TS Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest, cho biết tại Việt Nam, lễ phục tốt nghiệp đại học du nhập từ các quốc gia phương Tây từ lâu. Đa số trường đều sử dụng dạng lễ phục này.
Ngoài ra, một số quốc gia Đông Á khác cũng học theo các nghi lễ Tây phương này để trao bằng tốt nghiệp cho cử nhân.
“Thậm chí, Việt Nam còn ‘sáng tạo’ thêm, trao bằng cho cả bậc học khác. Trẻ 5 tuổi khi kết thúc giai đoạn mầm non cũng được mặc áo lễ phục dạng này. Do vậy, có thể nói, nghi thức này đã xâm nhập vào Việt Nam một cách tự nhiên”, TS Minh khẳng định.
Hình ảnh bộ lễ phục gây tranh cãi tại lễ trao bằng tốt nghiệp của ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: ĐH Kinh tế. |
Lễ phục tốt nghiệp du nhập từ phương Tây
TS Đàm Quang Minh nhận định việc tổ chức lễ tốt nghiệp như vậy không có gì quá mức. Đây được coi như một sự tiếp biến văn hóa thú vị khi áp dụng các lễ phục cho cả bậc học nhỏ hơn. Theo ông, việc chỉn chu hơn cho lễ tốt nghiệp là tín hiệu tốt, cho thấy nhà trường quan tâm đến ngày trọng đại của sinh viên.
“Rất nhiều trường còn luộm thuộm trong nghi lễ kiểu như vậy. Nhiều trường sử dụng lễ phục được may cẩu thả, xấu về cả thẩm mỹ lẫn chất liệu. Theo tôi, những hình ảnh đó còn phản cảm hơn”, ông Minh nhận xét.
Cùng quan điểm, TS Trần Vinh Dự (tốt nghiệp tiến sĩ Kinh tế từ ĐH Texas tại Austin, Mỹ) khẳng định việc ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức nghi thức, sử dụng lễ phục tốt nghiệp châu Âu hoàn toàn bình thường. Du nhập lễ phục không ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa Việt Nam.
Theo TS Dự, hiện nay, trang phục mặc hàng ngày hay trang phục trong những dịp đặc biệt đều sử dụng theo phong cách phương Tây.
“Tại sao hàng ngày vẫn dùng đồ phương Tây nhưng lễ tốt nghiệp lại yêu cầu sử dụng đồ phương Đông? Thậm chí hiện tại, nhiều người còn không hiểu rõ trang phục phương Đông như thế nào”, TS Dự đặt vấn đề.
Vị tiến sĩ cho biết thêm không chỉ trang phục, hệ thống giáo dục Việt Nam cũng được xây dựng trên cơ sở tham khảo giáo dục của các nước phương Tây hiện đại. Vì vậy, lễ tốt nghiệp sử dụng nghi thức, lễ phục của Tây phương không có gì đáng ngạc nhiên.
Theo TS Dự, điều có thể tranh luận trong việc sử dụng lễ phục của ĐH Kinh tế chỉ nên dừng ở mặt thẩm mỹ, thiết kế đẹp hay xấu. Việt Nam cũng đã có trường đại học sử dụng quyền trượng trong lễ tốt nghiệp.
“Tuy nhiên, không nhiều trường thiết kế riêng lễ phục, số trường sử dụng quyền trượng lại rất nhỏ, ít người nhìn thấy. Vì vậy, khi ĐH Kinh tế sử dụng, hình ảnh lan truyền nhiều trên mạng nên nhiều người thấy lạ. Bên cạnh đó, việc sử dụng mũ, áo nhung, vòng của thầy hiệu trưởng khiến nhiều người thấy có phần giống nghi thức tôn giáo, dẫn đến tranh cãi”, TS Dự nói.
Cũng theo TS Trần Vinh Dự, lễ trao bằng tốt nghiệp là ngày trọng đại đối với sinh viên. Họ có quyền được tham dự, mặc lễ phục đẹp sau 4-5 năm học. Nhà trường có trách nhiệm tổ chức nghi thức trang trọng bởi sinh viên xứng đáng được hưởng như vậy.
“Theo tôi, ĐH Kinh tế không cần điều chỉnh về thủ tục hay nghi thức của buổi lễ. Khi nào trường chi trả số tiền quá lớn để tổ chức buổi lễ, gây thiệt hại, trường mới đáng bị chỉ trích. Nhân đây, ĐH Quốc gia Hà Nội có thể xem xét, xây dựng quy chuẩn về lễ phục cho các trường thành viên, đó là cái tốt”, TS Dự nhấn mạnh.
Lễ phục tốt nghiệp đại học du nhập từ các quốc gia phương Tây từ lâu. Đa số trường đều sử dụng dạng lễ phục này. Ảnh: ĐH Bách khoa Hà Nội. |
Cái mới luôn gặp phản ứng
Theo TS Cù Văn Trung, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Giáo dục, trước một hiện tượng mới mẻ như sự kiện diễn ra tại ĐH Kinh tế, chúng ta lại có dịp chứng kiến sự nhạy cảm, phản xạ của xã hội hiện nay.
