Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, là vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Các bé gái sống trong khu vực đô thị thường đối mặt với những nguy cơ không an toàn, vấn đề quấy rối, xâm hại tình dục trên đường phố, chợ, các ngõ tối, khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng và phương tiện công cộng như xe bus.
Kết quả khảo sát của Plan International Việt Nam năm 2014 cho thấy chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng bản thân luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng. Không ít trường hợp trẻ em gái bị quấy rối khi sử dụng phương tiện công cộng như xe bus.
Thực tế này có ảnh hưởng lớn đến cách thức phụ nữ - trẻ em gái tiếp cận và nhìn nhận không gian công cộng, làm giảm sự tự do đi lại cũng như khả năng tìm kiếm cơ hội học tập, làm việc của họ.
Rất ít trẻ em gái luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng. |
Bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia Tổ chức Plan International Việt Nam, chia sẻ: “Ở mọi xã hội, thậm chí cả ở các quốc gia phát triển, nguy cơ bạo lực và mất an toàn với phụ nữ - trẻ em gái có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điều này cần phải chấm dứt”.
Để góp phần giúp trẻ em gái cảm thấy an toàn hơn khi ở nơi công cộng, từ năm 2014 đến nay, Plan International Việt Nam đã khởi xướng chiến dịch “Thành phố an toàn cho em gái” - hoạt động nằm trong "Hành trình 247+" của tổ chức.
Theo đó, Plan International Việt Nam phối hợp với sở GTVT các tỉnh, Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị, các công ty xe bus... tiến hành tập huấn kiến thức, kỹ năng và tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người - đặc biệt là đội ngũ lái xe/phụ xe bus. Chương trình nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em gái và nữ thanh niên khi sử dụng phương tiện công cộng.
Chương trình đảm bảo an toàn cho trẻ em gái nơi công cộng do Plan International Việt Nam khởi xướng. |
Chiến dịch “Hành trình 247+” của Plan International mang thông điệp “Em gái bình đẳng”, với loạt dự án và chương trình trong nhiều mảng như giáo dục, thể thao, công nghệ, lao động và sức khỏe, kỳ vọng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và quyền trẻ em gái tại Việt Nam.
Bạn có thể tham gia cùng Plan International Việt Nam, các em trai, em gái... bằng việc chia sẻ thông điệp trên mạng xã hội. Bạn cũng có thể tạo thêm các nội dung, bài viết ủng hộ cho chủ đề này, kèm hashtag #Emgaibinhdang, #ThanhphoAntoan nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.
Bên cạnh “Thành phố an toàn cho em gái”, trong thời gian tới, Plan International Việt Nam và "Hành trình 247+" sẽ tiếp tục có các sáng kiến khác để giúp đỡ trẻ em gái trong mọi lĩnh vực đời sống.
Plan International là tổ chức toàn cầu hoạt động ở hơn 65 quốc gia, với mong muốn thúc đẩy quyền bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái. Tại Việt Nam, Plan International đặt mục tiêu giúp trẻ em, thanh thiếu niên, đặc biệt là nhóm chịu thiệt thòi và các em gái, được sinh ra và lớn lên trong một xã hội an toàn, tôn trọng quyền của các em. Đến năm 2021, Plan International Việt Nam kỳ vọng giúp 2 triệu trẻ em gái tại Việt Nam được học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển.
Bình luận