Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Khó xử khi người yêu cũ, bạn cấp 2 mời cưới

Theo nhiều cô dâu, chú rể, việc lập danh sách khách mời là một trong những khâu khiến họ đau đầu nhất. Việc mời người nào, bỏ bớt ai cần sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Danh sách khách mời đám cưới là yếu tố khiến các cặp vợ chồng sắp cưới đắn đo. Ảnh: Pexels.

"Đám cưới em có nguyên một bàn dành cho người yêu cũ, anh nhớ đến nhé".

Dòng tin nhắn mời cưới của người yêu cũ khiến Trần Đại (29 tuổi, quận 7, TP.HCM) bật cười. Anh thừa nhận đó là lời mời đáng ái ngại nhất mình từng nhận.

Chia sẻ với Zing, Trần Đại cho biết mình và cô gái kể trên từng có khoảng thời gian yêu đương hơn một năm. Sau này, do bất đồng quan điểm, cả hai chọn cách dừng lại. Khi chia tay, anh và người yêu cũ tôn trọng nhau, không xảy ra xích mích.

"Tôi rất mừng khi thấy đối phương hạnh phúc. Thành thật mà nói tôi cũng có thể đến dự ngày trọng đại của cô ấy. Tuy nhiên, việc ngồi cùng bàn với nhiều tình cũ khác của cô dâu khiến tôi không thoải mái", anh kể lại.

Giống với Trần Đại, không ít bạn trẻ cũng từng nhận được những lời mời cưới gây khó xử. Nhiều người quyết định gửi tiền mừng, quà chúc phúc thay vì đến dự, trong khi số khác chọn cách ngó lơ, không phản hồi với cô dâu, chú rể.

Khách mời khó xử

Trần Đại đánh giá việc mời cùng lúc nhiều người yêu cũ đến đám cưới là điều không hay. Thậm chí có thể khiến buổi tiệc trở nên gượng ép, thiếu tự nhiên, ảnh hưởng đến tâm trạng của nhiều khách khác.

"Tôi sẽ thoải mái hơn nếu được ghép vào một bàn gồm những người bạn chơi chung của cả hai thay vì ngồi cạnh những anh chàng tình cũ như mình", anh nhận xét.

moi tham du dam cuoi anh 1

Nhiều người cảm thấy không vui khi nhận lời mời cưới sơ sài hoặc từ bạn không quen thân. Ảnh minh họa: Agung Pandit Wiguna/Pexels.

Sau khi nhận được tin nhắn từ cô dâu, Trần Đại viện lý do kẹt lịch và từ chối. Anh không quên chúc mừng hạnh phúc của người yêu cũ, nhưng cũng khó hiểu với quyết định mời cưới của cô nàng.

Tương tự Trần Đại, Trung Hiếu (25 tuổi, quận 7, TP.HCM), kỹ sư xây dựng, cũng từng bối rối khi nhận được lời mời đám cưới từ người bạn cấp 2 mà nhiều năm mình chưa từng giao tiếp và gặp lại.

"Cuối tháng mình kết hôn, cả lớp đến dự đông đủ cho vui nhé", cô bạn này nhắn vào nhóm chat chung.

Đoạn tin ngắn gọn, kèm theo ảnh thiệp báo hỷ nhưng không đề tên khách.

Sau khi tin nhắn trên được gửi đến, các nhóm chat khác của lớp Hiếu bắt đầu bàn tán sôi nổi. Đa số mọi người đều không hài lòng với cách mời cưới của cô bạn này, chỉ số ít đề cập đến việc nên gửi tiền mừng hay đến dự.

"Tôi không đi và cũng sẽ không gửi quà cưới hay phong bì. Nhiều bạn bè của tôi cũng quyết định như vậy vì thấy người mời thiếu thiện chí. Tôi hiểu ai cũng có nhiều mối quan hệ và muốn mọi người sum họp trong ngày vui của mình. Nhưng phải chi cô bạn tinh tế hơn trong cách mời thì mọi chuyện đã không khó xử như thế", Trung Hiếu bày tỏ.

Trong mùa cưới năm nay, chàng trai đã góp mặt trong khoảng 5 lễ cưới và nhận được không dưới 10 tấm thiệp. Tuy nhiên, anh chỉ đến những tiệc của họ hàng hoặc người quen thân thiết.

Hôn lễ của bạn học lâu năm không gặp, đồng nghiệp không quen thân, anh sẽ từ chối khéo và chúc phúc bằng nhiều hình thức khác nhau. Còn với những người chỉ quen biết xã giao, anh không đến dự, cũng không gửi phong bì, cho biết sau này cưới không mời lại.

Nam kỹ sư xây dựng cho rằng mời cưới là vấn đề khá khó nói, nhiều chuyện phát sinh và cần sự khéo léo từ cả hai bên.

"Đau đầu nhất là bỏ phong bì dựa theo mối quan hệ. Theo tỷ giá thị trường, tôi thường mừng mức chung là 500.000 đồng, còn bạn bè thân hay gia đình thì từ một triệu đồng trở lên", Hiếu cho biết.

