiệp của họ theo kiểu sống mà họ muốn, lựa chọn lịch trình làm việc linh hoạt và địa điểm phù hợp nhất với họ.
CCO Jiang cho biết đó là những cá nhân đã thành lập doanh nghiệp trước đây và không chịu áp lực huy động vốn. Họ có thể đầu tư thời gian vào các dự án của mình.
Đó là bức tranh hoàn toàn khác so với thực trạng ngành công nghệ Trung Quốc hiện nay: các sản phẩm nhanh chóng bị bão hòa trên thị trường, các tập đoàn lớn tranh nhau câu kéo khách hàng bằng cách chi tiền trợ giá và nhiều công ty dựa vào nhân viên làm thêm giờ để sống sót trong cuộc cạnh tranh gay gắt với các đối thủ cùng ngành.
Tư tưởng tiến bộ hay mơ mộng hão huyền?
Tuy nhiên, không ít doanh nhân và nhà đầu tư khác nghi ngờ rằng những người theo đuổi “lối sống Phật giáo” là viển vông, hão huyền.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, tỷ phú Zhou Hongyi - giám đốc điều hành công ty an ninh mạng lớn nhất Trung Quốc Qihoo 360 - khẳng định đó là tham vọng phi thực tế.
Tăng ca, làm thêm giờ là chuyện thường tình ở xã hội Trung Quốc. Ảnh: Nikkei. |
Ông cho biết “lối sống Phật giáo” không thể tồn tại trong môi trường có tính cạnh tranh cao như ngành công nghệ - nơi những sai lầm tí hon có thể dẫn đến thất bại lớn.
Trên thực tế, một số doanh nhân trước đây từng áp dụng kiểu làm việc mới này và thất bại. Họ phải chuyển sang phong cách “chó sói” - phấn đấu thăng tiến, tích cực cống hiến cho công ty và chiến đấu để tồn tại trong một thị trường sẵn sàng nuốt chửng họ ngay từ sai lầm đầu tiên.
Các tỷ phú công nghệ như Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba Group Holding và Richard Lui - giám đốc JD.com khẳng định thời gian làm việc kéo dài là cần thiết để tồn tại trong ngành công nghệ khắc nghiệt.
“Mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty thương mại điện tử, đang phải cạnh tranh gay gắt với nhau. Vì vậy, về cơ bản, làm việc ngoài giờ là chuyện bình thường”, Aidan Chau, nhà nghiên cứu tại tổ chức phi chính phủ China Labour, nhận định.
Theo Mimi Zou, nghiên cứu viên về luật thương mại Trung Quốc tại ĐH Oxford, môi trường tranh giành, cắn xé lẫn nhau đã trở nên đặc trưng tại các công ty Trung Quốc, dẫn đến sự thay đổi đáng kể trên thị trường lao động nước này trong những năm gần đây.
Tỷ phú Jack Ma là gương mặt tiêu biểu trong số các doanh nhân ủng hộ "996". Ảnh: Alizila. |
Trong bối cảnh này, kỳ vọng của người sử dụng lao động và người lao động, bao gồm cả cam kết với công việc hoặc công ty, cũng đã thay đổi trong nền kinh tế định hướng thị trường.
“Nền kinh tế khu vực tư nhân của Trung Quốc có nhịp độ nhanh, năng động và cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ Internet sinh lợi nhanh chóng, khuếch đại những đặc điểm này, đưa chúng lên một cấp độ hoàn toàn khác”, Matthew Brennan, nhà phân tích công nghệ tại Trung Quốc và đồng sáng lập công ty tư vấn China Channel, nói.
Chờ đợi thay đổi
Ngày 29/12/2020, nữ nhân viên 23 tuổi đột ngột qua đời sau khi làm việc trong văn phòng đến 1h30 sáng.
Ngày 9/1, một kỹ sư họ Tan của cũng nhảy lầu tự tử tại nhà riêng sau khi xin nghỉ phép. Cả hai đều là nhân viên thuộc công ty thương mại điện tử Pinduoduo.
Cái chết của hai nhân viên trẻ khiến người dân Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ với văn hóa làm việc “996”. Nhiều người cho rằng cái chết của họ liên quan đến văn hóa làm việc độc hại, khắc nghiệt trong công ty.
Theo cuộc khảo sát của chính phủ năm 2018 về sức khỏe tâm thần của 403 nhân viên công nghệ, 50% số người tham gia cho biết họ cảm thấy mệt mỏi. Những người khác nói rằng họ có các vấn đề về thị lực, trí nhớ kém, rối loạn cột sống…
Wang Shichang (28 tuổi), luôn trong tình trạng mệt mỏi. Đôi mắt khô khốc suốt ngày phải căng ra. Giấc ngủ luôn chập chờn. Wang đã tăng hơn 9 kg kể từ khi bắt đầu công việc phát triển phần mềm vào 4 năm trước.
Chưa nói đến các vấn đề thể chất, Wang nói chứng trầm cảm của anh đang ngày càng tệ hại vì áp lực công việc. Anh khẳng định văn hóa làm việc “996” chính là nguồn cơn của tất cả.
Văn hóa "996" khắc nghiệt xóa mờ ranh giới giữa chỗ làm và nhà ở của các nhân viên. Ảnh: Weibo. |
Mặc dù vậy, nhiều người trong ngành công nghệ vẫn còn mâu thuẫn trong việc chuyển giao văn hóa “996” sang “lối sống Phật giáo”.
Trước khi chuyển sang một công ty có khung giờ làm việc hợp lý hơn, Benjamin Huang đã quen với văn hóa “996”. Anh chuyển chỗ làm không phải vì mệt mỏi với cường độ làm việc khắc nghiệt, mà bởi gặp vấn đề quản lý và muốn có nhiều cơ hội phát triển hơn.
“Nếu mức lương cao, tôi vẫn có thể chấp nhận văn hóa ‘996’”, Huang, nhà thiết kế tại một công ty phần mềm có trụ sở tại Thâm Quyến, chia sẻ với Inkstone.
Theo Huang, mặc dù “lối sống Phật giáo” được nhắc đến ngày càng nhiều, ít người thực sự làm được điều đó. Những lời kêu gọi về thay đổi văn hóa làm việc lại càng hiếm hơn trong lĩnh vực công nghệ vì các công tỷ chỉ muốn nhân viên lao động tích cực hơn.
“Ngay cả khi bạn mong muốn theo đuổi kiểu ‘lối sống Phật giáo’, bạn chẳng được phép làm vậy đâu”, anh khẳng định.