Sau gần 6 tháng tranh tài, vòng chung kết cuộc thi “Xuân quê hương - Yêu thương và sáng tạo khoa học” đã diễn ra với sự tranh tài của 6 đội thi đến từ các trường THPT.
Cuộc thi do ban chuyên môn - Tập đoàn Nguyễn Hoàng tổ chức, được triển khai tại các trường liên cấp trong hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng, bao gồm: Học viện Anh quốc (UKA) Bà Rịa - Vũng Tàu và hệ thống trường liên cấp hội nhập quốc tế iSchool - iSchool Nha Trang, iSchool Quy Nhơn, iSchool Ninh Thuận, iSchool Long Xuyên, iSchool Rạch Giá.
Bà Lê Ý Nhi - Giám đốc truyền thông và thương hiệu NHG trao giấy chứng nhận cho các thí sinh tham gia cuộc thi. |
Tham gia cuộc thi, các đội phải trình bày sản phẩm sáng tạo khoa học của mình, bao gồm: máy bay điều khiển từ xa kết hợp camera, máy bắt muỗi tự động, máy vẽ hình tự động, máy làm lạnh mini, robot cứu hỏa mini, máy tưới nước tự động, dung dịch chiết xuất từ hoa chiều tím và hoa dâm bụt, tinh dầu từ trái trúc.
Nguyễn Chí Phú, học sinh iSChool Nha Trang là chủ nhân của sáng chế robot cứu hỏa mini.
|
Bên cạnh đó, các đội thi còn trình bày phóng sự, hình ảnh, kết quả đã làm thông qua các hoạt động ý nghĩa như: thăm bà mẹ Việt Nam anh hung; thăm gia đình có công với cách mạng; tặng quà và giúp đỡ các hộ nghèo; tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử; tìm hiểu nét đẹp của các vùng đất Quy Nhơn, An Giang, Nha Trang…
Bà Đỗ Thị Bích Duyên - Trưởng phòng chuyên môn tiểu học và phổ thông chia sẻ: “Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn. Cuộc thi giúp phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của người học, giáo dục lòng biết ơn, tinh thần yêu thương giúp đỡ mọi người”.
Nguyễn Trung Toàn, học sinh iSchool Rạch Giá (Kiên Giang) thực hiện máy bay điều khiển từ xa kết hợp camera với giá thành chỉ hơn 1 triệu đồng.
|
Bà Bích Duyên cho biết thêm: “Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, học sinh tại iSchool và UKA được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và khám phá cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương, cũng như tìm hiểu cuộc sống của những người xung quanh mình bằng sự quan tâm, yêu thương và nhân ái. Những điều đó giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập, đồng thời là bước đầu chuẩn bị cho khởi nghiệp tương lai”.
Máy bắt muỗi tự động làm bằng vật liệu tái chế, thu được năng suất cao, hoạt động ổn định do học sinh iSchool Quy Nhơn thực thiện.
|
PGS. TS Nguyễn Thị Nga - Trưởng khoa công nghệ sinh học và môi trường, Đại học Quốc tế Hồng Bàng đánh giá cao thành quả của các thí sinh tham dự. Bà cho biết: “Nói về các sản phẩm tham dự, tôi dùng ba từ là ngạc nhiên, tự hào và tin tưởng. Ngạc nhiên vì các em còn nhỏ mà đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, độc đáo. Những sáng chế đó tưởng chừng chỉ có người lớn mới làm được, nhưng các em đã chứng minh được khả năng của bản thân mình".
PGS. TS Nguyễn Thị Nga cho biết thêm: "Tôi tự hào vì các em, những người dám thực hiện điều mình nghĩ. Tôi tin tưởng rằng, những người dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân sẽ dễ dàng chạm đến thành công”.