Sự bất ổn do đại dịch khiến nhiều người trẻ mong muốn tìm kiếm sự ổn định trong công việc. Ảnh: Drobot Dean. |
Bà Christine Cruzvergara từng điều hành các trung tâm dịch vụ nghề nghiệp tại Đại học George Mason và Đại học Wellesley, Mỹ. Trước đây, khi khảo sát sinh viên về những mong muốn nghề nghiệp, bà luôn nhận được một điệp khúc chung là "mục tiêu làm việc, uy tín công ty và mức lương".
Tuy nhiên, sau khi chuyển về làm việc cho một nền tảng mạng phục vụ 10 triệu sinh viên đại học, bà Cruzvergara nhận thấy những mong muốn của sinh viên đã thay đổi.
Khi phỏng vấn 1.400 sinh viên mới tốt nghiệp và sinh viên năm cuối để hỏi về ưu tiên tìm việc, 73% cho biết họ mong muốn sự ổn định. Chưa đến 1/2 trong số đó ưu tiên danh tiếng công ty khi nộp hồ sơ việc làm.
Nếu sự ổn định là điều những người lao động trẻ đang theo đuổi, thị trường việc làm mạnh mẽ hiện nay chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu đó. Hiện, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang ở mức thấp nhất trong gần 5 thập kỷ qua. Người lao động có nhiều cơ hội việc làm hơn so với thời gian trước đại dịch, tỷ lệ sa thải cũng ở mức thấp. Chưa kể trong tháng 10, các nhà tuyển dụng vừa tạo thêm 263.000 vị trí việc làm, theo New York Times.
Tuy nhiên, nhiều người trẻ vẫn lo lắng. Với gần 2/3 sinh viên Mỹ chưa tốt nghiệp đại học, sự bấp bênh khi tìm việc ngày càng trầm trọng do lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua. Những người đã tốt nghiệp đại học, đang trong quá trình xây dựng sự nghiệp sau 2 năm đại dịch cũng gặp khó khăn khi tìm việc và gặp nhiều vấn đề tinh thần.
Một nhóm nhỏ sinh viên đã tốt nghiệp và đang có kế hoạch tìm kiếm những công việc lương cao, nhiều đãi ngộ, cũng lo lắng khi chứng kiến làn sóng sa thải ồ ạt ở các công ty, nhất là công ty trong lĩnh vực công nghệ.
Những điều đó xô đổ sự lạc quan khi tìm việc của một số người trẻ tuổi. Theo ZipRecruiter, niềm tin tìm việc của lao động trẻ đã giảm. Gần một nửa số sinh viên năm cuối đại học cho biết họ đang mở rộng phạm vi tìm việc vì lo lắng vấn đề kinh tế.
Nhiều thanh niên khác cũng nói rằng nhiều năm biến động đã khiến họ bỏ qua việc tìm kiếm công việc mơ ước. Thay vào đó, họ chọn tìm kiếm một công việc "an toàn".
Một phụ nữ trẻ cho biết cô chỉ nộp đơn vào những vị trí được liệt kê mức lương rõ ràng để cô biết liệu mình có đủ sống khi giá cả leo thang hay không. Một người khác chấp nhận chuyển từ lĩnh vực thể thao giải trí qua làm tiếp thị vì lo ngại đại dịch làm ảnh hưởng cơ hội tìm việc trong lĩnh vực đó.
Giana Gaitan-Naranjo (21 tuổi), sinh viên năm cuối đại học San Francisco State, cho biết lo ngại làn sóng sa thải, cô đã bắt đầu mở rộng phạm vi tìm việc để tìm được một công việc ổn định. Thay vì chỉ tìm kiếm công ty danh tiếng, Gaitan-Naranjo nộp hồ sơ vào tất cả công ty cô thấy phù hợp.
Laura Yin, tốt nghiệp Đại học Wisconsin năm 2020 với tấm bằng Kỹ sư cơ khí, cũng không dám kén chọn khi tìm việc. Thậm chí, tiêu chuẩn về mức lương của cô cũng giảm. Nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc sống bất ổn trong đại dịch.
"Tôi không biết liệu tôi có thực sự muốn làm việc cho nhà máy xử lý nước thải hay không, nhưng do họ tuyển người nên tôi nộp hồ sơ", Yin nói.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.