Đây cũng là nhận định của LS Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) và chuyên gia giáo dục Phạm Hiệp.
Cụ thể, trao đổi với Zing, các chuyên gia cho biết chưa có quy định cụ thể về lễ phục của hiệu trưởng khi trao bằng tốt nghiệp. Do đó, việc hiệu trưởng ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội cầm quyền trượng, đeo vòng cổ không vi phạm quy định.
Hình ảnh tại buổi lễ tốt nghiệp của ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội. Hiệu trưởng Nguyễn Trúc Lê mặc áo nhung, đeo vòng cổ, bên cạnh là quyền trượng, gây nhiều tranh cãi. Ảnh: ĐH Kinh tế. |
Không có quy định về lễ phục của hiệu trưởng
Từ góc độ pháp luật, LS Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho hay hiện nay, pháp luật và Bộ GD&ĐT không có quy định cụ thể đối với hiệu trưởng, giáo viên về lễ phục trao bằng tốt nghiệp, chỉ có quy định về lễ phục đối với học sinh, sinh viên tại Thông tư 26/2009 của Bộ GD&ĐT.
Như vậy, chúng ta cần căn cứ điều lệ, quy chế hoạt động của ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội được phê duyệt để xác định có hay không việc vi phạm quy định về lễ phục hiệu trưởng, thành viên và đội nghi lễ tại lễ trao bằng tốt nghiệp.
Theo thông báo của trường, trang phục dùng trong buổi lễ nhằm khẳng định vị thế, thể hiện sự chuyên nghiệp, đẳng cấp của trường trong mắt người học và đối tác, tăng tính đoàn kết nội bộ và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giảng viên và người học.
"Tôi đồng tình với quan điểm này của ban giám hiệu ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội. Là trường đại học công lập bán tự chủ, ban giám hiệu và hội đồng trường có quyền tự quyết mọi hoạt động của nhà trường tại lễ tốt nghiệp, gồm cả nội dung lễ phục, miễn là không phản cảm hoặc gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân khác", LS Phú Thắng nhận định.
Cùng quan điểm, TS.LS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cũng khẳng định trang phục tại lễ trao bằng tốt nghiệp của ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội lạ nhưng không vi phạm pháp luật.
Theo vị luật sư này, Thông tư số 26/2009 của Bộ GD&ĐT quy định về đồng phục và lễ phục của học sinh, sinh viên, chỉ quy định chung chung, không có chi tiết cụ thể về chất liệu, màu sắc, đồng thời không quy định chi tiết về nghi thức để thực hiện thủ tục trao bằng.
Bởi vậy, chúng ta không có cơ sở pháp lý để xác định cơ sở giáo dục này không tuân thủ pháp luật, không có căn cứ để xử phạt, xử lý đối với việc sử dụng các trang phục như tại lễ trao bằng hôm 29/7 của ĐH Kinh tế.
Điều đáng nói, trong buổi lễ trao bằng, lãnh đạo nhà trường dùng thêm cờ và cây quyền trượng. Điều này khá đặc biệt và gây tranh cãi. Tuy nhiên, pháp luật không cấm sử dụng những vật dụng đó. Vì vậy, chúng ta rất khó để xác định hành vi này là sai phạm để xử lý.
Đội nghi lễ của trường cũng mặc trang phục theo quy định thống nhất. Ảnh: ĐH Kinh tế. |
Tôn trọng sự mới lạ
Theo LS Thắng, quy định về quản lý, sử dụng lễ phục này và các quy định khác về nghi lễ tốt nghiệp được nhà trường ban hành và có hiệu lực từ trước đó. Việc giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội yêu cầu báo cáo về việc tổ chức lễ tốt nghiệp ngày 29/7 là việc bình thường.
"Tuy nhiên, việc 'ra lệnh' điều chỉnh lễ phục, tránh xảy ra sự việc tương tự là không cần thiết, gây tổn thương cho cán bộ, giáo viên, sinh viên và gây lãng phí, tốn kém", vị luật sư khẳng định.
Cùng quan điểm trên, TS Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia, cho rằng việc giám đốc ĐH quốc gia Hà Nội yêu cầu hiệu trưởng ĐH Kinh tế báo cáo về công tác tổ chức lễ tốt nghiệp là điều đương nhiên, đúng quy trình.
Tuy nhiên, TS Phạm Hiệp nhận định trong xu thế tự chủ đại học nói chung, các trường sẽ phải có sự đổi mới, sáng tạo để hấp dẫn hơn. ĐH Kinh tế cũng quan tâm và đổi mới hoạt động của họ.
"Thực chất, các buổi lễ trao bằng tốt nghiệp đều sử dụng lễ phục áo thụng theo kiểu phương Tây. Chúng ta đã bắt chước họ 20 năm nay. Hiện tại, ĐH Kinh tế sử dụng thêm vòng và cây quyền trượng, điều đó cũng đồng bộ với lễ phục hơn, tuy nhiên, cũng tạo thành sự khác biệt, gây tranh cãi. Nhưng đây là quyền của họ, soi chiếu lại nếu không vi phạm quy định của pháp luật, không ảnh hưởng gì cả", TS Phạm Hiệp khẳng định.
