Không có bàn tay, một cô gái vẫn thành đầu bếp giỏi
Một cô gái trẻ đã sống sót sau một lần bị toán cướp chặt mất đôi tay. Với chỉ hai cùi tay, cô đã trở thành một đầu bếp cừ khôi.
Một ngày, khi Maricel Apatan còn là một cô bé 11 tuổi ở vùng Zamboanga, tỉnh Mindanao, Philippines, cô gái nhỏ cùng bác mình đi kéo nước ở gần trang trại heo hút của gia đình. Trên đường đi, họ gặp 4 gã đàn ông dữ tợn và giết chết người bác.
Maricel kinh hoảng tột độ, nhất là khi những gã đàn ông đó chính là hàng xóm của gia đình cô. Chúng uy hiếp gia đình cô để cướp đất. Maricel cố gắng bỏ trốn nhưng chúng đuổi theo. Cô bé khóc và gào xin tha mạng nhưng vẫn bị chúng chém. Cô bé phải giả vờ chết mới thoát khỏi bàn tay của chúng. Khi bọn chúng bỏ đi, Maricel mới biết mình đã bị chém lìa cả 2 bàn tay.
Không có đôi tay, Maricel Apatan sử dụng sức mạnh kết hợp của hai cùi tay để giữ thìa, đũa, phới… và quấy, đảo, cắt, thái không hề chậm hơn những người đủ đôi tay khác. |
Sau 5 tiếng nằm trong phòng phẫu thuật, với 25 mũi khâu trên gáy và lưng, Maricel thoát chết trong gang tấc, cô bé đã sống lại một cách thần kỳ nhưng cô bé vĩnh viễn mất đi đôi tay. Hôm đó cũng chính là sinh nhật 12 tuổi của Maricel.
Thế nhưng, tại họa vẫn chưa dừng ở đó. Khi họ trở về nhà, ngôi nhà thân thuộc đã bị những kẻ ác ôn lục lọi và đốt thành tro. Rơi vào cảnh nghèo đói trắng tay, gia đình Maricel còn không có đủ tiền cho hóa đơn bệnh viện của cô bé. May nhờ người họ hàng xa giúp thanh toán hóa đơn và đưa những kẻ ác nhân ra tòa.
Nhưng đó chưa phải là điều kỳ diệu nhất. Thay vì suy sụp, ngồi một chỗ đau khổ, Maricel đã tiếp tục đứng lên, tiếp tục sống. Thay vì oán thán vì sao mình lại mất đi đôi tay, cô bé đã dùng hay cổ tay của mình theo những cách không thể tin nổi để tiếp tục sống, học tập và sáng tạo.
Không có sự giúp đỡ nào, Maricel đã phải dựa hoàn toàn vào mẹ. Cô bé quay trở lại trường học, nhưng thường bị bạn bè trêu chọc, cô đã khóc hết nước mắt, nhưng nhất định không bỏ cuộc. Maricel là một tấm gương học sinh chăm chỉ nhất, giỏi nhất với môn Công nghệ thông tin và máy tính và cũng là cô bé lịch thiệp nhất tại ngôi trường mà cô theo học.
Năm 2004, được sự giúp đỡ của những người hảo tâm, Maricel tới trung tâm đào tạo dành cho những người khuyết tật. Cô học cách viết và làm những việc vặt trong nhà, cô quyết tâm sống một cuộc sống bình thường. Maricel tin rằng cô có một sứ mệnh quan trọng trong cuộc đời, bởi vì cô đã được cứu sống một cách thần kỳ.
Không chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học, Maricel còn dành 2 năm để học khóa học Quản lý Khách sạn và Nhà hàng ở thành phố Cagayan de Oro với tâm sự: “Em thật lòng yêu thích nấu ăn từ khi mới 7 tuổi”.
Đáp lại những nỗ lực tận tâm và tình yêu thương của cha mẹ, Maricel đã thành công mặc dù cô là sinh viên khuyết tật duy nhất trong khóa học. “Tôi không ngần ngại hay e sợ khi tham gia các cuộc thi nấu nướng hay trang trí bánh”.
Năm 2008, Maricel tốt nghiệp ngành Quản lý Khách sạn và Nhà hàng. Không những thế, cô còn giành được Huy chương Vàng về Nghệ thuật và Đồ thủ công. Ở tuổi 21, Maricel học tập để trở thành một đầu bếp.
Với những khiếm khuyết trên cơ thể, cô đầu bếp ấy đã thách thức cả những gì khó tin nhất và truyền cảm hứng tới mọi người. |
Không có đôi tay, Maricel Apatan sử dụng sức mạnh kết hợp của hai cùi tay để giữ thìa, đũa, phới,… và quấy, đảo, cắt, thái không hề chậm hơn những người đủ đôi tay khác. Khi một tay phải cố định nguyên liệu, cô kẹp dao giữa cùi tay và hông để thái.
Khi phải trang trí những chiếc bánh kem, cô phải dùng cách này nhiều nhất. Con dao được kẹp chặt giữa mé trong cánh tay trái cùng với cổ tay trái để thái nho, kiwi, dâu tây thành từng nửa. Trong chốc lát, cô đã có đủ nguyên liệu để trình bày hoa quả trên chiếc bánh, thêm vào đó mấy quả việt quất và một sợi chocolate cách điệu lên trên cùng.
Những kỹ năng của Maricel được bếp trưởng của cô đánh giá là thuần thục và hoàn chỉnh, hầu như cô không phải nhờ vả ai điều gì, trừ những lúc cô cần dịch chuyển một nồi nước sôi, mở một cái nắp vung trơn mà quá chặt hoặc bỏ một khay bánh lớn từ trong lò ra.
Maricel đã đi một chặng đường dài từ cái ngày tháng 9/2000 đau thương trong ký ức của cô. Lúc này, cái tên Maricel đã trở nên nổi tiếng dưới sự chú ý của báo giới. Cô không xấu hổ tránh xa sự quan tâm của mọi người, bởi cô muốn gửi một thông điệp tới những người khuyết tật, rằng hãy tin bạn vẫn có thể sống một uộc sống bình thường.
Giờ đây, 3 người em của Maricel cũng đã chuyển tới thủ đô Manila. Maricel trả tiền cho căn hộ mà chị em cô thuê trọ, trong khi cha mẹ họ trông coi trang trại gia đình ở Mindanao. Maricel lạc quan nói: “Dù có khó khăn, tôi cũng không từ bỏ hy vọng. Tôi tin mọi thứ đều có thể nếu bạn có ước mơ và sự siêng năng”.
Theo Người Đưa Tin