Hàng ngày, chúng ta vẫn kêu gọi các tổ chức, cá nhân phải thường xuyên đổi mới, năng động và hội nhập hơn nữa trước bối cảnh mới. Tuy nhiên, với những hiện tượng, sự việc chưa có tiền lệ, dư luận phản ứng rất khác nhau, thậm chí lúng túng trong việc xem xét và nhận thức vấn đề.
Chia sẻ cảm nhận, TS Đàm Quang Minh cho biết khi nhìn những hình ảnh lễ tốt nghiệp của ĐH Kinh tế, ông cảm thấy hơi lạ bởi đây có lẽ là những người tiên phong.
“Là ngôi trường tiên phong, có thể, hình ảnh đó chưa được quen mắt, dẫn đến nhiều người phản ứng”, TS Minh nhận định.
Từng tham dự lễ trao bằng tốt nghiệp tại một trường đại học truyền thống nước Anh, TS Minh nhận thấy phần nghi lễ rất rõ ràng. Hiệu trưởng và đoàn tháp tùng xếp hàng đến phòng khánh tiết, mặc lễ phục và nhận quyền trượng. Tiếp đến, đoàn diễu hành quanh trường, trên thảm đỏ trang trọng rồi mới đến lễ đường để tổ chức buổi lễ tốt nghiệp.
“Tôi cảm nhận được đây là nghi lễ truyền thống lâu đời, tấm bằng được nhận rất trang trọng, đánh dấu mốc quan trọng của sinh viên”, vị tiến sĩ nhận xét.
Ngoài ra, quy định lễ phục cho hiệu trưởng, tiến sĩ, thạc sĩ hay cử nhân khác nhau. Đối với những thành viên tham gia lễ tốt nghiệp, được mặc bộ lễ phục, đại diện cho trường mình từng theo học là một vinh dự. Người tham dự có thể nhận biết thầy cô của mình đến từ đâu thông qua lễ phục đặc trưng của mỗi trường.
Trong khi đó, ở Việt Nam, các trường sử dụng bộ mô phỏng lễ phục tốt nghiệp của châu Âu, tuy nhiên, có thêm quy ước của riêng. Ví dụ, lãnh đạo nhà trường mặc áo choàng màu đỏ, sinh viên đơn giản hơn, mặc áo choàng màu đen. Các áo này thường dùng lẫn cho cả trao bằng cử nhân, thạc sĩ hay thậm chí cả tiến sĩ.
Theo TS Minh, bộ lễ phục của ĐH Kinh tế có thể chưa thực sự đẹp mắt, ban nghi lễ chưa thể hiện được hết sự trang trọng của một nghi lễ đặc trưng. Tuy nhiên, ông thấy không cần có định kiến quá mức hoặc đánh giá về vấn đề trên.
"Nếu ai đó có thể tiên phong hiện thực hóa được một nghi lễ trang trọng cho lễ tốt nghiệp đại học một cách vừa hiện đại, vừa Việt Nam thì thực sự đáng ghi nhận”, TS Minh chia sẻ.
TS Cù Văn Trung cũng cho rằng buổi lễ tốt nghiệp của ĐH Kinh tế là một trong những yếu tố mới cần được xem xét, khuyến khích và động viên khi nó không vi phạm pháp luật.
Ngày 29/7, ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy năm 2022 cho gần 1.000 cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.
Trong buổi lễ, hiệu trưởng mặc áo nhung, mũ và găng tay đồng màu đỏ, đeo vòng cổ và cầm chùy. Thành viên ban nghi lễ mặc áo nhung đỏ pha đen, mũ màu đen, găng tay màu trắng.
Với đội nghi lễ, sinh viên nam mặc áo thiết kế kiểu vest, quần âu đồng bộ màu đỏ bordeaux, mũ beret có lưỡi trai màu đen, găng tay màu trắng. Sinh viên nữ trong đội mặc áo giả vest, mini juýp màu đỏ bordeaux, mũ beret có lưỡi trai màu đen, găng tay màu trắng. Thành viên đội nghi lễ đeo dải ruy băng lụa hai màu xanh đỏ đeo chéo, in logo của trường.
Hình ảnh này được đăng tải lên mạng, gây ra luồng ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng trang phục, phụ kiện của hiệu trưởng quá màu mè, lai căng. Trong khi đó, số khác lại có ấn tượng tốt với trang phục của người đứng đầu lẫn các thành viên ban nghi lễ, đội lễ nghi và sinh viên ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trước phản ứng từ cộng đồng mạng, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đề nghị hiệu trưởng ĐH Kinh tế báo cáo bằng văn bản về công tác tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp, đồng thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh trang phục, lễ phục trao bằng tốt nghiệp, tránh lặp lại tình trạng tương tự.