Báo cáo mới về béo phì ở khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì tại đây đã đạt mức trở thành làn sóng dịch bệnh và không ngừng leo thang. Gần 1/4 người trưởng thành của châu lục này đang bị béo phì.
Dữ liệu mới về thừa cân và béo phì
Báo cáo mới sẽ được WHO trình bày tại Đại hội về bệnh béo phì ở châu Âu, diễn ra tại Maastricht, Hà Lan vào tuần này. Khu vực châu Âu trong báo cáo của WHO bao gồm 53 quốc gia, trong đó có một số quốc gia ở Trung Á.
Theo Scitech Daily, các kết quả cho thấy ở khu vực này, 59% người lớn và gần 1/3 trẻ em (29% trẻ em trai và 27% trẻ em gái) bị thừa cân hoặc sống chung với bệnh béo phì. Số người béo phì ở châu Âu đã tăng 138% trong 5 thập kỷ qua và đang là nơi có tỷ lệ người lớn béo phì cao thứ hai, chỉ sau châu Mỹ.
Thừa cân và béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở khu vực này. Ước tính bệnh gây ra hơn 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm, chiếm 13% tổng số ca tử vong trong khu vực.
Béo phì đang trở thành làn sóng dịch bệnh ở 53 quốc gia thuộc khu vực châu Âu do WHO quản lý. Ảnh: Freepik. |
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nền không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường type II và bệnh hô hấp mạn tính. Béo phì được coi nguyên nhân gây ít nhất 13 loại ung thư khác nhau và là thủ phạm trực tiếp của hơn 200.000 ca mắc ung thư mới hàng năm tại châu Âu. Con số này được dự báo tăng nhanh trong những năm tới. Thừa cân và béo phì cũng là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tàn tật.
Những người thừa cân và mắc bệnh béo phì cũng là nhóm chịu nhiều ảnh hưởng trước Covid-19.
“Béo phì không có biên giới. Tại khu vực châu Âu và Trung Á, không có quốc gia nào đạt được mục tiêu của WHO về việc ngăn chặn sự gia tăng béo phì”, tiến sĩ Hans Henri P. Kluge, Giám đốc WHO Khu vực châu Âu, cho biết.
Béo phì là bệnh, không chỉ là một yếu tố nguy cơ
Nghiên cứu khác của WHO cho thấy trẻ em thừa cân có nhiều khả năng béo phì khi trưởng thành và mắc các bệnh không lây nhiễm (NCDs) như đái tháo đường, bệnh tim mạch. Cũng theo tổ chức này, với hầu hết bệnh không lây nhiễm do béo phì, nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ phụ thuộc vào tuổi khởi phát và thời gian béo phì dài hay ngắn.
Số liệu WHO trước đó cũng cho thấy ít nhất 2,6 triệu người chết mỗi năm do thừa cân hoặc béo phì. Những hậu quả về sức khỏe mà trẻ thừa cân và béo phì đối mặt thường không rõ ràng cho đến khi trưởng thành. Lúc khôn lớn, họ có thể mắc các bệnh tim mạch (chủ yếu là bệnh tim và đột quỵ); bệnh tiểu đường; rối loạn cơ xương, đặc biệt là thoái hóa khớp; một số loại ung thư (nội mạc tử cung, vú và ruột kết).
Béo phì là căn bệnh phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe. Báo cáo lý giải đại dịch Covid-19 là một trong những lý do khiến vòng eo của nhiều người lớn lên. Các đợt phong tỏa tạo điều kiện cho "chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc lối sống ít vận động". Tuy nhiên theo các tác giả, nguyên nhân của bệnh béo phì phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ đây chỉ là hậu quả của việc ăn nhiều và lười vận động.
WHO đánh giá béo phì là căn bệnh phức tạp với nguyên nhân không hoàn toàn từ chế độ ăn thiếu lành mạnh, lười vận động. Ảnh: The Guardian. |
Các yếu tố môi trường đặc trưng cho cuộc sống xã hội số hóa cao của châu Âu hiện đại cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì. Báo cáo của WHO khám phá cách tiếp thị kỹ thuật số các thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em, sự gia tăng của những trò chơi trực tuyến ít vận động, góp phần vào làn sóng thừa cân, béo phì tại khu vực châu Âu. Dù vậy, họ cũng xem xét cách các nền tảng kỹ thuật số tạo cơ hội cho sức khỏe, hạnh phúc.
Trước con số béo phì tăng cao, WHO mô tả nó là "dịch bệnh" cần phải xử lý triệt để càng sớm càng tốt. Các chuyên gia nhận định nhiệm vụ đẩy lùi bệnh này rất phức tạp bởi nhiều yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều đó đồng nghĩa không có biện pháp can thiệp đơn lẻ nào giúp ngăn chặn sự gia tăng của “dịch béo phì” đang ngày càng lây lan.
Chính vì vậy, WHO kêu gọi hành động của tất cả quốc gia trong khu vực châu Âu.
Một số chính sách cụ thể cũng được đưa ra như đánh thuế đồ uống chứa đường, hỗ trợ thuế những thực phẩm lành mạnh; hạn chế tiếp thị thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em; cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ quản lý, điều trị béo phì, thừa cân; cải thiện thói quen, quan niệm ăn uống, hoạt động thể chất từ tiền thai kỳ, trong thai kỳ và suốt quá trình nuôi dưỡng, trưởng thành; khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, lựa chọn thực phẩm lành mạnh, rèn luyện thể chất…
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.