Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Khoảng cách gia đình dưới góc nhìn người trẻ

Với người trẻ, nguyên nhân lớn nhất khiến các thành viên trong gia đình “mất kết nối” là sự xa cách giữa những trái tim.

PNJ,  gan tim anh 1PNJ,  gan tim anh 2

PNJ,  gan tim anh 3PNJ,  gan tim anh 4

Với người trẻ, nguyên nhân lớn nhất khiến các thành viên trong gia đình “mất kết nối” là sự xa cách giữa những trái tim.

_____

Việc chúng ta không thể nói lời yêu thương, đến gần trái tim cha mẹ có thực sự chỉ vì khoảng cách thế hệ? Dưới góc nhìn của Thùy Dương, Thảo Vy và Trung Hiếu, có nhiều hơn một lý do khiến khoảng cách gia đình luôn hiện hữu và khó xóa nhòa.

Khoảng cách giữa con cái và cha mẹ có thể đến theo nhiều cách. Với tôi - đứa con “mót” của cha mẹ ở tuổi ngoại tứ tuần, những khác biệt trong lối sống và thói quen giữa các thế hệ là nguyên nhân kéo mỗi người xa nhau.

Cha mẹ tôi lớn lên trong thời kỳ cuối chiến tranh. Đối với ông bà, việc ăn no mặc ấm là tiên quyết, ổn định là đích đến. Thế nên, họ làm việc cật lực để có căn nhà của riêng mình, xây dựng tổ ấm từ sớm và tiết kiệm từng chút để lo cho tương lai. Khác cha mẹ, thế hệ trẻ như tôi được nuôi nấng, dạy dỗ trong điều kiện đầy đủ vật chất. Sự ra đời của công nghệ cũng giúp tôi được mở mang tầm mắt từ tấm bé. Thế nên, lề lối gia đình của 4-5 thập kỷ trước, con cái nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ gần như không còn đúng với suy nghĩ của lớp người trẻ, trong đó có tôi.

Nhiều lúc cha mẹ vẫn nhắc nhở lương nhà nước ổn định hơn “mấy trò bay nhảy nay đây mai đó của đám trẻ”, tôi vẫn muốn thỏa chí với công việc và đam mê, dù chẳng có thước đo nào trong đó gắn với chữ “ổn định”.

Từng trải qua cuộc sống thiếu thốn mọi mặt trong quá khứ, cha mẹ luôn mong muốn con cái sống tiết kiệm, trong khi sự ổn định của thời đại mới và cuộc sống ấm no khiến chúng tôi không quá đặt nặng vấn đề “phòng thân”. Những khoản để dành tôi ưu tiên phục vụ nhu cầu ngắn hạn như mua sắm, du lịch… để nâng cao chất lượng cuộc sống. Hay quan điểm khác của cha mẹ là đến tuổi phải dựng vợ gả chồng, còn chúng tôi, cưới xin là chuyện “gấp cũng chẳng được”.

PNJ,  gan tim anh 5PNJ,  gan tim anh 6

Như nhiều gia đình, trước những quan điểm có phần trái ngược, chúng tôi ít khi thỏa hiệp. Có thời điểm, tôi nhận ra những lời cha mẹ từng dặn dò có phần đúng nhưng hiếm khi đối mặt nhìn nhận, bởi tâm lý bảo vệ cái tôi “ngất trời”. Ngược lại cha mẹ cũng ít nhận sai khi dùng quan điểm cũ áp lên những đứa trẻ “thế hệ mới” như chúng tôi. Có lẽ, những kỳ vọng quá khác biệt cùng sự thiếu thấu hiểu và chia sẻ khiến cha mẹ và con cái không có tiếng nói chung, dẫn đến khoảng cách gia đình ngày càng lớn.

Năm ngoái, tôi quyết định xa gia đình để đi học ở một thành phố khác. Gần một năm bắt đầu cuộc sống mới, kề cận những người bạn mới, tôi chợt nhận ra thời gian dành cho việc nhung nhớ căn nhà nhỏ, trò chuyện nghiêm túc với ba mẹ sao ít ỏi đến thế.

Nhìn lại thì ngay từ tấm bé, tôi đã lờ mờ nhận thấy cách ba mẹ bộc lộ tình cảm với con cái khác hẳn với mô-típ trong những bộ phim truyền hình thời đó. Phần lớn thời gian trong ngày, ba mẹ vùi đầu vào xưởng may để kiếm tiền lo cho 3 đứa con ăn học. Tôi nhớ họ rất ít khi bày tỏ tình cảm với con cái, lời quan tâm - nếu có, cũng chỉ loanh quanh “ăn gì, đi đâu, học sao?”. Lời yêu thương vốn đã ít ỏi, chuyện ôm hôn con cái càng “hiếm có khó tìm”.

