Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Khoản thưởng Tết bằng 5 tháng lương 'giữ chân' nhân sự TP.HCM

Không còn mặn mà với công việc hiện tại, song một số nhân sự tại TP.HCM và Hà Nội vẫn do dự trước quyết định xin nghỉ, cho biết thưởng Tết là lý do giữ chân.

Thưởng Tết được người lao động mong chờ. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Triển khai 3 dự án bất động sản trong năm nay, Hoàng Huy (26 tuổi, quận 7, TP.HCM) đặc biệt mong chờ khoản thưởng Tết. Đó cũng là lý do dẫn đến sự trì hoãn của Huy trong việc xin nghỉ dù không còn tha thiết với công ty hiện tại.

“Các khoản thưởng dự án của tôi đều dồn vào cuối năm. Nếu thôi việc bây giờ, tôi có khả năng mất trắng, công sức cả năm thành công cốc”, nhân sự ngành bất động sản nói.

Nguyên nhân khiến Huy không còn mặn mà với công việc này là thiếu không gian phát triển. Anh muốn rời khỏi doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hiện tại, dự định ứng tuyển vào tập đoàn lớn trong cùng lĩnh vực sau Tết Nguyên đán.

nhan su TPHCM,  nhan su Ha Noi,  nghi viec Tet,  nhay viec Tet anh 1

Nhiều nhân sự không dám nghỉ việc dù không còn thiết tha với công ty hiện tại vì muốn nhận thưởng Tết sau một năm cống hiến. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Hoàng Huy không phải trường hợp cá biệt. Trước Tết Âm lịch, tình trạng chán việc nhưng cố bám trụ để chờ thưởng cuối năm diễn ra ở nhiều nhân sự. Đây không phải câu chuyện mới, song vẫn thu hút sự quan tâm trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Từng chia sẻ với Tri thức - Znews, chuyên gia nhân sự Nguyễn Hùng Cường, thành viên mạng lưới tư vấn của ngành Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp), lương và thưởng Tết là phúc lợi được người lao động ưu tiên hàng đầu trong năm 2024.

Làm cả năm chỉ chờ thưởng Tết

Tương tự Hoàng Huy, Hồng Hạnh (28 tuổi, quận 3, TP.HCM) cũng tạm hoãn kế hoạch nhảy việc vì chờ thưởng Tết. Đảm nhiệm vị trí trưởng nhóm kinh doanh trong một công ty chuyên cung cấp dịch vụ phần mềm, cô có thể nhận khoản thưởng doanh thu cuối năm lên đến 5 tháng lương.

“Tôi dự định mua ôtô trả góp dịp cuối năm nay, coi đây là khoản trả trước, không thể vì chán nản mà lỡ kế hoạch sắm xe hơi”, Hạnh nói.

Trưởng nhóm kinh doanh này cho biết công ty cô chưa từng cắt lương tháng 13 và thưởng Tết của nhân sự, bất chấp tình hình kinh tế ảm đạm trong những năm gần đây. Đó cũng là lý do doanh nghiệp này có thể níu chân Hồng Hạnh đến hiện nay dù lương tháng không cao.

Sau khi khoản thưởng cuối năm nay về tay, Hạnh dự định xin nghỉ, ứng tuyển công việc khác với mức lương cao hơn. Cô cảm thấy thu nhập hiện tại không xứng đáng với năng lực và công sức bỏ ra.

nhan su TPHCM,  nhan su Ha Noi,  nghi viec Tet,  nhay viec Tet anh 2

Minh Thư chưa thông báo dự định nghỉ việc cho đồng nghiệp, sếp, tránh ảnh hưởng đến lương, thưởng cuối năm.

Minh Thư (24 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng không còn hứng thú với công việc trong lĩnh vực marketing, mong muốn chuyển hướng sang ngành kinh doanh. Tuy nhiên, cô cũng không thể nộp đơn xin nghỉ việc ngay, còn ràng buộc với công ty hiện tại bởi khoản thưởng Tết.

