Ngày nay, khái niệm Start-up không còn lạ lẫm với nhiều bạn trẻ. Có thể hiểu là bạn sẽ có một công việc kinh doanh riêng, tự mình quản lý và mang lại thu nhập.
Tự khởi nghiệp hay đầu quân cho các công ty lớn - nỗi niềm riêng của nhiều sinh viên - được trao đổi trong buổi giao lưu: Làm ông chủ hay làm thuê - Lựa chọn nào cho giới trẻ Việt?
Chỉ 5% thành công
Ông Chu Tuấn Anh - hiệu trưởng trường đào tạo Lập trình viên Aptech - đưa ra con số: Chỉ 5% các bạn trẻ làm Star-up thành công. Đây là tỷ lệ không cao.
“Có thể ví mỗi bạn trẻ là một chiếc xe máy kèm theo một bình xăng đầy của sự nhiệt huyết, sáng tạo. Nhưng làm thế nào để chúng ta đi đến cuối con đường mà không bị hết xăng? Số 95% còn lại thất bại liệu có phải là sự lãng phí?”, ông Tuấn Anh nêu vấn đề.
Khách mời tham gia chương trình: Làm ông chủ hay làm thuê - Lựa chọn nào cho giới trẻ Việt? Ảnh: Quyên Quyên. |
Nguyễn Việt Hùng - chàng trai còn rất trẻ khi mới sinh năm 1995 nhưng là người sáng lập thành công Tổ hợp giáo dục ColorME (top 5 cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawaii 2015). Nói đơn giản, Hùng đã sáng lập ra khóa học thiết kế (photoshop, nhiếp ảnh) chỉ kéo dài một tháng, mỗi tuần hai buổi với học phí 500.000 đồng/khóa.
Hùng cho biết, ý tưởng được thành lập vì ngày nay những khóa học thiết kế thường kéo dài, chi phí cao. Tuy nhiên, theo xu hướng, có nhiều bạn trẻ thích sáng tạo thiết kế nên những sản phẩm ấn tượng. Điều này sẽ gặp cản trở nếu tự học. Do vậy, Hùng quyết định mở khóa học trong thời gian rất ngắn.
Khi thành lập, khóa học của Hùng chỉ có 45 học viên nhưng hiện tại có 400 người. Bí quyết thành công của chàng trai sinh năm 1995 là tận dụng công nghệ trong mọi quá trình từ tuyển sinh, làm thủ tục đến giáo trình. Điều này tiết kiệm được thời gian, nhân lực, không mất quá nhiều vốn, chỉ cần ý tưởng và sự chăm chỉ.
Chia sẻ về phong trào khởi nghiệp Star-up, ông Pravir Arora - Phó Chủ tịch Tập đoàn Aptech toàn cầu - bày tỏ: Các bạn trẻ phải có ý tưởng khả thi, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, kỳ vọng của khách hàng. Với sự ứng dụng của công nghệ, niềm tin vào bản thân và chuyên môn tốt, các bạn trẻ hoàn toàn có thể “làm chủ” thành công.
Thái độ làm việc là yếu tố quan trọng nhất
Theo quan điểm của ông Pravir Arora, điều quan trọng nhất để thành công không phải là kiến thức, sự đam mê mà là thái độ làm việc đúng đắn. Đương nhiên, thái độ này không bao hàm “căn bệnh ngôi sao” - được đánh giá là lây nhiễm toàn cầu.
Ông Pravir Arora cũng nhấn mạnh: “Tiếng Anh không phải là rào cản của sự thành công. Nhưng nếu muốn vươn xa hơn trong tầm khu vực và thế giới, sinh viên bắt buộc phải trang bị nền tảng đó thật tốt”.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Tuấn Anh nhấn mạnh: “Nước ta đã ký hiệp định TPP, vì vậy cơ hội làm việc của các bạn trẻ thực sự là thế giới phẳng, kết nối với toàn cầu. Với nghề lập trình, nhu cầu nội địa chỉ là một phần, nếu muốn vươn cao và xa, kỹ năng ngoại ngữ là điều cần có”.
Ông Tuấn Anh cũng kể lại câu chuyện ấn tượng của nữ sinh tên Hương khi còn học năm thứ nhất. Theo học nghề lập trình, khó khăn đầu tiên Hương gặp phải đó là khả năng sử dụng chuột máy tính, Hương xoay sở không biết làm thế nào để tắt được cửa sổ màn hình.
Xuất phát điểm với nền tảng thấp nhưng Hương rất chăm chỉ. Sau mỗi buổi học, em thường ở lại, mở toàn bộ chương trình thầy dạy để trình bày, ôn tập. Kết quả là chỉ sau một học kỳ, em thuộc top sinh viên có điểm cao nhất.
Từ đó, ông Tuấn Anh khẳng định: Nghề lập trình không cần trí thông minh quá cao, quan trọng là sự chăm chỉ, cần cù.