Cô Kassor, người đứng lớp môn "Không làm gì" -- cho rằng xã hội cần loại bỏ ý nghĩ chúng ta chỉ đang đào tạo mọi người trở thành người lao động hiệu quả. Ảnh: New York Times. |
Constance Kassor không ngờ rằng “Không làm gì” lại thành công như vậy. Khóa học dạy sinh viên cách thư giãn hiện là lớp học được yêu thích nhất tại Đại học Lawrence (bang Wisconsin, Mỹ).
Kassor, phó giáo sư nghiên cứu tôn giáo, nghĩ sinh viên đang tìm kiếm các kỹ năng giúp họ chống lại căng thẳng khi đối mặt với những thách thức về sức khỏe tâm thần và áp lực ngày càng tăng.
“Nhu cầu của sinh viên về vấn đề này là rất cao", cô nói. 52 học sinh đang tham gia lớp học này trong học kỳ, nhiều hơn bất kỳ khóa học nào tại ngôi trường 1.500 học sinh ở Appleton, bang Wisconsin.
Time miêu tả lớp học của cô ấy kéo dài một giờ, một lần mỗi tuần, và sinh viên sẽ được xếp loại đạt - không đạt. Học sinh phải có mặt đầy đủ, để điện thoại bên ngoài lớp học nhưng sẽ không phải làm bài kiểm tra cuối kỳ.
Phó giáo sư viết lên Twitter rằng khóa học giúp nhà trường biết về tình trạng hiện tại của sinh viên đại học. Điều này đã làm dấy lên cuộc tranh luận về những thứ sinh viên cần và những gì các trường đại học nên dạy. Dòng tweet lan truyền mạnh mẽ, thu hút hơn 134.000 lượt thích và 8.000 lượt retweet.
Tình trạng đáng lo ngại về sức khỏe tâm thần
Vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng trong các trường đại học trong những năm gần đây. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 6, hơn 60% sinh viên đại học mắc một hoặc nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần trong giai đoạn 2020-21, tăng khoảng 50% so với năm 2013.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 4 và 5/2022, 46% thanh thiếu niên nói rằng họ lên mạng “gần như liên tục”, so với 24% thanh thiếu niên trong giai đoạn 2014-15.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi việc ngắt kết nối và “không làm gì cả” lại thu hút sự chú ý của mọi người. Cô Kassor lo lắng rằng hệ thống giáo dục đại học tập trung quá nhiều vào việc tối ưu hóa sinh viên để chuẩn bị cho môi trường làm việc.
Rất nhiều sinh viên căng thẳng, áp lực và bị kiệt sức, dẫn đến sức khỏe tâm thần sa sút. Ảnh: Getty Images. |
Lí do khóa học ra đời
Cô ấy đã nói chuyện với TIME về lý do cô ấy nghĩ rằng khóa học đó là cần thiết. Khóa học này là ý tưởng hợp tác của một số đồng nghiệp và cô. Họ thấy hầu hết sinh viên đều căng thẳng, áp lực và làm việc quá sức, vì vậy, họ cố gắng tìm ra cách để giúp sinh viên phát triển các kỹ năng cần thiết để chủ động thư giãn.
Các nghiên cứu cho thấy thiền và ngủ đủ giấc, hoặc thậm chí chỉ đứng dậy khỏi bàn làm việc hoặc để bản thân buồn chán đều cải thiện chất lượng cuộc sống của chúng ta. Nhưng những điều vừa nêu trên đều là kỹ năng và kỹ năng thì mọi người cần phải học mới làm được.
Căng thẳng đủ đường
Cô chia sẻ: "Mỗi năm, tôi thấy ngày càng nhiều thanh niên 18 tuổi đến lớp và chỉ trong vài tuần đầu tiên của đại học, các em đã căng thẳng về điểm số, sơ yếu lý lịch, và làm như thế nào để có việc sau khi tốt nghiệp".
Cô không rõ nguyên nhân đằng sau chuyện này là gì, có thể do đại dịch, mạng xã hội, áp lực gia đình hay nền kinh tế nhưng rõ ràng là sinh viên đang phải chịu áp lực rất khủng khiếp.
Cô Kassor và đồng nghiệp muốn các em tự tạo không gian riêng để được là chính mình, nơi các em có thể thoải mái về thể chất và tinh thần. Điều này trái ngược với những gì sinh viên thường bị đòi hỏi.
Mỗi tuần lớp được giảng dạy bởi thành viên khác nhau trong khoa. Một trong những đồng nghiệp của cô Kassor từ khoa tâm lý đến và nói về vệ sinh giấc ngủ. Cô ấy đã chia sẻ với sinh viên một số nghiên cứu đã được thực hiện về mối tương quan giữa số giờ ngủ mà sinh viên có được và điểm trung bình. Nếu trung bình sinh viên ngủ được 7 -8 mỗi đêm, họ sẽ có điểm trung bình cao hơn vậy nên cô ấy đã yêu cầu học sinh lập một kế hoạch để đảm bảo rằng họ ngủ đủ giấc.
Cô Kassor chia sẻ thêm: "Chúng tôi cũng có một giáo sư khiêu vũ đến và đưa sinh viên tham gia hoạt động đi bộ chánh niệm. Mọi người phải ra ngoài 30 phút mà không nhìn vào điện thoại, không nói chuyện với ai. Chúng tôi sẽ có người đến dạy Thái Cực Quyền vào tuần tới. Chúng tôi cũng sẽ dạy học sinh cách thiền".
Phó giáo sư cho biết: "Nếu có nhiều khóa học như thế này hơn, sinh viên sẽ biết rằng họ không phải làmviệc 24/7, không cần phải làm việc hiệu quả mọi lúc và có thể nghỉ ngơi nếu muốn. Học sinh, sinh viên sẽ hạnh phúc hơn và tỷ lệ trầm cảm và lo lắng sẽ giảm đi".
Cô Kassor cho rằng xã hội cần loại bỏ ý nghĩ chúng ta chỉ đang đào tạo mọi người trở thành người lao động hiệu quả. Cái họ cần làm là cung cấp cho người trẻ những công cụ cần thiết để phát triển và trở thành những người tốt, đóng góp cho xã hội không chỉ về kinh tế, công việc mà còn nhiều điều khác.