Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phá sản sách giáo khoa riêng?

Với dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa như tuyên bố trước đây khó thành hiện thực.

Đến nay, cả nước mới chỉ có TP.HCM được Bộ GD&ĐT đồng ý về mặt chủ trương có bộ sách giáo khoa (SGK) riêng mang đặc thù của TP. Dù TP.HCM là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi, kể cả đội ngũ chuyên gia, các nhà giáo uy tín để làm sách, nhiều ý kiến vẫn cho rằng để làm được bộ SGK riêng cực kỳ khó so với chương trình phổ thông mà bộ công bố.

Quá khó để thực hiện

Theo lý do mà các chuyên gia phân tích, một trong những điều kiện cần và đủ để biên soạn SGK là chương trình khung của cấp học đó, môn học đó phải thể hiện được mục tiêu đào tạo như thế nào, hình hài của người học sinh (HS) thể hiện trong chương trình giáo dục đó ra sao song nhìn vào dự thảo chương trình phổ thông mới, dù bộ còn nghe góp ý và điều chỉnh nhưng nhiều ý kiến cho rằng dự thảo rất rối.

Dự thảo có quá nhiều môn học và các môn học lại chồng chéo nhau nên nhiều chuyên gia khẳng định việc biên soạn một bộ sách dựa theo chương trình như trên là rất khó thực hiện.

Sach giao khoa moi anh 1
Học sinh TP HCM chuẩn bị sách vở để bắt đầu bài học. Ảnh: Tấn Thanh/Người Lao Động.

“Nếu theo các môn học mà bộ công bố, sẽ có môn trải nghiệm sáng tạo và đương nhiên phải có cuốn SGK mang tên trải nghiệm sáng tạo. Đã là trải nghiệm phải gắn với hoạt động mà hoạt động thế nào rất khó miêu tả trong sách”, giáo viên (GV) một trường tiểu học tại quận 3 cho biết.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay khi GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nêu ý kiến các địa phương không nên biên soạn bộ SGK riêng là có cơ sở. Thật ra, biên soạn được một bộ sách vô cùng tốn kém và mất nhiều công sức nên chắc gì các địa phương đã muốn làm.

TP.HCM có điều kiện thuận lợi hơn về kinh tế, đội ngũ học thuật, chuyên gia, nhà giáo cũng đã rất trầy trật khi thực hiện bộ SGK riêng. Thời gian qua, sở vẫn mòn mỏi chờ khung chương trình của bộ để xây dựng bộ sách.

“Đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn bỏ ngỏ câu trả lời các địa phương có nên biên soạn SGK riêng không? Như thế không có cơ sở để làm, nếu làm thì cũng rất khó vì gấp gáp, không có đủ nguồn lực”, vị này nhìn nhận.

Không nhất thiết phải có nhiều bộ sách

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, một số tài liệu dạy học do Sở GD&ĐT TP biên soạn lâu nay dù được GV và HS đánh giá cao nhưng không thể xem là SGK được vì được biên soạn theo khung khác, chương trình khác.

Riêng TP.HCM, dù được bộ đồng ý về mặt chủ trương nhưng sở vẫn phải liên kết với NXB Giáo dục mới có thể biên soạn, chứ bản thân sở không đứng ra làm riêng.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo như Bộ GD&ĐT công bố là vào năm 2018-2019, tuy nhiên, đến giờ vẫn còn loay hoay chỉnh sửa, chưa có chương trình khung thì việc biên soạn một bộ SGK riêng là không khả thi, đồng nghĩa với việc phá sản chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK của bộ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP.HCM), cho rằng vấn đề là xây dựng khung chương trình chuẩn, dạy cái gì, HS được học thế nào mới là quan trọng chứ không cần phải đến nhiều bộ SGK.

Đời sống xã hội luôn luôn thay đổi, 10 năm sau quay lại đã thấy sách lạc hậu, nếu cứ chạy theo những biến chuyển này thì thay bao nhiêu SGK cho kịp? Vì thế, cần hạn chế thấp nhất việc thay SGK mà cần xây dựng một bộ sách chuẩn và xây dựng những học phần mở.

Nhiều ý kiến cho rằng chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK là đúng đắn khi SGK không còn là pháp lệnh. Điều này phù hợp nền giáo dục ở các nước tiên tiến. Việc chọn tài liệu nào, sách nào giao toàn quyền cho GV. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó là cả quá trình dài chuẩn bị việc đào tạo, bồi dưỡng GV theo phương pháp dạy mới, quá trình thẩm định, thử nghiệm chương trình khung phù hợp hay chưa…

“Bất cứ một chủ trương, một quan điểm đổi mới nào cũng cần có thời gian thí điểm để biết hạn chế, giải pháp khắc phục. Hiện nay, theo thông tin mới chỉ có TP.HCM làm được sách nhưng vẫn chưa có chương trình khung thì mơ gì đến chuyện năm 2018, các địa phương khác cũng làm xong và đưa vào áp dụng?” - một chuyên gia giáo dục tại TP.HCM bày tỏ.

> Chủ đề: Chương trình giáo dục phổ thông mới

Xã hội luôn luôn thay đổi, nếu cứ chạy theo những biến chuyển này thì thay bao nhiêu SGK cho kịp? Cần hạn chế thấp nhất việc thay SGK mà cần xây dựng một bộ sách chuẩn và xây dựng những học phần mở.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần thứ hai để lấy ý kiến trong dư luận. Bộ GD&ĐT công bố dự thảo này lần đầu vào năm 2015.

Sách giáo khoa 'lạ'?

Những ngày đầu năm 2017, nhiều học sinh lớp 11 ở Sóc Trăng mua sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 tập 2 về sử dụng thì phát hiện nhiều điều lạ lùng.

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/pha-san-sach-giao-khoa-rieng-20170428213301693.htm

Theo Đặng Trinh / Người Lao Động​

Bạn có thể quan tâm