Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không có vaccine phòng ngừa cho căn bệnh khiến WHO phải họp khẩn

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chúng ta hiện không có vaccine cụ thể để tiêu diệt và phòng ngừa virus gây đậu mùa khỉ. Song, vaccine đậu mùa có thể đạt hiệu quả tới 85%.

Ngày 20/5, nhóm Cố vấn Chiến lược và Kỹ thuật về các mối đe dọatruyền nhiễm nguy cơ trở thành dịch và đại dịch (STAG-HI), thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổ chức cuộc họp khẩn bàn về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian gần đây. Chỉ một ngày sau đó, trong cuộc họp báo của WHO, ông Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, bày tỏ sự lo ngại về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ vào mùa hè, khi các cuộc tụ tập đông đúc, lễ hội diễn ra thường xuyên.

Từ những ca bệnh đầu tiên tại Anh, đậu mùa khỉ dường như đang tạo thành làn sóng dịch bệnh mới với gần 100 ca mắc ở 14 quốc gia chỉ sau vài tuần. Ngoài ra, 50 trường hợp khác đang chờ điều tra và nhiều khả năng sẽ được báo cáo khi hoạt động giám sát toàn cầu mở rộng.

"Ít khả năng trở thành đợt dịch kéo dài"

Ông Fabian Leendertz, từ Viện Robert Koch, Đức, mô tả đây là một đợt bùng phát dịch bệnh, "tuy nhiên, rất ít khả năng đợt dịch này kéo dài". Vị chuyên khẳng định các ca bệnh có thể được cách ly tốt thông qua truy vết, thuốc và vaccine hiện này cũng cần sử dụng trong những trường hợp cần thiết.

Dù vậy, ông Hans Kluge lo ngại các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể tăng nhanh trong những tháng tới, khi người dân toàn cầu tụ họp về những lễ hội.

Theo WHO, hiện nay chúng ta không có vaccine cụ thể phòng bệnh đậu mùa ở khỉ. Song, những dữ liệu hiện có cho thấy những loại vaccine được sử dụng để tiêu diệt đậu mùa có thể chống lại đậu mùa khỉ lên tới 85%.

Benh dau mua khi anh 1

Virus đậu mùa khỉ thuộc giống Orthopoxvirus trong họ Poxviridae. Ảnh: BBC.

Virus gây đậu mùa khỉ có thể lây lan qua tiếp xúc với quần áo, vật dụng của người mang trùng. Ở người với người, sự lây truyền chủ yếu qua các giọt bắn đường hô hấp. CDC nhận định những giọt bắn này chỉ bay trong phạm vi ngắn nên "cần tiếp xúc trực tiếp lâu dài" mới nhiễm bệnh.

Ông Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, Vương quốc Anh, nhận định: "Đậu mùa khỉ có thể là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong ở các đợt bùng phát khác là 1%. Những vụ dịch này thường xảy ra ở nơi có thu nhập thấp với khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe hạn chế".

Theo CDC, các chất khử trùng gia dụng thông thường có thể tiêu diệt virus đậu mùa khỉ.

Bản đồ các ca bệnh

Theo Reuters, các chuyên gia đánh giá đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ năm nay trở thành làn sóng dịch lớn nhất trong lịch sử với hàng chục ca mắc ở hàng loạt quốc gia. Căn bệnh này vốn hiếm khi vượt ra khỏi ranh giới của một số quốc gia châu Âu. Đặc biệt, nó được cho là có nguy cơ lây nhiễm rất thấp.

Nhưng trái ngược với những dữ liệu trước đó, đậu mùa khỉ dường như đang tạo thành các ổ dịch ở nhiều nước trên toàn cầu, nhất là châu Âu. Chính vì vậy, quan chức y tế thế giới đã lo ngại và đưa cảnh báo khẩn về những nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao cũng như cần sự cảnh giác từ các quốc gia.

Vương Quốc Anh là nước đầu tiên báo cáo về ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trong năm nay. Ngày 7/5, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) thông báo về một trường hợp mắc bệnh hiếm gặp mang tên đậu mùa khỉ. Người này có tiền sử du lịch đến Nigeria và sau đó được phát hiện mắc bệnh.

Đến 16/5, giới chức y tế phát hiện thêm hai bệnh nhân, là cặp đôi sống chung trong một hộ gia đình. Chỉ một ngày sau đó, số ca bệnh đã tăng lên 7 người. Tất cả đều là người đồng tính hoặc lưỡng tính, trừ ca bệnh đầu tiên, những trường hợp còn lại không có tiền sử du lịch tới vùng có dịch. UKHSA nhận định đây là các trường hợp "hiếm gặp và bất thường".

Liên tiếp sau đó, số ca phát hiện mắc đậu mùa khỉ tăng vọt. Đến ngày 20/5, Vương Quốc Anh đã có tổng cộng 20 người nhiễm virus đậu mùa khỉ. Sky News dẫn lời Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid: “Hầu hết người bệnh đều nhẹ và chúng tôi đã mua thêm vaccine để phòng bệnh đậu mùa khỉ”.

