Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không công bố gian lận điểm thi ở Hòa Bình vì sợ tổn thương thí sinh

Sở GD&ĐT Hòa Bình đã tiếp nhận danh sách thí sinh được cơ quan điều tra xác định là điểm thi có sự can thiệp. Tuy nhiên, danh sách này được giữ kín, không công bố.

140 bài thi trắc nghiệm ở Hòa Bình bị gian lận điểm Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết đã có 56 thí sinh cùng 140 bài thi trắc nghiệm bị thay đổi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018.

Ngày 14/3, phóng viên có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Hường, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, về vấn đề này.

- Thưa bà, khi cơ quan điều tra có kết quả, điều dư luận lo lắng nhất đã được giải tỏa. Vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay là Sở GD&ĐT Hòa Bình xử lý thế nào, thành lập ban bệ, quy trình xử lý ra sao để có câu trả lời thỏa đáng, trả lại sự công bằng cho các thí sinh?

- Qua sự việc, chúng tôi rất mừng là mọi người đều hiểu, chia sẻ với những tâm sự của chúng tôi, giải tỏa được phần nào đó về vấn đề này. Sự việc không ai muốn nhưng tạo áp lực lên tất cả những người làm giáo dục Hòa Bình, đến các gia đình, và đến học sinh. Nhưng giải quyết như nào để đảm bảo tâm lý cho học sinh, để các em không bị tổn thương cũng là điều chúng tôi trăn trở rất nhiều.

gian lan thi tai hoa binh anh 1
Bà Đinh Thị Hường trao đổi với PV. Ảnh: Tiền Phong.

Ngày 13/3, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã nhận được công văn 941 của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Công văn đó nói rất rõ những yêu cầu mà Sở GD&ĐT Hòa Bình phải làm như cập nhật lại điểm, xét lại tốt nghiệp, thông tin cho thí sinh, thông tin cho các trường ĐH.

Sau khi nhận được công văn, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình đã hội ý luôn để triển khai. Lãnh đạo sở giao cho phòng khảo thí trực tiếp tiến hành, còn người được giao quản lý việc này là bà Bùi Kim Tuyến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT phụ trách phòng khảo thí.

Nhưng khi bắt tay vào thực hiện, phòng khảo thí cho biết có hai khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải. Thứ nhất là nhân sự. Người được tham gia tập huấn, sử dụng phần mềm quản lý thi 2018 hiện tại không có nữa (đó là đối tượng Nguyễn Quang Vinh đã bị bắt - PV). Vì năm 2018, theo quy định thì cả sở chỉ có 1 người được đi tập huấn về nội dung này.

Thứ hai, hiện tại, sở không cập nhật được điểm lên phần mềm quản lý thi vì không vào được hệ thống.

Vì vậy, sáng 14/3, sở đã có công văn gửi Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, và chờ văn bản trả lời của cục. Khi cục trả lời, sở sẽ làm theo đúng hướng dẫn, đảm bảo đúng tiến độ mà Bộ GD&ĐT quy định.

- Sở GD&ĐT Hòa Bình đã có danh sách 64 thí sinh. Lúc này, bà có nói đến băn khoăn nhiều nhất là tránh tổn thương cho thí sinh. Quan điểm của sở như nào về việc công bố danh sách các thí sinh này?

- Công văn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng thống nhất chung trong anh em là khi có kết quả sẽ cập nhật lên phần mềm và thông tin đến cá nhân các thí sinh có liên quan và các trường ĐH, CĐ. Làm sao để thông tin đó đến đúng người cần.

Vì tuổi của các thí sinh 17, 18, đang ở tuổi tuy có những suy nghĩ chín chắn nhưng cũng có những suy nghĩ bồng bột. Việc người lớn làm, các em phải chịu đã là một tổn thất lớn cho các em. Chúng tôi muốn làm sao để tâm lý các em không bị đột ngột, không bị xáo trộn.

- Nhưng dư luận không đồng tình với quan điểm này, thưa bà. Bởi có thí sinh được nâng tới 26,45 điểm/3 môn thì không thể nói là không biết mình được nâng điểm. Nếu Sở GD&ĐT Hòa Bình có quan điểm không công bố danh sách những thí sinh này, liệu có công bằng với thí sinh khác trên cả nước?

- Quan điểm như dư luận chia sẻ không phải chúng tôi không nghĩ đến. Nhưng khi chúng tôi công bố với các trường ĐH, điều hiển nhiên là các em không đủ điều kiện để học nữa. Lúc đó sẽ xử lý theo quy chế tuyển sinh của các trường ĐH. Đây là điều chúng tôi băn khoăn. Chúng tôi cũng cố gắng hạn chế thấp nhất tổn thương đối với các em.

- Nếu xử lý nghiêm khắc sẽ là bài học cảnh tỉnh cho mùa thi tiếp theo. Quan điểm sợ làm tổn thương thí sinh có vẻ như chưa ổn, thưa bà?

- Chúng tôi chỉ muốn các em không xáo động tâm lý nhiều. Mình dùng khái niệm tổn thương chưa đúng lắm.