Năm nay, bộ phận marketing của cô vượt chỉ tiêu, có khả năng nhận được mức thưởng lớn, tương đương với 3 tháng lương. Khoản tiền này đủ để Thư trang trải sinh hoạt phí trong trường hợp chưa tìm được việc làm ưng ý ở lĩnh vực mới.

Vì vậy, nhân sự marketing này chưa thông báo kế hoạch nghỉ việc với đồng nghiệp và sếp, tránh để dự định cá nhân ảnh hưởng đến lương, thưởng cuối năm. Trong thời gian này, Minh Thư cũng tranh thủ trang bị thêm kiến thức kinh doanh, chuẩn bị cho quá trình ứng tuyển vào vị trí mới sau Tết Âm lịch.

“Nhanh hay chậm 1-2 tháng không phải vấn đề. Đây cũng không phải mùa tuyển dụng lý tưởng”, Thư nói.

Không chỉ thưởng Tết

Đối với Minh Thư, thưởng Tết là lý do chính, song không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự trì hoãn “nhảy” việc. Theo khảo sát của nhân viên văn phòng này trên một số nền tảng tuyển dụng, các vị trí kinh doanh còn trống dịp cuối năm đều không phù hợp với cô.

Ngoài ra, Thư cũng hiểu rằng bản thân là người mới trong lĩnh vực này, hoàn toàn có khả năng bị ép lương khi đi xin việc dịp cuối năm.

“Một số nhà tuyển dụng lợi dụng tâm lý muốn ổn định trước Tết của ứng viên để hạ thu nhập. Tôi không muốn trở thành ‘nạn nhân’ của chiêu trò này”, nhân viên văn phòng 24 tuổi chia sẻ.

nhan su TPHCM,  nhan su Ha Noi,  nghi viec Tet,  nhay viec Tet anh 3

Bên cạnh thưởng Tết, nhân sự còn lo ngại thiếu việc làm phù hợp, bị ép lương khi dự định "nhảy" việc trong giai đoạn cuối năm. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Trong khi đó, Hoàng Huy cũng trì hoãn quyết định nghỉ việc vì hiểu rằng cuối năm là mùa thấp điểm tuyển dụng. Đây là giai đoạn các đơn vị trong lĩnh vực bất động sản của anh tập trung bán hàng.

Nhằm phục vụ quan niệm “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” từ phía khách hàng, lĩnh vực của Huy đẩy mạnh hoạt động bán trong giai đoạn cuối năm, đề cao nguyên tắc “ai ở đâu, ở nguyên đó”.

Vì vậy, thị trường việc làm theo quan sát của Huy tương đối ảm đạm. Các doanh nghiệp mà anh nhắm đến đều không đăng tin chiêu mộ nhân sự.

“Tôi là người đề cao sự an toàn, muốn chắc chân ở bến đỗ mới trước khi xin nghỉ việc. Hơn nữa, mùa lễ Tết kéo theo nhiều khoản phải chi trả, tôi không muốn rơi vào tình huống rủi ro về mặt tài chính”, Huy cho biết.

Theo báo cáo Lương và thị trường lao động năm 2023 của Navigos Group, 49,1% nhân sự cho biết nhận được thưởng dịp lễ Tết từ phía doanh nghiệp. Đây cũng là phúc lợi nhận được bình chọn cao nhất từ phía người lao động.

Khảo sát năm 2022 của công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Group với 6.800 người cũng chỉ ra lương tháng thứ 13 hay thưởng Tết là phúc lợi được người lao động quan tâm nhiều nhất. Có đến 53% ứng viên luôn tìm kiếm thông tin về thưởng Tết khi tìm việc.

Lên mạng chê nhân viên, sếp bị chỉ trích ngược

Sau khi đăng bài chê trách nhân viên đòi đi làm muộn, một luật sư Ấn Độ bị cộng đồng mạng chỉ trích thiếu chuyên nghiệp, bóc lột sức lao động.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm