Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khổ với đông - nam dược trôi nổi

Ông Trần Văn R. (53 tuổi, ở Thái Bình) vừa được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy gan nặng, hôn mê, da và mắt vàng đậm.

Theo gia đình, ông R. bị viêm gan virus nhưng ngừng uống thuốc theo đơn bác sĩ, chuyển sang thuốc đông y không rõ tên, một loại uống và một loại đắp lên bụng.

Sau khoảng một tháng, ông R. bắt đầu có biểu hiện vàng da, vàng mắt, chán ăn, chảy máu cam, chảy máu chân răng và đỉnh điểm là hôn mê. Gia đình chuyển ông R. lên cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

*Củ thiên ma khô bên trái là giả, bên phải là thật - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

*Củ thiên ma khô bên trái là giả, bên phải là thật - Ảnh: Nguyễn Khánh.

Lộn xộn đông dược

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay trung bình mỗi tháng khoa của ông tiếp nhận 2-3 bệnh nhân tương tự.

Khác với trường hợp ngộ độc cấp có thời gian sử dụng sản phẩm gây ngộ độc ngắn, các trường hợp ngộ độc thuốc đông - nam dược đều có thời gian sử dụng thuốc kéo dài hàng tháng trời làm thuốc “ngấm”, nhiều trường hợp suy gan nặng, điều trị không hồi phục, tiên lượng xấu hoặc tử vong.

Tuy nhiên theo ông Cấp, hầu hết trường hợp không tìm ra căn nguyên như loại thuốc nào hay thành phần nào trong thuốc gây độc do chính bệnh nhân cũng không rõ họ sử dụng loại thuốc nào, chủ yếu dùng thuốc do nghe người quen mách bảo.

Tìm hiểu thị trường đông - nam dược, chúng tôi mới thấy tình hình đang loạn: 30-40% đông dược đang lưu hành là hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc bị nhầm loài, bị tách 
chiết bớt hoạt chất.

Một dược sĩ chuyên về các vị thuốc đông y khi chúng tôi đưa các sản phẩm đông dược cùng loại để phân biệt thì cho biết cùng là vị thuốc, thị trường có nhiều loại thật - giả lẫn lộn và nếu không phải trong nghề thì không tài nào phân biệt được.

Như củ thiên ma thật có vân sần ngang mặt củ, nhưng cũng có “thiên ma” toàn là vân dọc mà không có vân ngang dù hình thức củ cũng gần giống. Vị huyết đằng có đến bốn loại khác nhau cùng cưa từ loại cây thân gỗ, cùng có vân như huyết đằng thật nhưng màu vân khác nhau, ngửi thử cũng không thấy mùi thuốc...

Theo một ước tính của cơ quan chức năng, từ trước ngày 1/8 (trước thời điểm có quy định mới về nhập khẩu đông dược) mỗi ngày có 70-200 tấn đông dược từ biên giới Trung Quốc vào VN và tỏa đi khắp nước.

Hạt ý dĩ khô bên trái là giả, bên phải là thật - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hạt ý dĩ khô bên trái là giả, bên phải là thật - Ảnh: Nguyễn Khánh.

“Không nhiệt tình 
chia sẻ các bài thuốc lượm lặt được”

Mới đây, trên Facebook của một bác sĩ ở Hà Nội đã cảnh báo tình trạng loạn sử dụng đông dược theo quảng cáo trên mạng xã hội hay người quen mách nước và chia sẻ vô tội vạ các hướng dẫn dùng đông dược để trị bệnh nan y.

Theo vị bác sĩ này, bệnh nhân đang uống thuốc tây đã tự ngừng thuốc chuyển sang dùng nấm lim xanh theo quảng cáo trên mạng Internet. Sau ba tháng bệnh tiến triển nặng, suy gan nghiêm trọng, nguy cơ tử vong cao.

Gia đình bệnh nhân kể bệnh nhân ngưng dùng thuốc tây chuyển sang đông y những mong thuốc “lành”, ít tác dụng phụ, nhưng lành đâu không thấy mà suýt phải trả giá bằng mạng sống của 
mình khi mới 33 tuổi.

Gần đây, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhân ngộ độc chì do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân là Lê Văn N., dùng thuốc nam có tên hồng đơn để trị chứng rối loạn mồ hôi tay trong hai tuần. Kết quả là sinh ra chán ăn, vàng da, vàng mắt, suy gan.

Một trường hợp khác cũng từng điều trị tại Trung tâm chống độc bị ngộ độc asen do dùng thuốc nam điều trị thấp khớp.

Từ tháng 1/2013 đến cuối năm 2014, trung tâm này cũng tiếp nhận gần 800 bệnh nhi đến khám nghi do ngộ độc chì sau khi dùng thuốc cam - loại thuốc nam thường được sử dụng cho đủ mục đích như chữa tưa lưỡi tưa miệng, trị chứng còi xương và kích thích ăn uống cho trẻ em, trong đó có gần 180 em được xác định ngộ độc chì có trong thuốc cam, nguy cơ ảnh hưởng lâu dài 
đến phát triển trí tuệ.

Ông Cấp cũng khuyến cáo những “công dân mạng” không nên nhiệt tình chia sẻ các bài thuốc lượm lặt được vì thiếu hiểu biết và hảo tâm có thể vô tình tiếp tay cho tội ác.

Mới đây, Cục Quản lý y dược cổ truyền Bộ Y tế cùng lúc có hai văn bản gửi Tổng cục Hải quan, các sở y tế, bệnh viện yêu cầu dược liệu nhập khẩu vào bệnh viện phải chứng minh được nguồn gốc và có giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa với từng lô dược liệu, có phiếu kiểm nghiệm phù hợp với giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong nước vào bệnh viện phải có xác nhận của UBND xã phường hoặc đạt nguyên tắc thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc.

Nhiều sản phẩm giả hoặc cố ý nhầm loài

Tại Cục Quản lý y dược cổ truyền, bà Trần Thị Hồng Phương, phó cục trưởng, cho biết các mẫu đông - nam dược mà cục lấy về kiểm nghiệm có nhiều sản phẩm giả hoặc cố ý nhầm loài. Như hạt ý dĩ giả bằng hạt bo bo, hạt nhỏ bằng 1/3 và cắn thấy bở chứ không cứng, hạt không rõ thớ như ý dĩ thật.

Vị hồng hoa cũng có loại hồng nhạt, có loại đỏ sẫm và ngửi thấy rất chua chứ không thơm như hồng hoa xịn.

Vị thỏ ty tử vốn dùng cho người bệnh thận, theo bà Phương, uống vào có khi là... hại thận vì cắn hạt thấy cứng và sạn như ximăng, đốt không cháy, pha vào nước thì chìm hết xuống đáy và sau đó thôi ra màu vàng, trong khi thỏ ty tử thật không bao giờ chìm hết xuống đáy mà lơ lửng trong cốc nước.

Nước chứa hạt thỏ ty tử sẽ có màu ngả xanh.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20150826/kho-voi-dong-nam-duoc-troi-noi/958518.html

Theo Lan Anh/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm