Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức cam kết rút kinh nghiệm và sẽ tập huấn cho giáo viên sau vụ việc xảy ra ở Lớp mầm non Tí Bo. |
Ngày 25/4, tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó phòng GD&DDT TP Thủ Đức, cho biết sau vụ bạo hành trẻ xảy ra ở Lớp mầm non Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức), phòng đã rút kinh nghiệm và cam kết thời gian tới sẽ thực hiện công tác quản lý tốt hơn để giúp đỡ, tập huấn công tác dạy và học cho giáo viên tại các trường, nhóm lớp mầm non ngoài công lập.
Hiện, địa bàn TP Thủ Đức có 273 nhóm lớp và trường mẫu giáo ngoài công tập. Phòng sẽ hợp tác với các UBND phường để quản lý, tăng cường kiểm tra hoạt động.
Ngành cũng sẽ thường xuyên mở các lớp tập huấn bồi dưỡng để giáo viên có kỹ năng tốt hơn trong việc chăm sóc và dạy trẻ. Thời gian qua, TP Thủ Đức đã có một số lớp chuyên đề cho giáo viên như phòng chống bạo lực học đường, giảm stress cho giáo viên...
Về đề xuất lắp camera trong phòng học ở trường mầm non, bà Hiền nêu quan điểm rằng việc lắp camera được ngành giáo dục xác định là để phục vụ công tác quản lý cho hiệu trưởng và chính quyền địa phương.
Bà Hiền và các lãnh đạo ngành giáo dục hiểu tâm lý phụ huynh muốn lắp camera trong lớp của con để theo dõi tình hình đi học và cũng để thỏa nỗi nhớ con, nhưng việc này sẽ rất khó vì hình ảnh của trẻ và giáo viên là vấn đề riêng tư, cần được bảo vệ.
"Để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ, điều quan trọng vẫn nằm ở vấn đề đạo đức, chuyên môn của giáo viên. Thời gian tới, Phòng GD&ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra và đề xuất với UBND TP đồng hành với ngành giáo dục để ngăn chặn tình trạng này", bà Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Chung quan điểm với Phó phòng GD&ĐT Thủ Đức, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng nói rằng vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cao trách nhiệm và chuyên môn của đội ngũ giáo viên để các tình huống tương tự không xảy ra.
Nói thêm về vụ việc xảy ra ở Lớp mầm non Tí Bo, ông Nam nhấn mạnh lãnh đạo ngành giáo dục thành phố luôn quan tâm các chính sách dành cho cấp mầm non (chính sách cho đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất) để đảm bảo hoạt động dạy và chăm sóc trẻ, kể cả hoạt động ở nhóm trẻ tư thục, ngoài công lập.
Trong thời gian sắp tới, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, chủ nhóm lớp và giáo viên trong toàn ngành (bao gồm 2.653 cán bộ quản lý, 1.843 chủ nhóm lớp, 26.525 giáo viên).
Sở cũng sẽ tiếp tục quán triệt về điều lệ trường mầm non, những quy định về đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; phát huy hiệu quả quy chế phối hợp giữa Sở GD&ĐT với chính quyền địa phương, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức trong công tác quản lý.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.