Chia sẻ quá mức là khi bạn nói quá nhiều với sai người, sai thời điểm. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Lắm lời là khi bạn nói quá nhiều trong một tình huống không phù hợp. Hành động này có thể diễn ra trong các cuộc hội thoại trực tiếp, qua email hoặc tin nhắn văn bản.
Những lý do phổ biến khiến một người thường nói quá mức:
- Nỗ lực bắt chuyện, làm thân
- Hiểu nhầm về mức độ thân thiết với đối phương
- Lấp đầy những khoảng lặng.
Nếu nhận thấy đôi lúc mình nói nhiều không cần thiết, bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây từ Science Of People.
Nếu không muốn nói nhiều, bạn hãy đặt câu hỏi cho đối phương và chờ nghe chia sẻ. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Đặt câu hỏi
Một trong những phương pháp hiệu quả để bớt lắm lời là đặt câu hỏi cho đối phương. Bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một câu hỏi và cho người kia cơ hội nói về bản thân.
Phương pháp này sẽ giúp đối phương cảm thấy bạn quan tâm đến vấn đề của họ.
Tuy nhiên, hãy thận trọng để tránh tạo áp lực khiến người khác phải chia sẻ những điều họ muốn giữ kín. Thay vì những câu hỏi mang tính chất cá nhân, bạn có thể bắt đầu bằng câu hỏi quan tâm thông thường.
Sự quan tâm luôn tạo cảm giác thoải mái giúp đối phương sẵn sàng tâm sự. Đáp lại những chia sẻ chân thành, bạn có thể đưa ra câu trả lời ngắn gọn và ấm áp, giúp cuộc trò chuyện sẽ tiếp tục diễn ra một cách tự nhiên.
Việc suy nghĩ vài giây trước khi nói sẽ giúp bạn bình tĩnh và biết được có nên mở lời. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Nghĩ kỹ trước khi nói
Bạn có thể tập hít thở sâu và nghĩ kỹ trước khi trả lời một câu hỏi hoặc bắt đầu cuộc trò chuyện. Hãy xác định liệu những gì bạn sắp nói có liên quan, thú vị hoặc hữu ích với đối tượng bạn đang trò chuyện không.
Nếu nhận được một câu hỏi khó trả lời, chúng ta thường có xu hướng trì hoãn thời gian bằng việc nói lan man. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu đối phương cho mình thời gian suy nghĩ. Trong lúc đó, bạn cần lựa chọn thái độ phản ứng và sắp xếp lại các quan điểm muốn trao đổi.
Thậm chí, bạn có thể tập cách im lặng. Trong buổi thuyết trình tại TED Talk, diễn giả John Francis chia sẻ về hành trình 17 năm giữ im lặng của mình.
Theo đó, bạn bắt đầu bằng cách không nói nhiều trong một tuần, một ngày hoặc một buổi chiều. Nếu không thể hạn chế giao tiếp trong các tình huống trực tiếp, bạn có thể từ chối trao đổi trên mạng xã hội. Không trả lời tin nhắn và từ chối nhận cuộc gọi là cách để bạn tập thói quen này.
Sau khi kết thúc, hãy suy nghĩ xem khoảng thời gian đó ảnh hưởng đến bạn như thế nào.
Giao tiếp thông qua tin nhắn, email cũng cần cân nhắc trước khi trao đổi thông tin quá nhiều. Ảnh: Fauxels/Pexels. |
Cân nhắc trước khi nhấn "gửi"
Nếu bạn lo sợ việc chia sẻ quá mức qua tin nhắn hoặc email, hãy trì hoãn việc gửi tin nhắn đó trong vòng một giờ và đọc lại với trạng thái tâm lý ổn định hơn.
Bạn cũng có thể gửi ảnh chụp màn hình tin nhắn cho một người bạn thân thiết và hỏi họ xem bạn có đang tâm sự nhiều hơn cần thiết hay không.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thay đổi môi trường xung quanh để đưa ra những nhận định mới mẻ về tin nhắn định gửi. Việc đọc lại một đoạn tin nhắn tại phòng họp và trong quán cà phê sẽ khác nhau.
Nhiều người nói nhiều do tính cách cá nhân, bối rối hoặc sợ khoảng trống trong giao tiếp. Ảnh: Elina Fairytale/Pexels. |
Tìm nguyên nhân
Nhiều người chia sẻ quá đà bởi đó là thói quen, cách giao tiếp thường thấy trong gia đình hoặc lo ngại những khoảng lặng. Một số khác lại nói nhiều do bối rối khi gặp gỡ người mới.
Tương tự, bạn cần xác định được tình huống nào khiến mình trở nên lắm lời, từ đó mới dễ dàng kiểm soát được mức độ chia sẻ của mình. Lần tới, khi ở trong những trường hợp như vậy, bạn có thể trở thành một người biết lắng nghe bằng cách không nói gì về bản thân trừ khi được hỏi.
Việc thay đổi chủ đề cuộc hội thoại giúp ích lớn để bạn không còn phải nói về điều mình không muốn. Ảnh: Fox/Pexels. |
Thay đổi chủ đề cuộc trò chuyện
Nếu cảm thấy những người tham gia cuộc trò chuyện đang đề cập đến vấn đề bạn không muốn chia sẻ, hãy chuyển chủ đề một cách khéo léo.
Bạn có thể chuyển chủ đề bằng cách tạo một tình huống hài hước. Cách nói dí dỏm sẽ giúp cuộc đối thoại trở nên tự nhiên và bớt căng thẳng.
Những câu trả lời bông đùa có thể khiến cuộc trò chuyện tiếp diễn mà không xâm phạm vào giới hạn về sự riêng tư của bạn.
Ngay cả khi quyết định nói ra câu chuyện của mình, bạn cũng cần lựa thông tin để nói với từng đối tượng phù hợp. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Học cách lựa lời
Bạn đang trải qua những khó khăn như vấn đề về sức khỏe hay một cuộc chia tay, mong muốn chia sẻ về câu chuyện đó nhằm giải tỏa. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng không phải ai cũng muốn và cần biết toàn bộ thông tin của bạn.
Ví dụ, sếp không cần biết chi tiết về tình trạng sức khỏe của bạn, nhưng họ cần xác định vấn đề này ảnh hưởng thế nào đến công việc bạn đang đảm nhiệm.
Ở góc độ ngược lại, đôi khi, bạn sẽ nhận được những câu hỏi thái quá vào đời sống riêng tư. Lúc này, bạn có thể từ chối chia sẻ và điều hướng cuộc trò chuyện sang một chủ đề khác.