Nhiều bạn đọc cho rằng các em đó xứng đáng bị trừng phạt một khi gian lận thi cử. Vì nếu lương tâm các em áy náy thì các em đã tự động không nhập học, tự rời bỏ “cuộc chơi” chứ không phải ung dung ngồi đấy để chiếm chỗ những các bạn khác. Cho đến khi phát hiện ra, bị mời về mới về? Xử lý theo quy chế thì những thí sinh này chắc chắn không được học rồi.

- Thưa bà, 64 thí sinh đó chủ yếu tập trung ở địa bàn nào, trường nào trong tỉnh?

- Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra rút bài niêm phong. Danh sách gửi về thì hiện tại bản thân tôi chưa được thông báo. Danh sách này giám đốc là người nhận trực tiếp.

Lý do chưa được thông báo là ngay chiều 13/3, khi trao đổi thì nảy sinh hai khó khăn nêu trên nên chúng tôi chưa triển khai được công việc. Khi có công văn trả lời của bộ về nhân sự và mở cổng thông tin tuyển sinh chúng tôi sẽ xử lý ngay theo yêu cầu của Bộ.

- Với trường hợp gian lận từ năm 2017, Sở GD&ĐT xử lý thế nào?

- Dữ liệu thi lưu rất lâu. Việc cập nhật 2017 cũng giống như cập nhật 2018.

- Việc tìm ra thông tin những thí sinh gian lận này đã nhập học vào các trường ĐH nào có khó khăn không, thưa bà?

- Đây là vấn đề. Bên cạnh có công văn gửi Sở GD&ĐT Hòa Bình, Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các cơ sở đào tạo ĐH yêu cầu các trường chủ động liên hệ với Sở GD&ĐT Hòa Bình để cập nhật thông tin. Hai ngày qua đã có những trường ĐH liên hệ với sở. Sau vụ việc này, trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình, Sở GD&ĐT đã tổ chức kiểm điểm gì chưa, thưa bà?

Ngay sau khi sự việc xảy ra (tháng 8/2018), những người tham gia làm kỳ thi đã làm kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của mình liên quan nội dung đó. Có đồng chí nhận hình thức kỷ luật liên quan đến trách nhiệm. Giờ có kết luận điều tra thì chúng tôi sẽ họp vì có cơ sở pháp lý để làm các công việc tiếp theo.

- Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang đến gần. Sở GD&ĐT Hòa Bình có biện pháp gì để ngăn chặn tiêu cực tương tự có thể xảy ra?

- Không phải chỉ riêng Hòa Bình, Bộ GD cũng rất quan tâm tới vấn đề này. Với Dự thảo quy chế về kỳ thi năm nay, Bộ đã rút kinh nghiệm từ những gì xảy ra trong năm vừa qua. Hòa Bình thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ.

Thường thì luôn “đúng quy trình”, song trên thực tế vẫn xảy ra sai sót? Trước tiên là làm đúng quy trình đã. Quy trình có đúng đến mấy, nếu “chọn mặt gửi vàng” sai thì vẫn có tiêu cực. Bà nghĩ sao? Ở phòng khảo thí, chúng tôi đã điều chuyển một đồng chí chuyên viên của phòng trung học sang. Việc tuyển chọn nhân sự, chúng tôi cũng đang trăn trở và cuối tháng 3 chúng tôi sẽ phải họp để bàn.

- Khi có kết luận điều tra, có tới 64 thí sinh được chỉnh sửa điểm, bản thân bà và mọi người khác tại Sở có cảm thấy ngỡ ngàng không?

- Thực tế, có người nói ra, người không nói ra. Còn quan điểm cá nhân tôi thì tôi xin phép không trả lời câu hỏi này.

Nhiều sinh viên có thể bị đuổi học sau vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình Dư luận đặt câu hỏi số phận của những thí sinh được nâng điểm ở Hòa Bình sẽ đi về đâu nếu họ đã và đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng.

Sáng 14/3, phóng viên tới UBND tỉnh Hòa Bình để tìm hiểu về công tác chỉ đạo liên quan tới quá trình trả lại điểm thi thực cho 64 thí sinh gian lận, cũng như trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thi THPT năm 2018 của tỉnh này.

Sau nhiều tiếng chờ đợi, một cán bộ Văn phòng UBND thông tin: Các chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh đều đi công tác hoặc bận họp nên không thể tiếp nhà báo.

Đầu giờ chiều, trên đường về tòa soạn, chúng tôi nhận được cuộc gọi lại của ông Bùi Văn Cửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT năm 2018 tỉnh Hòa Bình. Ông Cửu nói đại ý chưa có chỉ đạo gì vì còn chờ sở GD&ĐT báo cáo.

Gian lận thi đại học: Bao nhiêu thí sinh đỗ trường công an, quân đội?

Theo kết luận điều tra của Bộ Công an về vụ việc tiêu cực thi cử tại Hòa Bình, 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm được chỉnh sửa nâng điểm.

https://www.tienphong.vn/giao-duc/gian-lan-thi-tai-hoa-binh-khong-cong-bo-vi-so-ton-thuong-thi-sinh-1388806.tpo

Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm