Vài tuần trước, Đinh Hoàng Bảo Trâm (18 tuổi, ngụ quận Bình Tân) không hề nghĩ rằng mình sẽ trở thành tình nguyện viên, đồng hành cùng các sản phụ F0 tại khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TP.HCM).
Từ một người chưa có kinh nghiệm chăm sóc bà bầu và bé sơ sinh, Bảo Trâm nay có thể hỗ trợ đưa bệnh nhân đi siêu âm, xét nghiệm, cấp cứu; thành thạo thay đồ vải, dọn giường bệnh cho sản phụ.
Dù công việc căng thẳng, tiếp xúc trực tiếp với các F0 nặng tại khu K1 và chỉ vừa khỏi Covid-19, Bảo Trâm vẫn quyết tâm đăng ký làm tình nguyện viên với mong muốn giúp đỡ lực lượng tuyến đầu.
"Mình vẫn còn đi học, chưa có kinh nghiệm về nhiều mặt nên cũng gặp nhiều khó khăn. Song, trải nghiệm này đem lại nhiều bài học quý báu và khó quên", Trâm chia sẻ với Zing.
Bỡ ngỡ khi lần đầu chăm sóc sản phụ
Sau khi hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia, Bảo Trâm liền đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ khoa Sản bệnh tại Bệnh viện Hùng Vương do có nhiều thời gian rảnh và biết tuyến đầu đang thiếu hụt nhân lực.
Bảo Trâm quyết tâm đăng ký làm tình nguyện viên chăm sóc sản phụ ở Bệnh viện Hùng Vương dù gia đình khuyên can. |
Nghe con gái bày tỏ nguyện vọng, gia đình Bảo Trâm vừa bất ngờ, vừa lo lắng và ra sức can ngăn.
Song với mong muốn góp sức cho công cuộc chống dịch, cô kiên trì thuyết phục ba mẹ và nhận được cái gật đầu đồng ý.
"Mình đã tiêm một mũi vaccine, lại không có bệnh nền nên đáp ứng tiêu chí ứng tuyển. Ba mẹ lo lắng là chuyện dễ hiểu do mình chưa từng xa nhà lâu, dịch bệnh vẫn còn phức tạp", cô nói.
Từ ngày 25/8 đến ngày 31/8, Bảo Trâm chính thức công tác tại khoa, chuyển tới khu vực sinh hoạt chung cho tình nguyện viên ở gần bệnh viện.
Nhiệm vụ hàng ngày mà cô và đồng đội sẽ đảm nhận là chăm sóc các sản phụ âm tính, hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Tùy theo ca trực, Bảo Trâm sẽ chủ động chạy xe điện do bệnh viện cung cấp tới nơi làm việc.
Sau khi trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ, cô bắt đầu nhận việc, theo dõi bệnh nhân theo chỉ dẫn từ các bác sĩ, y tá, điều dưỡng ở khoa.
Lần đầu chăm sóc bà bầu, cô khó tránh khỏi cảm giác lúng túng, bối rối. Dưới sự hỗ trợ nhiệt tình từ các nhân viên y tế, đồng đội và thái độ cởi mở từ sản phụ, Trâm ngày càng tự tin trong công việc.
"Bệnh viện dã chiến thoải mái hơn tưởng tượng"
Khi mọi việc dần vào guồng, Bảo Trâm cùng một số tình nguyện viên ở khoa không may mắc Covid-19 trong quá trình chăm sóc người bệnh.
Vượt qua cảm giác hoang mang ban đầu, cô cố gắng trấn tĩnh, thu xếp đồ đạc tới Bệnh viện Dã chiến Số 8 (TP Thủ Đức) điều trị.
"Gia đình mình nghe chuyện thì lo lắng lắm, ba mẹ cũng có đôi lời trách mắng. Mình hiểu mọi người làm thế vì thương con nên càng cố gắng lạc quan, nâng cao sức khỏe để sớm được ra viện", cô nói.
Những ngày cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Số 8, Trâm được xếp vào một căn hộ 8 người với các F0 khác.