Tôi từng đọc trong một bài viết, đại ý các chuẩn mực ứng xử văn hóa trong gia đình chính là tập giá trị đầu tiên mà mỗi người thu nạp. Có lẽ ít nhiều ảnh hưởng từ ba mẹ, tính cách lại khá hướng nội, tôi cũng không giỏi thể hiện tình cảm với người khác một cách trực diện, dù họ là người thân yêu nhất.

Thời điểm đi học xa nhà, nhiều lúc ôm một bụng ấm ức trên lớp hay “đụng độ” chủ trọ, tôi chọn cách không kể với ba mẹ mà tự mình vượt qua. Những cuộc gọi về nhà cũng chỉ gói gọn trong vài ba câu hỏi thăm sức khỏe. Lắm khi tôi cũng ưu tư, bởi dù không gọi, ba mẹ cũng ít khi chủ động hỏi han. Đổi lại, những chuyến xe với đầy đủ trái cây, rau dưa ở quê vẫn đều đặn ghé ngang nơi tôi trọ hàng tuần.

PNJ,  gan tim anh 7PNJ,  gan tim anh 8

Đôi lúc tôi nghĩ, tình thân giống như đường cao tốc trải sẵn, là nền tảng để mỗi người dễ dàng chạy thẳng đến đích. Thế nhưng, trên con đường ấy, ai trong chúng ta cũng cần những trạm dừng nghỉ - chính là giao điểm yêu thương với người thân, thể hiện qua cách giao tiếp, sự quan tâm và thấu hiểu. Chính cử chỉ gần gũi ấy sẽ giúp chúng ta sạc đầy năng lượng để đủ sức bước tiếp hành trình cuộc đời. Nhưng nếu thiếu đi những yếu tố quan trọng này, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng tăng lên, dẫn đến cảm giác xa cách và mất kết nối.

Tiếc là trong gia đình tôi, những trạm dừng ấy ít ỏi vô cùng…

Cả đời tôi chưa thương ai và bất đồng với ai nhiều như ba.

Ba cộc tính, dễ mất bình tĩnh, hay lớn giọng và có thói quen áp đặt quan điểm lên con cái. Tôi nghĩ một phần đến từ tính cách cá nhân, phần khác, chính bởi ba được sinh ra và nuôi nấng trong một gia đình như thế.

Tôi nhớ có lần cấp 2, tôi cự cãi với ba về việc có hay không chuyện quay cóp bài kiểm tra giữa kỳ, sau cuộc gọi phàn nàn của cô chủ nhiệm. Chưa đợi tôi lên tiếng, ba đã kết tội đi kèm mắng mỏ và đòn roi. Lúc ấy, lời thanh minh đến miệng nhưng tôi phải nuốt ngược vào trong. Một ngày sau, cuộc gọi thứ hai của cô giáo đã giúp tôi minh oan, nhưng không giúp tôi nhận được lời xin lỗi từ ba.

Nếu hỏi rằng ba có yêu thương con cái không, tôi dám chắc là rất nhiều. Dẫu thế, khi ba mất bình tĩnh, ngôn từ lại khiến người nghe đau lòng. Sau vô số cuộc tranh cãi (thường đi vào ngõ cụt), những lời nói của ba hóa thành từng viên đá rồi chất thành bức tường ngăn cách, đẩy tôi và ba xa nhau hơn.

PNJ,  gan tim anh 9PNJ,  gan tim anh 10

Lý do mọi người dùng để biện giải cho những bất đồng trong gia đình là “tình yêu quá lớn”. Vịn vào đó, ai cũng có thể bình thường hóa tranh cãi trong gia đình, nhưng quên mất nó có thể để lại khoảng cách vô hình. Những tranh cãi trong quá khứ đã trở thành rào cản khiến tôi ngại giao tiếp với ba hàng ngày, chưa nói đến việc thể hiện tình cảm.

Đôi lúc, tôi không biết phải làm gì để xích lại gần ba sau những việc đã trải qua. Khi được hỏi ý nghĩa của cuộc sống nằm ở đâu, tôi nghĩ hầu hết mọi người đều xếp gia đình lên hàng đầu. Nhưng với tôi, cảm giác vừa yêu thương, vừa xa cách người thân, sao khiến bản thân khó mở lời đến thế.

Tú Chi

Đồ họa: Hina

Bạn có thể quan tâm