Sau Vương Quốc Anh, Mỹ là quốc gia thứ 2 phát hiện các ca đậu mùa khỉ bất thường. Ngày 19/5, Bộ Y tế Công cộng Massachusetts (DPH) xác nhận một trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ. Bệnh nhân là nam giới, vừa đi du lịch ở Canada trong thời gian gần đây. Theo Express, ngoài trường hợp này, 6 ca bệnh nghi ngờ khác đang chờ xác minh.

Bà Jennifer McQuiston, Phó giám đốc Bộ phận các tác nhân gây bệnh của CDC, nhấn mạnh sự quan tâm sát sao về “tình huống bất thường này”. Vị chuyên gia trả lời phỏng vấn của CNN: “Các ca bệnh được ghi nhận rất bất thường. Tuy nhiên, người dân không cần lo lắng thái quá về nguy cơ mắc bệnh”.

Theo Global News, Canada đã phát hiện 5 ca bệnh ở Quebec. Ngoài ra, “hàng chục trường hợp khác có thể xảy ra trên khắp Canada và nhiều khả năng sẽ được xác nhận trong vài ngày, vài tuần tới”.

Tiến sĩ Jason Kindrachuk, Đại học Manitoba, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về virus mới nổi, nhận định: “Sự lây lan toàn cầu này rất đáng lo ngại. Đây không phải điều chúng ta đã biết về bệnh đậu mùa khỉ. Những gì chúng ta đang chứng kiến là chưa từng có. Chúng ta thấy nhiều nơi trên toàn cầu báo cáo về người mắc bệnh. Mỗi liên hệ dịch tễ giữa những ca bệnh này là gì và bên trong virus có thay đổi gì không?”.

Tại Tây Ban Nha, giới chức y tế đã ghi nhận tổng cộng 30 bệnh nhân, riêng ngày 20/5 nước này phát hiện thêm 23 ca mới, chủ yếu nằm ở khu vực Madrid. Theo Reuters, đa số người bệnh liên quan một phòng xông hơi đồng tính ở địa phương. Ngoài ra, 18 ca bệnh khác đang nghi ngờ, tại Madrid (15), quần đảo Canary (2), Andalusia (1).

Trong khi đó, bệnh viện ở Israel đang điều trị cho một người đàn ông khoảng 30 tuổi, có các triệu chứng bệnh. Người này có tiền sử trở về từ Tây Âu.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), các nước khác của khu vực phát hiện ca bệnh là: Bỉ (2), Pháp (1), Italy (1, 2 ca nghi ngờ), Bồ Đào Nha (14, 20 ca nghi ngờ), Thụy Điển (1), Australia (1), Hà Lan (1).

Quốc gia

Số ca mắc

Số ca nghi ngờ

(nếu có)

Anh

20

Mỹ

1

6

Canada

5

17

Tây Ban Nha

30

18

Israel

1

Bỉ

2

Pháp

1

Italy

1

2

Bồ Đào Nha

14

20

Thụy Điển

1

Australia

1

Hà Lan1
Thụy Sỹ1

Virus đậu mùa khỉ thuộc giống Orthopoxvirus trong họ Poxviridae. Nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 khi hai đợt bùng phát của bệnh giống như thủy đậu xảy ra trên những con khỉ ở phòng thí nghiệm. Do đó, nó được gọi là bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Euro News, bệnh đậu mùa khỉ là họ hàng của bệnh đậu mùa - vốn đã được xóa sổ vào năm 1980. Đậu mùa khỉ ít lây truyền hơn và gây ra các triệu chứng nhẹ hơn, ít nguy cơ tử vong.

Bệnh thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể sau 5-21 ngày nhiễm bệnh. Triệu chứng của người mắc đậu mùa khỉ thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một số triệu chứng đặc hiệu giúp bác sĩ phân biệt bệnh đậu mùa thông thường và đậu mùa khỉ. Khi người bệnh bị sốt, đặc trưng của virus đậu mùa khỉ là phát ban khó chịu, khởi phát sau 1-3 ngày. Các vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể.

Các tổn thương trên cơ thể người bệnh sẽ trải qua quá trình từ rát (tổn thương phẳng) đến sẩn (tổn thương nổi), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch) sau đó là mụn mủ. Cuối cùng, các vết tổn thương đóng vảy trước khi rụng hết và khỏi bệnh, để lại sẹo.

Virus gây bệnh hiếm gặp đã lan sang Mỹ

Bang Massachusetts của Mỹ là khu vực mới nhất báo cáo về ca mắc đậu mùa khỉ. Chỉ trong thời gian ngắn, ít nhất 10 trường hợp đã được phát hiện ở Anh và Mỹ.

Thêm ca mắc bệnh lạ hiếm gặp tại Anh

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) xác nhận hai người mắc bệnh đậu mùa khỉ ở London.

Bảo Hân - Trương Na

Bạn có thể quan tâm