Ngày 29/5, thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết các bác sĩ khoa Ngoại của bệnh viện vừa phẫu thuật cứu sống một bé trai 10 tháng tuổi bị khối u trung thất khổng lồ, kích thước 10,2 cm hiếm gặp.
Bệnh nhân là cháu Nguyễn Hà Sơn, 10 tháng tuổi trú tại Ứng Hòa, Hà Nội.
Bác sĩ Nguyễn Văn Linh, chuyên khoa Ngoại Lồng ngực, Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi, người trực tiếp mổ cho bệnh nhi cho biết trung thất là vùng lồng ngực nằm giữa hai lá phổi, chứa nhiều cơ quan quyết định sự sống còn của cơ thể như tim, các mạch máu lớn, khí phế quản, thực quản...
“Trường hợp của cháu Sơn là ca bệnh hiếm gặp, vì kích thước khối u trung thất quá lớn, khối u chèn ép toàn bộ phổi phải và bắt đầu xâm lấn sang phổi trái gây suy hô hấp nặng, dẫn tới phải thở máy”, bác sĩ Linh nhận định.
Ca mổ cho bệnh nhân Sơn. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Qua bệnh sử, các bác sĩ ghi nhận trước khi có chẩn đoán khối u, bệnh nhi bị ho kéo dài, khó thở trong gần một tháng. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp nặng, tiên lượng xấu.
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành chụp cắt lớp lồng ngực và sinh thiết khối u bằng kim. Kết quả cho thấy đó là khối u mỡ nhưng nằm ở vị trí nguy hiểm, chiếm toàn bộ lồng ngực bên phải. Chính vì vậy, trước khi mổ, các bác sĩ hội chẩn vẫn tiên lượng rất dè dặt và đặt giả thuyết về các loại u ác tính.
“Trong quá trình hội chẩn, chúng tôi nhận thấy lá phổi bị khối u chèn ép còn nhìn thấy không đáng kể trên phim CT, khối u tương đối tròn và nằm gọn trong vỏ bọc, chưa xâm lấn vào mạch máu lớn nên khả năng cao sẽ cứu được cháu Sơn”, bác sĩ Linh nói.
Quá trình phẫu thuật cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi khối u to chiếm hết một bên lồng ngực, trong khi đó, bệnh nhi còn quá nhỏ, không thao tác thuận lợi được, một sai sót nhỏ làm tổn thương mạch máu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
“Nguy hiểm hơn, trong khi mổ, chỉ cần ống nội khí quản bị xê dịch, hoặc ống nội khí quản sập xuống, chèn ép đường thở có thể dẫn tới bệnh nhân tử vong. Chúng tôi đã tính toán kỹ càng, chi tiết sao cho ca mổ thành công nhất có thể. Tuy nhiên, ê-kíp mổ vẫn rất căng thẳng trước ca này.
Đến khi tách được phần cuối cùng của khối u, điều chúng tôi lo lắng nhất là phổi của cháu bé bị chèn ép lâu ngày sẽ bị thiểu sản, không phát triển được. Nhưng lúc chúng tôi bóp bóng, điều tuyệt vời đã xảy ra. Lá phổi bị chèn ép như tờ giấy của cháu Sơn đã nở ra gần hết”, bác sĩ Linh kể lại.
Hiện tại, sức khỏe của cháu Sơn đã ổn định, xuất viện. Bác sĩ chuyên khoa ngoại lồng ngực khuyến cáo các khối u lồng ngực thường phát triển âm thầm, ít triệu chứng, chỉ phát hiện ở các giai đoạn khối u đã rất to. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên cho con đi khám sức khỏe định kỳ và nếu thấy trẻ ho nhiều thì có thể chụp phim phổi để có thể phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.