Mới đây chị Hoàng Thị Kim D. (ngụ Hoàng Mai, Hà Nội) đã sinh ra 2 cháu bé song sinh bằng phương pháp lấy mẫu tinh trùng của người chồng đã chết cách đây 4 năm trong một vụ tai nạn giao thông.
Luật sự Nguyễn Ánh Thơm (thuộc văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có điều khoản nào cấm người vợ sinh con từ phương pháp lấy tinh trùng của người chồng quá cố.
Điều đó, công dân có thể được thực hiện các hành vi mà pháp luật không cấm. Vấn đề này cũng không trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức của người Việt Nam.
Các bác sĩ đã rạch tinh hoàn, lấy 14 mẫu tinh trùng của người chồng khi vừa chết và có sự đồng ý của gia đình và người vợ với mục đích nhân đạo là điều pháp luật không cấm và không trái với y đức.
Quy trình từ khi bác sĩ lấy mẫu vật phẩm đến khi chi D. sinh 2 cháu đều được bệnh viện xác nhận bằng các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các em bé sinh ra có nguồn gốc từ người cha quá cố. Các giấy tờ chứng minh về người cha sẽ làm căn cứ xác định khai sinh của các cháu sau này.
Đây là vấn đề đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, do đó sẽ phải qua nhiều thủ tục để có thể đảm bảo phần ghi trên Giấy khai sinh có đủ cả tên bố và mẹ.
Về nguyên tắc, sau 4 năm kể từ khi chồng chết thì đương nhiên quan hệ hôn nhân với người chồng đã chấm dứt về mặt pháp lý. Do đó để khai sinh cho 2 cháu bé là con chung của vợ chồng chị D. có thể phải được sự công nhận của Tòa án.
Nếu người mẹ đi đăng ký khai sinh cho con mà không ghi tên người cha thì UBND phường, xã sẽ tiến hành khai sinh theo thủ tục thông thường như con ngoài giá thú.
Luật Hôn nhân và gia đình quy định
Điều 65: Quyền nhận cha, mẹ
1. Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
Điều 66. Người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự
1. Mẹ, cha hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.
2. Viện Kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.
3. Cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự:
a) Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;
b) Hội liên hiệp phụ nữ.
4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện Kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.