Vị này cũng nhận xét về mặt cảm nhận cá nhân mỗi người, có người khen, có người chê, nhưng về quyền cá nhân, chúng ta cần phải tôn trọng nhà trường.
"Phù hợp hay không tùy quan điểm, có người cho đó là lố lăng. Nhưng nhìn lại, nếu coi việc cầm quyền trượng là lai căng, tất cả lễ phục sử dụng trong lễ tốt nghiệp trước giờ cũng là lai căng. Khi nào trong lễ tốt nghiệp có hình ảnh phản cảm, chúng ta mới gọi là lố lăng, không phù hợp với môi trường giáo dục", TS Hiệp nhận xét.
Cũng theo TS Phạm Hiệp, ở đây, vấn đề cần bàn luận là trong xu thế tự chủ, cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, các trường đại học được và không được làm gì. Theo TS Hiệp, lâu nay, chúng ta vẫn quan tâm những hoạt động khác mà quên mất hoạt động lễ trao bằng tốt nghiệp.
"Pháp luật cũng không có nhiều quy định can thiệp đến hoạt động này. Nhìn từ góc độ tự chủ đại học, chúng ta đáng phải bàn đến", TS Hiệp nhận định.
Theo TS Hiệp, nhân sự việc trên, những người làm công tác quản lý giáo dục có thể ngồi lại, thảo luận, đưa ra ý kiến thống nhất. Đây sẽ là tiền lệ tốt cho cả hệ thống giáo dục.
Chia sẻ quan điểm, TS.LS Đặng Văn Cường nhận định trong lĩnh vực giáo dục hiện nay, đổi mới, sáng tạo là chủ trương và tinh thần chung của các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng uy tín của cơ sở đào tạo, tạo ra môi trường giáo dục văn minh, lành mạnh, tiến bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Vì vậy, ngoài đổi mới về nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng giảng viên, chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhiều cơ sở giáo dục cũng chú ý đến các chương trình ngoại khóa, thủ tục, nghi lễ để tạo ra sự khác biệt, gây ấn tượng, tạo ra tâm lý phấn khởi, tự hào của cơ sở giáo dục.
Theo TS.LS Cường, đánh giá của mỗi người có thể khác nhau đối với sự việc này, nhiều người cho rằng đây là trang phục và thủ tục không hợp lý, không phù hợp với văn hóa, chuẩn mực truyền thống.
Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến lại cho rằng cái gì không cấm, người ta được phép thực hiện, trang phục chỉ lạ, gây ra ấn tượng mạnh chứ không có gì đáng bàn cãi...
"Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đây là một buổi trao bằng ấn tượng và lạ. Có thể, đại diện nhà trường sẽ giải thích lý do buổi này lại khác so với những lần trước và khác với trang phục, thủ tục của các cơ sở giáo dục khác. Đổi mới về nội dung và hình thức trong giáo dục là cần thiết, tuy nhiên, đổi mới theo cách nào cũng cần phải tính toán sao cho phù hợp với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục", TS.LS Cường nhận định.
LS Phú Thắng cũng cho rằng nếu nhìn ở góc độ tích cực, các trường đại học khác cũng nên thiết kế cho riêng mình những lễ phục, nghi lễ, thủ tục để tôn vinh cán bộ, giáo viên, sinh viên nhà trường tại lễ tốt nghiệp, góp phần nâng vị thế nhà trường trong con mắt người học và đối tác.
"Vì xét cho cùng, lĩnh vực giáo dục cũng cần phải 'cạnh tranh' không trái luật", LS Thắng nhận định.
Ngày 29/7, ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy năm 2022 cho gần 1.000 cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.
Trong buổi lễ, hiệu trưởng mặc áo nhung, mũ và găng tay đồng màu đỏ, đeo vòng cổ và cầm chùy. Thành viên ban nghi lễ mặc áo nhung đỏ pha đen, mũ màu đen, găng tay màu trắng.
Với đội nghi lễ, sinh viên nam mặc áo thiết kế kiểu vest, quần âu đồng bộ màu đỏ bordeaux, mũ beret có lưỡi trai màu đen, găng tay màu trắng. Sinh viên nữ trong đội mặc áo giả vest, mini juýp màu đỏ bordeaux, mũ beret có lưỡi trai màu đen, găng tay màu trắng. Thành viên đội nghi lễ đeo dải ruy băng lụa hai màu xanh đỏ đeo chéo, in logo của trường.
Hình ảnh này được đăng tải lên mạng, gây ra luồng ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng trang phục, phụ kiện của hiệu trưởng quá màu mè, lai căng. Trong khi đó, số khác lại có ấn tượng tốt với trang phục của người đứng đầu lẫn các thành viên ban nghi lễ, đội lễ nghi và sinh viên ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trước phản ứng từ cộng đồng mạng, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đề nghị hiệu trưởng ĐH Kinh tế báo cáo bằng văn bản về công tác tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp, đồng thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh trang phục, lễ phục trao bằng tốt nghiệp, tránh lặp lại tình trạng tương tự.