Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khối u to như quả bưởi vì bỏ dở điều trị

Nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khối u phát triển ngày càng to, kích thước rất lớn, có đường kính gần 40 cm, vỡ loét, chảy máu.

Các bác sĩ Bệnh viện K (Hà Nội) vừa phẫu thuật tạo hình thành công cho người phụ nữ có khối u vú to hơn trái bưởi.

Bệnh nhân là bà T.T.L., 55 tuổi, trú tại tỉnh Nam Định. Năm 2016, bà từng được phát hiện và phẫu thuật cắt bỏ u phyllode vú phải tại Bệnh viện K. Sau mổ, bác sĩ chỉ định xạ trị nhưng bà L. đã xin ra viện. Bà nghĩ khi cắt bỏ khối u, bệnh đã khỏi nên không còn lo lắng và bỏ luôn điều trị.

"Đầu năm 2020, trong một lần đi lại ở nhà, tôi không may bị một vật nặng va đập vào vùng ngực đó. Sau đó, vùng ngực tấy đỏ, sưng lên nhưng không đau. Tôi cứ nghĩ do ăn đồ nếp và đồ ngọt nhiều nên nó sưng, đồng thời trong thời gian có dịch bệnh, tôi đã không đi khám”, bà L. chia sẻ.

Thấy khối u ngày càng to lên, biến dạng và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, gia đình đưa bà L. đi khám tại Bệnh viện K.

Khoi u tai phat vi bo do dieu tri tri anh 1

Bác sĩ khám lại sau mổ cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Tại đây, kết quả xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính cho thấy khối u tái phát. Khối u phát triển ngày càng to lên, kích thước rất lớn, có đường kính gần 40 cm, vỡ loét, chảy máu, nếu không xử lý sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.

"Điều đáng tiếc của người bệnh L. là không thực hiện theo hết các chỉ định, phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Nếu lúc đó, bà L. xạ trị thì kết quả có lẽ sẽ khả quan hơn rất nhiều", TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú nhận định.

Các bác sĩ Bệnh viện K cũng nhận định có 2 vấn đề khó khăn chính mà ê-kíp phẫu thuật phải giải quyết. Một là có hệ thống các mạch máu phát triển để nuôi khối u, nên khi cắt bỏ, nguy cơ mất máu rất lớn. Hai là khối u lớn sẽ phát triển xâm lấn vào cấu trúc, tế bào xung quanh.

Các bác sĩ khoa Ngoại vú đã tiến hành hội chẩn kỹ càng với bác sĩ chuyên khoa Xạ để đưa ra phác đồ tốt nhất cho bệnh nhân. Tháng 5, bà L. được tia xạ tiền phẫu và ngày 24/6, các bác sĩ khoa Ngoại vú đã tiến hành phẫu thuật.

Bác sĩ Quang cũng cho biết bệnh nhân L. bị tổn thương tái phát, vỡ loét lớn, khi cắt toàn bộ khối u đã để lại khuyết hổng rất lớn, chiếm 1/3 diện tích ngực. Các bác sĩ phải dùng vạt da tại chỗ, xoay và lấp vùng thiếu khuyết cho người bệnh vừa đảm bảo lấy toàn bộ khối u, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ 2 bên ngực cho bệnh nhân.

Ê-kíp phẫu thuật là các bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm, thực hiện rất bài bản, tỉ mỉ, may mắn là ca phẫu thuật thành công. Hiện bà L. đã ăn uống được, giao tiếp tốt.

Sau phẫu thuật, các bác sĩ đánh giá lại toàn trạng bệnh nhân và chăm sóc tích cực để giúp người bệnh phục hồi nhanh nhất. Đồng thời bác sĩ theo dõi vấn đề tái phát và đưa ra phác đồ điều trị tiếp theo cho bệnh nhân.

Hối hận vì để u lành tính biến chuyển thành ung thư sau 20 năm

Xuất hiện u ở vú cách đây 20 năm, nữ bệnh nhân không chịu đến viện, đến nay, chúng đã tiến triển thành khối ung thư.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm