"Ở Trung Quốc, về cơ bản, xã hội không khuyến khích phá thai. Nhưng tôi cảm thấy phụ nữ nên có quyền quyết định việc đó", Zhang, giảng viên tại một trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, nói với The New York Times.
Giống như nhiều vấn đề sinh sản khác, quyền phá thai phụ thuộc vào các chính sách của chính phủ Trung Quốc. Sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân khẩu học hiện tại, Trung Quốc muốn phụ nữ sinh nhiều hơn, lý tưởng nhất là 3 con/gia đình.
Nhưng chính sách kế hoạch hóa gia đình mới không được áp dụng cho những phụ nữ độc thân như Zhang hay nhóm cha mẹ đơn thân.
Phụ huynh đơn thân khó tiếp cận các chương trình khuyến khích, hỗ trợ sinh sản ở Trung Quốc. |
Với tỷ lệ sinh đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, chính phủ Trung Quốc ban bố nhiều kế hoạch khuyến khích sinh đẻ như trợ cấp giáo dục, ưu đãi mua nhà và thậm chí tặng tiền mặt. Nhưng tất cả đặc quyền này chỉ dành cho các cặp vợ chồng đã kết hôn.
Những đứa trẻ được sinh ra bởi cha mẹ đơn thân không dễ nhận được các phúc lợi xã hội như bảo hiểm y tế và giáo dục. Phụ nữ độc thân và đang mang thai thường xuyên bị loại bỏ khỏi dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và bảo hiểm chi trả cho thời gian nghỉ thai sản. Họ không được bảo vệ về mặt pháp lý nếu bị người sử dụng lao động sa thải khi đang mang thai.
Mất việc sau 8 tháng làm mẹ đơn thân
Một số phụ nữ độc thân như Zhang chọn không kết hôn, sinh con. Những người khác tìm cách lách luật và thường phải đối mặt với hậu quả.
Sarah Gao (46 tuổi), phụ huynh đơn thân sống ở Bắc Kinh, nói: "Nhiều người nghĩ rằng làm mẹ đơn thân chỉ đơn giản là đối mặt với dư luận, nhưng không phải vậy, đó là cả một hệ thống".
Luật pháp Trung Quốc yêu cầu phụ nữ mang thai phải đăng ký kết hôn mới được chăm sóc trước khi sinh tại bệnh viện công. Lúc phát hiện ra mình có thai, Gao phải nói dối các bác sĩ tại một bệnh viện rằng chồng cô đang ở nước ngoài để được nhập viện.
Con gái cô chào đời vào tháng 11/2016. 8 tháng sau, Gao bị sa thải. Cô đệ đơn kiện công ty phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Tỷ lệ kết hôn năm 2021 của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong vòng 36 năm qua. |
Công ty đã thắng kiện vì Gao, với tư cách một người mẹ đơn thân, không đủ điều kiện nhận các quyền lợi và sự bảo vệ hợp pháp.
Tòa án cho rằng việc sinh con khi chưa kết hôn là "không phù hợp với chính sách của nhà nước". Gao đang kháng cáo lần thứ 3.
Chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc không quy định rõ ràng rằng một phụ nữ độc thân không thể có con, nhưng xác định rằng cha mẹ phải là những người đã đăng ký kết hôn.
Các địa phương thưởng tiền mặt cho những gia đình sinh con. Hàng chục thành phố tăng thời gian nghỉ thai sản. Một tỉnh ở phía tây bắc Trung Quốc thậm chí đang cân nhắc cho sản phụ nghỉ phép cả năm.
Tuy nhiên, những chính sách này vẫn không giúp đảo ngược cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, nhất là khi tỷ lệ kết hôn không ngừng giảm. Nhiều phụ nữ lo lắng rằng sự nghiệp, cuộc sống độc lập không dễ dàng đạt được của họ có thể biến mất một khi kết hôn.
Đấu tranh cho quyền sinh sản
Tại cuộc họp thường niên gần đây nhất của Quốc hội Trung Quốc, một chính trị gia đã gợi ý rằng nhà nước nên khoan dung hơn với những phụ nữ độc thân mong muốn có con, cho họ quyền giống các cặp vợ chồng đã kết hôn.
Tuy nhiên, ngay cả khi dân số ngày càng giảm đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế, các nhà chức trách Trung Quốc thường không đưa ra được những thay đổi chính sách lâu dài.
Năm ngoái, các nhà chức trách đã loại bỏ phí hỗ trợ xã hội, một hình thức phạt tiền đối với các bà mẹ đơn thân. Tuy nhiên, một số khu vực chậm áp dụng các quy định mới và việc thực thi mỗi nơi một khác.
Chính quyền tỉnh Hồ Nam từng cho biết sẽ xem xét cung cấp dịch vụ sinh sản cho phụ nữ độc thân nhưng hiện vẫn chưa có bất kỳ sự thay đổi nào.
Thượng Hải quyết định bỏ chính sách chỉ cấp quyền lợi thai sản cho phụ nữ đã kết hôn, nhưng đã thay đổi quyết định chỉ vài tuần sau đó. Chính quyền thành phố nói họ gặp khó khăn trong việc nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình.
Chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc chỉ được áp dụng cho những người đã kết hôn, loại trừ gia đình đơn thân. |
10 năm trước, Kelly Xie (36 tuổi) kết hôn vì muốn có con. "Thời điểm đó, tôi đến tuổi lập gia đình và cảm thấy anh ấy là người phù hợp nhất".
4 năm sau, cô sinh con gái đầu lòng nhưng không hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân.
Mẹ chồng rất xét nét và thậm chí sẽ gọi đến nơi làm việc của Xie để phàn nàn về một góc nhà bám bụi hay một cái bát chưa được rửa sạch.
Cuối cùng, Xie quyết định ly hôn. Cô muốn tự mình sinh con thứ 2 nhưng không có nhiều lựa chọn. Xie muốn đi du lịch nước ngoài để làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nhưng phương pháp này quá tốn kém. Hiện tại, cô lên mạng và tìm kiếm người sẵn sàng giúp mình mang thai theo cách truyền thống.
Ở Bắc Kinh, phụ nữ đã kết hôn hiện có thể đông lạnh trứng và nhận các dịch vụ IVF được bảo hiểm y tế thành phố trợ cấp, một phần của chính sách mới nhằm hỗ trợ khả năng sinh sản. Nhưng IVF là bất hợp pháp đối với phụ nữ độc thân.
Li Xueke sinh 3 con nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Thái Lan. |
Li Xueke đã phải đến Thái Lan để làm thụ tinh trong ống nghiệm khi cô 29 tuổi. Là một doanh nhân giàu có, điều hành các trường dạy người mẫu, Li tự nhủ rằng nếu đến 30 tuổi mà vẫn chưa tìm được người đàn ông phù hợp, cô sẽ tự mình sinh con.
Li đã sinh 3 và sau nhiều năm, cô không hối hận về quyết định của mình.
"Tôi nghĩ thà rằng sống một cuộc sống tốt với tư cách bà mẹ đơn thân còn hơn là kết hôn và sống khổ", Li nói.
Nhưng trong số những phụ nữ có học thức và thành đạt ở Trung Quốc, Li vẫn là ngoại lệ. Nhiều người muốn có con, nhưng do chính sách khó khăn của chính phủ đối với các bà mẹ đơn thân, họ đã quyết định không mang thai.
"Nếu không có chồng, phụ nữ Trung Quốc phải đấu tranh để có được quyền sinh con", Chan Zhang, giảng viên 37 tuổi, nói.