Bà Đinh Thị Tú - hiệu trưởng trường tiểu học Vinschool (Hà Nội) - cho rằng môn học trải nghiệm sáng tạo là điểm mới rất hay trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Thể hiện tầm nhìn
“Trước đây, chúng ta thường nói học đi đôi với hành. Học sinh phải được trải nghiệm mới nắm được kiến thức, hiệu quả hơn rất nhiều so với học lý thuyết. Một tiết, một buổi trải nghiệm có thể giúp vỡ ra nhiều điều, được kiến thức, kỹ năng và cả phát triển tư duy.
Trong chương trình quy định 105 tiết trải nghiệm cho 35 tuần thực học, tức là học sinh được học 3 tiết/tuần. Giáo viên có thể dạy 3 tiết/tuần hoặc linh hoạt dồn tiết để tổ chức một ngày hay một buổi đưa học sinh đi trải nghiệm sáng tạo” - bà Tú nói.
Một giờ ngoại khóa của học sinh trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). |
Ông Tào Tuấn Sửu (trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên) đánh giá việc đưa các môn âm nhạc, mỹ thuật, kinh tế và pháp luật thành môn học chính khóa ở bậc THPT thể hiện tầm nhìn giáo dục của chương trình, có tác dụng thiết thực trong xây dựng và phát triển phẩm chất, năng lực người học.
“Đây là lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông nêu rất rõ các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực người học. Cùng đó, trong định hướng nội dung giáo dục, chương trình nêu ra định hướng nội dung cho các môn học truyền thống và cả các nội dung mới có tính mở như trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề học tập, hướng nghiệp...” - ông Sửu nhận xét.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai chương trình phổ thông mới không phải là điều dễ dàng với hàng loạt khó khăn như đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo, sắp xếp thời gian học sao cho phù hợp trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn...
Chú ý tập huấn và bồi dưỡng giáo viên
Bà Trần Thị Bích Nga - giáo viên trường THPT Nguyễn Trãi (Tây Ninh) - cho biết xuất hiện tình trạng ở một số trường THCS thiếu giáo viên dạy nhạc nên phân công giáo viên dạy hóa sang đảm nhận, có môn học bơi lội nhưng địa phương không có bể bơi; dạy ngoại ngữ nhưng không có thiết bị nghe...
Vì thế, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo cụ thể cho những vùng khó khăn, tạo điều kiện để địa phương làm đúng theo đổi mới. Nếu làm không đúng thì kết quả sẽ không thể tốt được.
Theo bà Đinh Thị Tú, có thể khắc phục những khó khăn bằng việc linh hoạt tùy theo từng trường, từng địa phương. Ví dụ, nếu các trường không có điều kiện thì dồn các tiết học trải nghiệm sáng tạo lại để đưa học sinh đi một buổi hay một ngày trong một tháng.
Vấn đề này đặt ra đòi hỏi về tích hợp liên môn, nghĩa là giữa các môn học phải liên kết chặt chẽ. Giáo viên của các bộ môn phải cùng lên kế hoạch chương trình về một buổi trải nghiệm sáng tạo phù hợp với nhiều môn học như toán, ngoại ngữ, văn học, lịch sử...
“Tôi từng tham gia và chỉ đạo thực hiện đổi mới ở cơ sở. Thực tế rút ra là khi chương trình mới đưa ra thì việc tập huấn, đào tạo giáo viên sẽ triển khai theo từng cấp từ trung ương đến địa phương. Nếu không làm cẩn trọng, mỗi cấp sẽ rơi đi một chút và đến người thực dạy thì không còn tròn trịa” - bà Tú chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa - giáo viên trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) - nhấn mạnh để thực hiện chương trình mới, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề tập huấn và bồi dưỡng giáo viên.
“Chương trình hay nhưng giáo viên không tâm huyết, không đủ năng lực cũng không thể đổi mới thành công” - bà Hoa nhận định.
> Chủ đề: Chương trình giáo dục phổ thông mới |
Không thể vội vàng
Theo lộ trình, việc triển khai chương trình phổ thông mới sẽ bắt đầu từ năm học 2018- 2019. Bà Đinh Thị Tú cho rằng thực hiện ngay năm học tới là gấp và khó có hiệu quả.
Hiện chương trình mới có khung tổng thể, chưa bắt tay vào xây dựng nội dung môn học, chưa viết sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên tiếp cận vẫn đang miệt mài với chương trình của năm học này. Với điều kiện thời gian hạn hẹp như vậy, e rằng khó thực hiện được.