Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khơi gợi niềm vui sống trước cái chết

Chuẩn bị tốt về tâm lý trước tin xấu có thể giúp người bệnh vượt qua cú sốc, có thái độ sống tích cực hơn.

Đang khỏe mạnh, yêu đời bỗng nhận được tin mắc bệnh nan y không qua khỏi, người ta sẽ phản ứng thế nào? Những câu chuyện được kể từ một Phòng khám tâm lý cho thấy đa số đều có phản ứng tiêu cực như đau khổ, nhịn ăn, nghĩ đến cái chết, thậm chí tự tử…

Theo BS Nguyễn Minh Mẫn, phụ trách Phòng khám Tâm lý và Chăm sóc giảm nhẹ, (BV ĐH Y Dược TP.HCM) chuẩn bị tốt về tâm lý trước khi đón nhận một tin xấu đến với mình hay người thân của mình là điều vô cùng quan trọng. Nó giúp nhiều người từ trạng thái sống tiêu cực sang tích cực, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Câu chuyện thứ nhất: Bỗng ung thư gan

Nguyễn Thị Tuyết (tên đã được thay đổi, 17 tuổi) là một học sinh giỏi nhiều năm liền và đoạt được danh hiệu trong cuộc thi Olympic quốc gia. Đang khỏe mạnh, yêu đời thì thời gian gần đây em có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn. Người mẹ đưa em đi khám bệnh thì phát hiện em bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Người mẹ quá bất ngờ, không tin vào kết quả bác sĩ (BS) thông báo nên quyết định đưa em ra nước ngoài để khám với hy vọng chẩn đoán trong nước không chính xác. Nhưng kết quả ở nước ngoài cũng không khác. Từ đó em bỏ ăn, không hợp tác điều trị với BS và chỉ muốn nhịn ăn để chết sớm. Nhìn con gầy mòn chỉ còn da bọc xương, lòng mẹ cũng héo hắt theo.

ThS-BS Nguyễn Minh Mẫn, phụ trách Phòng khám Tâm lý và Chăm sóc giảm nhẹ, đang tư vấn cho bệnh nhân.

ThS-BS Nguyễn Minh Mẫn, phụ trách Phòng khám Tâm lý và Chăm sóc giảm nhẹ, đang tư vấn cho bệnh nhân.

Lời BS tâm lý: Trường hợp của em Tuyết, do bệnh nhân đã biết được căn bệnh mình đang gặp phải nên chúng tôi phải tiếp cận trực tiếp và trị liệu nhận thức hành vi cho em. Trong quá trình tham vấn, chúng tôi không nhắc lại bệnh tình và việc bỏ ăn của em. Biết em từng đoạt giải cao tại kỳ thi Olympic quốc gia nên chúng tôi nói nhiều về chuyện này để gợi lại niềm tự hào ở em. Khi em đã cởi mở hơn, chúng tôi phân tích về sự sống và cái chết là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Chúng tôi kể một số người trẻ như em khi biết mình sắp chết đã làm được rất nhiều việc có ích cho đời. Sau đó chúng tôi hỏi: “Nếu còn thời gian sống sáu tháng tới, con sẽ làm gì?”. Em say sưa liệt kê một số việc dự định sẽ làm. Chúng tôi cùng em hoạch định kế hoạch để làm những việc đó. Bây giờ em đã tự ăn uống, hăng hái làm những việc em dự định. Không may em đã ra đi sau một tháng điều trị. Khoảng thời gian còn lại cuối đời là khoảng thời gian đáng sống nhất của em và em lạc quan cho đến khi nhắm mắt.

Câu chuyện thứ hai: Ám ảnh cái chết người thân

Em Lê Thị Mai (tên đã thay đổi, 16 tuổi) mất người chị thân thiết nhất trong một vụ tai nạn giao thông. Hai tháng sau em thường xuyên mất ngủ và thấy đau trong lỗ tai. Khi đến BV khám, BS không tìm ra nguyên nhân thực thể khiến em bị đau tai. Các BS đã chuyển em sang điều trị tâm lý. Qua khai thác bệnh sử, xâu chuỗi các thông tin, BS cho rằng em đang bị đau tâm lý. Em đã bị sốc khi mất đi người thân, bị mất ngủ liên tục và dẫn đến đau tai.

Lời BS tâm lý: Chúng tôi gợi chuyện và qua đó biết được em bị ám ảnh bởi người chị đã mất. Khi em nhắm mắt, hình ảnh người chị lại hiện ra, mở mắt ra dường như thấy chị đứng bên mình. Vì sợ nên em không ngủ được. Những lần tham vấn sau, chúng tôi giải thích: “Nếu như chị là người yêu thương, chăm sóc con hết mình; hình bóng đó có luôn theo con thì chị cũng chăm lo, yêu thương con như lúc còn sống. Chị sẽ không làm hại con nên không có gì phải sợ. Thay vì sợ thì con cứ trò chuyện giống như khi chị chưa mất”. Sau buổi trị liệu tâm lý, chúng tôi chia sẻ với em: “Bây giờ BS sẽ cho con uống thuốc, điều này sẽ giúp con ngủ sâu hơn để con vượt qua được chuyện này. BS tin con sẽ tự vượt qua được vì con là người bản lĩnh”. Và sau đó em không còn lo sợ nữa và không cần uống thuốc. Em đã xuất viện. Bây giờ em ngủ ngon giấc và không còn đau trong tai nữa.

Cụ bà la khóc

Cụ bà Phan Thị Ly (đã được đổi tên, 75 tuổi) được người nhà đưa đến BV bằng xe lăn. Hai tay cụ ôm đầu và la khóc rất dữ. Cụ được đưa vào khoa thần kinh để khám. Người nhà cho biết cụ bị đau mấy tuần nay, mua thuốc uống nhưng chưa khỏi. BS khám sơ bộ và không tìm ra nguyên nhân. Nghi ngờ bệnh đau đầu có căn nguyên từ tâm lý nên BS kiểm tra. Ban đầu BS hỏi gì cụ cũng khóc, càng hỏi cụ càng khóc dữ hơn. Sau một hồi trò chuyện, cụ bộc bạch có đứa con trai đích tôn duy nhất bị nghiện ma túy. Cụ đã la mắng nên người con trai không về thăm cụ, kể cả ngày tết cũng không ghé thăm chúc tết. Từ đó cụ tức giận, uất ức và dẫn đến đau đầu.

Lời BS tâm lý: Mới nhìn tưởng cụ bà giả vờ đau nhưng không phải, cụ có những biểu hiện của đau tâm lý. Do bị uất ức không giải tỏa được nên dẫn đến đau đầu. Chúng tôi hướng cụ có suy nghĩ theo hướng khác và tích cực hơn rằng con cụ đã lớn và đã đủ trí khôn để chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Sẽ có một lúc con cụ suy nghĩ lại và trở về với cụ. Dần dần cụ vơi đi uất ức và cơn đau đầu qua đi.

http://plo.vn/suc-khoe/khoi-goi-niem-vui-song-truoc-cai-chet-505831.html

Theo Huyền Vi/ Pháp luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm