Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Không có cuộc 'đại sa thải' ở Mỹ

Thị trường lao động ổn định đem lại tín hiệu lạc quan cho người dân Mỹ, nhưng cũng đẩy nền kinh tế Mỹ đến gần hơn với một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Buc tranh viec lam My anh 1

Trong giai đoạn đỉnh dịch Covid-19, nhiều khách hàng đói bụng mắc kẹt trong nhà đã tìm đến pizza đế mỏng đông lạnh từ Home Run Inn Pizza. Công ty đã làm mọi thứ để đáp ứng số đơn hàng tăng đột biến.

Máy làm pizza hoạt động xuyên giờ nghỉ trưa. Công ty này - có trụ sở tại ngoại ô Chicago - cũng tuyển thêm nhân viên tạm thời để đảm bảo sản xuất đủ pizza cho khách hàng.

Khi đại dịch qua đi, Home Run Inn Pizza đã đảo ngược một số biện pháp do nhu cầu giảm bớt. Nhưng công ty không có kế hoạch sa thải bất kỳ nhân viên toàn thời gian nào, dù một ca làm việc có nhiều nhân viên hơn mức cần thiết.

“Chúng tôi có những nhân viên thực sự giỏi. Chúng tôi không muốn để bất kỳ thành viên nào trong nhóm phải ra đi”, Nick Perrino, giám đốc điều hành và là chắt của người sáng lập công ty, cho biết.

Bất chấp một năm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cao nhằm kiềm chế lạm phát và hạ nhiệt thị trường lao động, hầu hết công ty vẫn chưa thực hiện biện pháp cắt giảm việc làm, theo New York Times.

Ngoại trừ một số công ty nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ như Alphabet, Meta và Microsoft, tình trạng cắt giảm nhân sự trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ vẫn rất khó xảy ra.

Buc tranh viec lam My anh 2

Charleston Crab House ở Nam Carolina thiếu nhân sự, phải thay đổi thực đơn để giảm lượng công việc cho đầu bếp. Ảnh: Washington Post.

Sự bất ngờ của thị trường việc làm

Dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy tỷ lệ sa thải lao động trong tháng 12/2022 thấp nhất trong hơn 20 năm qua. Số hồ sơ xin bảo hiểm thất nghiệp hầu như không tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ giảm xuống 3,4%, thấp nhất kể từ năm 1969.

“Chúng tôi chưa thấy bất kỳ đợt sa thải nào”, Janis Petrini, đồng sở hữu văn phòng đại lý nhân sự Express Employment Professionals ở Grand Rapids, Michigan, cho biết.

Thị trường việc làm tích cực khiến các chuyên gia của Fed lạc quan lẫn lo ngại. Tỷ lệ thất nghiệp thấp cho thấy suy thoái kinh tế sẽ không xảy ra trong tương lai gần, nhưng Fed cũng chưa đạt được mục tiêu làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Các nhà kinh tế nhận định có nhiều yếu tố khiến người sử dụng lao động giữ chân người lao động. Một số công ty e ngại quá trình tuyển dụng, đào tạo nhân viên khó khăn và tốn kém, trong khi một số khác lo sợ hụt hơi trong cuộc đua tuyển dụng.

Nhiều ngành vẫn đang cố gắng bù đắp vấn đề thiếu hụt nhân sự sau biến động đại dịch. Như ngành công nghiệp giải trí và khách sạn Mỹ vẫn ít hơn khoảng nửa triệu việc làm so với trước đại dịch.

Buc tranh viec lam My anh 3

Dữ liệu về sa thải tại Mỹ tính đến tháng 12/2022. Ảnh: Washington Post.

Đại dịch Covid-19 đã tái định hình cách những công ty nhìn nhận về trình độ nhân sự và tuyển dụng.

“Khi nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ vào năm 2020, nhiều công ty cố gắng tuyển dụng nhưng không thể. Trải nghiệm đó có thể vẫn đang ám ảnh tâm trí mọi người”, Matt Notowidigdo, giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago Booth, cho biết.

Tại Home Run Inn Pizza, ông Perrino cho biết việc thu hút và giữ chân người lao động đang rất khó khăn, đặc biệt đối với các ca làm việc bắt đầu vào sáng sớm hoặc kết thúc vào đêm khuya.

“Tôi không nghĩ rằng chúng tôi từng sa thải bất kỳ ai trong lịch sử công ty”, ông nói. Sự gắn kết giữa nhân viên và công ty đã giúp ông Perrino giữ chân các nhân viên toàn thời gian, bao gồm 135 người trong khâu sản xuất.

“Việc tìm kiếm lao động tài năng muốn ở lại và cam kết với thành công lâu dài của công ty là một thách thức rất lớn”.

Đối với một số doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí và khách sạn, việc tránh sa thải đơn giản hơn. Người tiêu dùng có nhu cầu mạnh mẽ và doanh nghiệp cần sự giúp đỡ.

John Keener, một chủ nhà hàng ở Charleston, Nam Carolina, cho biết các cơ sở của ông thực tế đã thiếu nhân lực từ những ngày đầu đại dịch. Để thu hút nhân viên, ông đã tăng lương, tăng phúc lợi và quảng cáo trên LinkedIn, Yelp, Facebook và Instagram.

Khi chưa tuyển được số nhân sự cần thiết, ông phải tìm cách giảm số món hoặc thay đổi thực đơn để giảm lượng công việc cho đầu bếp. Ông cũng cấp máy tính bảng cho nhân viên phục vụ để hạn chế thời gian đi lại.

Khi mùa du lịch tới, ông Keener cố gắng tuyển khoảng 50 nhân viên. Nếu thành công, số nhân viên của ông sẽ chạm mốc 270 người.

“Họ đã nói về một cuộc suy thoái từ đầu hè năm 2022. Chúng ta sẽ phạm sai lầm và bị cuốn theo nếu cứ lo lắng và đi theo chiều hướng đó”, ông Keener nói.

Bài toán nan giải

Sự bền bỉ của nhu cầu tiêu dùng và thị trường việc làm đã gây khó chịu cho các nhà hoạch định chính sách tại Fed. Các quan chức Fed lo ngại thị trường việc làm đang góp phần vào lạm phát, với việc các công ty tăng lương để thu hút lao động. Sau đó, họ tăng giá sản phẩm để trang trải chi phí thuê nhân công.

Điều này buộc ngân hàng trung ương phải tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, cuối cùng đẩy nước Mỹ vào nguy cơ suy thoái kinh tế trầm trọng.

Tỷ lệ sa thải thấp cũng dẫn đến một kịch bản khác. Lãi suất cao thường khiến chi phí sản xuất tăng và doanh số bán hàng giảm, buộc các công ty phải sa thải lao động để cân bằng tài chính.

Nếu các công ty phản ứng bằng cách hạn chế tuyển dụng hoặc tăng lương, đồng thời giữ chân nhân viên hiện tại, thị trường lao động sẽ hạ nhiệt mà người dân không mất việc làm.

Buc tranh viec lam My anh 4

John Keener, một chủ nhà hàng ở Charleston, cho biết ông thiếu nhân sự từ đầu đại dịch và đang cố gắng tuyển dụng thêm. Ảnh: Washington Post.

Trong những tháng gần đây, nhiều công ty Mỹ đã bắt đầu thảo luận về việc cắt giảm chi phí và kiềm chế chi tiêu, ngay cả khi doanh số bán hàng ổn định. Một số nơi đã ngừng tuyển dụng, cắt giảm tiền thưởng hoặc ngừng sử dụng nhà thầu.

Nhưng cho đến nay, thị trường việc làm Mỹ vẫn chưa có một đợt sa thải quy mô lớn, Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng tại trang web việc làm ZipRecruiter, cho biết.

Sự bất thường đó được thể hiện rõ ràng tại Grow Therapy, một dịch vụ trực tuyến giúp bệnh nhân đặt lịch hẹn với các nhà trị liệu chấp nhận bảo hiểm. Công ty đã nhanh chóng tuyển dụng, bổ sung nhân viên để đáp ứng nhu cầu dự đoán trong nhiều tháng tới.

Sự tăng trưởng của Grow Therapy phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhưng nguồn tiền từ những quỹ này ngày càng khó tiếp cận.

Vào tháng 5/2022, công ty đã ngừng tuyển dụng với hầu hết vị trí và đề ra các quy tắc nghiêm ngặt. Để đáp ứng nhu cầu nhân sự ngắn hạn, công ty đã chuyển sang thuê một đại lý tạm thời, thay vì tuyển nhân viên toàn thời gian.

Jake Cooper, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành, cho biết một điều Grow Therapy chưa bao giờ cân nhắc là sa thải nhân viên. Ông nhận định nhu cầu thị trường vẫn mạnh và đang tăng lên. Grow Therapy sẽ tiếp tục tuyển dụng trong tương lai.

“Có nguy cơ xảy ra vòng xoắn chết. Khi sa thải một phần nhân viên, những người còn lại sẽ không thoải mái và phải làm việc quá sức. Việc tuyển dụng những ứng viên chất lượng cao sẽ khó khăn hơn nhiều”, ông Cooper nói.

Nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc giữ chân nhân viên có thể khiến các công ty đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh số. Nếu xảy ra suy thoái kinh tế, các công ty sẽ buộc phải cắt giảm việc làm hàng loạt, dù là miễn cưỡng.

“Đó là rủi ro”, ông Notowidigdo đề cập đến chiến lược giữ chân người lao động ngay cả khi hoạt động kinh doanh chậm lại.

“Các công ty có thể phải thực hiện nhiều đợt sa thải nếu cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn dự kiến”, ông nhận định.

Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.

Bộ Năng lượng Mỹ đổi ý về nguồn gốc Covid-19

Bộ Năng lượng Mỹ hiện nhận định nhiều khả năng Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc, nhưng nguồn tin của Wall Street Journal cho biết kết luận này có "độ tin cậy thấp".

TLS Mỹ ở TP.HCM: Sự lạc quan của công ty Mỹ vào Việt Nam chỉ có tăng

Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns nói rằng dù tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn, bà nhìn thấy ở các doanh nghiệp Mỹ sự lạc quan lớn về cơ hội làm ăn ở Việt Nam.

Tuấn Đạt

Bạn có thể quan tâm