Vượt qua 4 ngày đầu với các triệu chứng ho, sốt nhẹ, mất vị giác và khứu giác, sức khỏe của cô nhanh chóng cải thiện. Trâm duy trì uống vitamin C mỗi sáng, vận động nhẹ, phơi nắng 1-2 giờ/ngày và giữ tinh thần tích cực.
Chia sẻ với Zing, cô kể rằng điều kiện sinh hoạt ở bệnh viện dã chiến thoải mái hơn nhiều so với tưởng tượng, giúp cô thêm bình tĩnh.
"Cứ 2 F0 sẽ ở chung trong một phòng nhỏ, không gian sạch sẽ, thoáng mát lắm. Các anh chị, cô chú phòng mình đều niềm nở, nhiệt tình. Mọi người để ý sức khỏe lẫn nhau, san sẻ những gói bánh, chai nước, có hôm còn ca hát, kể chuyện nữa", cô cười, nói.
Đồng hành cùng sản phụ F0
Ngày 9/9, Trâm nhận kết quả âm tính với Covid-19. Thay vì về nhà dưỡng sức, cô lại xin làm tình nguyện viên hỗ trợ các sản phụ F0 ở khu K1, Bệnh viện Hùng Vương.
Cô cho biết các bà bầu nằm ở nơi này phần lớn là F0 nặng, cần thở máy và hỗ trợ y tế. Nghe tin các F0 khỏi bệnh có thể giúp sức cho các y, bác sĩ, cô quyết định tiếp tục dấn thân.
Ngay khi khỏi bệnh, Bảo Trâm tiếp tục xin được hỗ trợ các sản phụ F0 ở khu K1, Bệnh viện Hùng Vương với mong muốn góp sức cho công tác chống dịch. |
"Dịch bệnh phức tạp, tuyến đầu và bệnh nhân rất cần sự giúp sức từ những người từng là F0 như mình. Thú thực, mình biết ba mẹ lo lắng lắm, nhưng vẫn muốn làm vì cộng đồng", cô kể.
Hiện tại, nhóm tình nguyện viên hỗ trợ sản phụ F0 mà Trâm tham gia gồm 22 bạn trẻ. Họ chia thành 2 ca làm việc kéo dài 9 giờ đồng hồ, thường xuyên kiểm tra tình trạng người bệnh.
"Công việc không quá khác biệt so với trước đây, chỉ thêm vài việc như kiểm tra bình oxy, lau người, chuyển bệnh nhân tới bệnh viện dã chiến và đỡ họ đi lại. Do có nhiều ca nặng, các chị ấy khó cử động, đi lại nên cần người dìu".
Trâm kể rằng cô mất nhiều thời gian làm quen với việc di chuyển, làm việc liên tục 9 giờ đồng hồ trong những bộ đồ bảo hộ cấp 4. Không chỉ gây cảm giác nóng bức, khó thở, bộ đồ kín mít còn khiến các thao tác trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, không khí làm việc tại khu K1 cũng căng thẳng, hối hả hơn nhiều so với ở khoa. Vì phần lớn bệnh nhân đều là F0 nặng, Trâm thường xuyên chứng kiến cảnh sản phụ vật lộn giành giật từng hơi thở, đôi lúc lại giật mình khi nghe tiếng gọi "Báo động đỏ".
Chia sẻ với Zing, cô gái sinh năm 2003 nhớ nhất một lần sản phụ trở dạ, nhưng lại đẻ rớt trên trên đường tới phòng sinh. Dù chỉ được phụ đẩy băng ca, khoảnh khắc ấy khiến cô không thể nào quên được.
"Lúc đó, mình lo lắng lắm, chỉ cố gắng đẩy băng ca nhanh chóng để đưa bệnh nhân tới phòng sinh ngay. Thật may là mẹ tròn con vuông", cô kể.
Nhìn lại vài tuần vừa qua, Trâm vẫn cảm thấy khó tin với những trải nghiệm mình có được khi làm tình nguyện viên giữa dịch.
"Mình thấy tự hào khi góp sức vào công tác chống dịch, hạnh phúc khi nhận được tình cảm từ đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và các sản phụ. Mình sẽ nỗ lực hơn nữa, và mong dịch bệnh sớm qua đi để mọi thứ được trở về trạng thái bình thường mới".