Cô dâu, chú rể bối rối

Để tổ chức đám cưới vào tháng 3/2022 vừa qua, Hà My (25 tuổi, quận 12, TP.HCM) và Hoài An (25 tuổi, quận 7, TP.HCM) gặp nhiều khó khăn. Theo dự định, cả hai sẽ làm tiệc vào tháng 6/2021, tuy nhiên lúc đó dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi việc bị trì hoãn.

moi tham du dam cuoi anh 2

Vợ chồng Hà My bị trách khéo vì không mời một số người bạn đến dự đám cưới.

Đợi đến năm nay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Hà My và chồng mới bàn tính lại chuyện kết hôn.

"Thời điểm đó, dịch Covid-19 đã bớt căng thẳng, nhưng tâm lý mọi người vẫn rất hoang mang, hạn chế đến nơi đông người. Việc lên danh sách khách mời, cân nhắc thử ai có thể đi cũng khiến chúng tôi đau đầu", cô kể lại.

Trước đó, vợ chồng Hà My từng tốn một loạt chi phí do đám cưới đầu tiên bị hủy. Lần này, hai người buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn phần khách mời để không bị dư ra quá nhiều bàn, làm các khoản chi độn lên cao.

Theo đó, cô cắt giảm số cỗ bàn, tổ chức đám tiệc nhỏ hơn dự định và chỉ chắt lọc những người bạn thân thiết nhất. Điều này khiến vợ chồng My nhận về nhiều lời trách móc "tại sao không mời".

"Tôi không biết mọi người đùa hay nói thật khi nhắn vào nhóm chat. Nhưng trước đó, tôi đã giải thích rất kỹ về những hạn chế trong khâu tổ chức và mong họ thông cảm. Tới giờ, nhắc lại chuyện đó chúng tôi cũng rất buồn", My kể lại.

Đã thu gọn quy mô buổi lễ, số bàn trống trong ngày vui của Hà My vẫn khá nhiều. Không ít khách vướng việc bận hoặc phải cách ly nên chủ động xin số tài khoản của cô dâu, chú rể để chuyển tiền mừng. Điều này khiến My có chút ái ngại.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ việc công khai số tài khoản để khách mời gửi tiền mừng là tinh tế, thông minh. Đây là chuyện khá tế nhị, mọi người nên cân nhắc kỹ chuyện bỏ phong bì như thế nào để khéo léo và hai bên đều vui vẻ", cô nhận định.

moi tham du dam cuoi anh 3

Mỹ Linh cho rằng các đôi sắp cưới nên chuẩn bị danh sách khách mời từ sớm để trách cập rập sát ngày vui.

Còn theo Ngô Mỹ Linh (27 tuổi, Hà Nội), chuyện mời cưới luôn là vấn đề đau đầu với những đôi vợ chồng sắp cưới.

Để tránh những tình huống khó xử, các cô dâu, chú rể nên lên danh sách kỹ lưỡng khoảng 3 tháng trước khi ngày trọng đại diễn ra.

Hôn lễ của vợ chồng Linh vừa được tổ chức vào tháng 2 năm nay. Do thời gian đó dịch bệnh vẫn chưa ổn định, gia đình cô chỉ làm một bữa tiệc thân mật với tầm 50-60 người.

"Ban đầu, tôi liệt kê tất cả khách mời, sau đó khoanh vùng và loại dần dựa trên quy mô của cỗ bàn. Với những đồng nghiệp, bạn bè không nằm trong số này, tôi và chồng vẫn gửi thiệp báo hỷ, giải thích lý do để mọi người thông cảm", Linh chia sẻ.

Ngoài ra, cô còn tạo một thư mục trên Internet để ai không thể đến dự có thể tải thư, clip chúc phúc cho vào đó.

Theo Linh, khi tự tổ chức hôn lễ, các cô dâu, chú rể không thể tránh khỏi những vấn đề phát sinh. Ngoài giai đoạn lên ý tưởng, trang trí, lựa chọn lễ phục, mời cưới cũng là khâu tốn khá nhiều thời gian để xem xét.

Rút kinh nghiệm từ những lần nhận được thiệp mời cưới trong tình huống khó hiểu, Linh và chồng chuẩn bị tỉ mỉ để không làm mất lòng đôi bên.

"Tôi thấy có rất nhiều dịch vụ làm quà cưới đẹp và lịch sự, các bạn có thể cân nhắc mua tặng cho những người khách gửi tiền mừng nhưng không thể đến chung vui. Người nhận cũng sẽ thích và thấy được tôn trọng. Cưới hỏi là một dịp vui và nếu không thể đến dự, tôi cũng sẽ gửi lời chúc mừng chân thành tới họ kèm theo lời thông báo trước", Linh nói thêm.

Tại sao đám cưới của Anh Tú - Diệu Nhi và các ngôi sao luôn được chú ý

Lễ cưới của những đôi vợ chồng càng nổi tiếng, càng thu hút sự chú ý. Ngoài chiêm ngưỡng sự xa hoa, nhiều người coi đây là việc trải nghiệm hạnh phúc một cách gián tiếp.

Phương Thảo - Mỹ Trinh

Bạn có thể quan tâm