Zing trích dịch bài viết trên Reuters, về câu chuyện giới nhà giàu Hàn Quốc vung tiền mua sắm xe sang vào mùa dịch. Nhiều gia đình giàu có còn có thêm tài sản khi dịch bệnh xuất hiện tại xứ củ sâm.
Sau 7 tháng chờ đợi, cuối cùng Hwang Min-yong, một doanh nhân Hàn Quốc 37 tuổi, cũng nhận được về chiếc xe đắt đỏ dòng Porsche Cayenne màu đen, với ghế da bọc màu đỏ sang trọng. Vừa nhận được chiếc xế hộp mới cứng, người đàn ông liền chạy thử vòng quanh những con đường quanh bờ sông ở Seoul.
"Porsche từ lâu đã là mơ ước của tôi. Tôi không thực sự thấy tác động của dịch Covid-19 lên cuộc sống của mình, vì công ty của tôi không bị ảnh hưởng mấy”, người đàn ông sở hữu một công ty công nghệ nhỏ, cho hay.
Không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, những người có gia tài kếch xù ở Hàn vung tiền ra mua sắm xe hơi đắt tiền. Ảnh: Reuters. |
Ban đầu, việc xử lý nhanh chóng cuộc khủng hoảng dịch bệnh giúp giới nhà giàu Hàn Quốc thu về một khoản lợi nhuận không hề nhỏ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu tậu xe sang, đắt tiền tăng lên trong giai đoạn này tại xứ kim chi.
Mặt khác, với tầng lớp lắm tiền nhiều của, những đối tượng gần như không bị đại dịch làm cho cuộc sống khó khăn hơn, những chiếc siêu xe chạy bon bon trên đường phố là cách thức quen thuộc để thể hiện độ chịu chơi, đẳng cấp.
"Năm nay sẽ là một trong những năm phát triển mạnh nhất của chúng tôi", Holger Gerrmann, người đứng đầu hãng xe Porsche tại Hàn Quốc, lạc quan nói. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số của hãng tại xứ củ sâm đã tăng 46%, với gần 3.500 chiếc xe được bán ra trong vòng 5 tháng đầu năm.
So với năm ngoái, chỉ có tổng 4.204 xe Porsche được bán ra trong cả năm tại thị trường Hàn Quốc. Con số này vào năm 2018 là 4.285 chiếc.
Doanh số bán siêu xe tăng giữa lúc dịch bệnh càng khắc họa rõ chênh lệch mức sống của tầng lớp giàu nghèo tại Hàn. Ảnh: NY Times. |
Với không ít người, doanh số bán ô tô nhập khẩu tăng mạnh giữa lúc cả nước lo ngại về dịch bệnh, phản ánh chênh lệch giàu nghèo quá lớn giữa những người dân lao động bình thường với tầng lớp thượng lưu.
Bất chấp sự bùng phát của Covid-19, thu nhập trung bình hàng tháng của 20% những gia đình giàu nhất Hàn Quốc đã tăng 6% trong tháng 1-3, trong khi 20% số hộ nghèo nhất nước có thu nhập không đổi.
"Doanh số bán siêu xe đi lên là minh chứng cho sức tiêu thụ đang gia tăng của giới nhà giàu bất chấp đại dịch", Giáo sư Yang Jun-ho, chuyên gia kinh tế tại Đại học Quốc gia Incheon, đánh giá.
Theo giáo sư Yang, những người giàu vẫn được hưởng lợi từ nhiều nguồn như cổ phiếu, tài sản sẵn có, trong khi những người lao động chân tay bị sa thải và nhiều trường hợp chỉ biết trông chờ vào tiền trợ cấp.
Theo dữ liệu của chính phủ Hàn, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng một thập kỷ vào tháng 5 vừa qua.
Về phía các đại lý bán siêu xe, họ cho rằng những người giàu có chi tiền mua sắm xe sang bởi đó là một khoản đầu tư vừa phải, đỡ tốn kém hơn là mua bất động sản.
Khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu chi tiêu cho các xa xỉ phẩm sẽ tăng mạnh trở lại. Ảnh: AFP. |
“Những năm đầu thập niên 2000, giá một chiếc BMW 320 tương đương với một căn hộ ở khu Gangnam. Hiện tại, giá nhà đất đã leo cao hơn rất nhiều và tậu xe hơi được xem là một lựa chọn thực tế hơn”, Ro Chang-whan, người có kinh nghiệm lâu năm trong việc kinh doanh xe nhập khẩu, cho biết.
Doanh số bán ôtô nhập khẩu của Hàn đã ở mức hơn 100 triệu won, với hơn 15.600 chiếc xe được bán ra trong 5 tháng đầu năm, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh số bán ra của những chiếc nội địa, sản xuất tại Hàn Quốc chỉ tăng thêm 10% trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 4.
"Xe Porsche và BMW đắt khách đến mức không có đủ để bán", Kim Ryu-bin, làm việc tại một đại lý xe nhập khẩu ở Seoul, cho biết. Số lượng xe Lamborghini được tiêu thụ kể từ đầu năm cũng lên đến 115 chiếc.
Theo BMW Hàn Quốc, xứ kim chi đã vượt mặt Mỹ trong danh sách những nước bán BMW nhiều nhất trong nửa đầu năm nay.
“Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu mua sắm sẽ tăng trở lại. Nhu cầu chi cho các xa xỉ phẩm của giới nhà giàu cũng tương tự vậy”, Kim Hyo-hyun, người làm việc tại đại lý xe BMW tại quận Gangnam xa hoa ở thủ đô Seoul, nói.
Tuy nhu cầu tăng mạnh, những hạn chế về nguồn cung do hoạt động sản xuất ngành ô tô bị đóng băng tại Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ làm khan hiếm hàng, dẫn đến tụt giảm doanh số. Theo lời ông Kim, đại lý của ông dự kiến khi không còn xe nhập về, doanh thu của cửa hàng sẽ giảm 20% vào tháng tới.