Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không dám về quê ăn Tết

Một năm trắng tay vì dịch bệnh, nhiều người chưa dám nghĩ đến cái Tết sum vầy khi không có quà biếu bố mẹ, lo phát sinh chi tiêu. Họ quyết định không về quê mà ở lại làm xuyên lễ.

Chưa đầy nửa tháng nữa là tới Tết Âm lịch, Phan Nhơn (29 tuổi, quê Tiền Giang), nhân viên bán hàng ở TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), vẫn chưa quyết định có về đoàn tụ với gia đình hay không. Tuy nhiên, anh nói 70% sẽ ở lại.

O lai lam xuyen Tet anh 1

Phan Nhơn băn khoăn việc về quê ăn Tết khi dịch bệnh còn phức tạp. Ảnh: NVCC.

“Gần một năm rồi tôi chưa về quê nhưng thấy các y, bác sĩ phải làm việc vất vả thì thương họ. Tôi làm nhân viên bán hàng, dịp Tết rất đông khách nên tiếp xúc nhiều người. Gia đình có người già và trẻ em, nếu về, tôi chỉ lo ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người”, anh nói với Zing.

Hàng ngày, Nhơn đều gọi video trò chuyện với mẹ. Tuy nhiên, khi được hỏi có về quê ăn Tết không, anh chưa dám trả lời chính xác.

Tương tự Phan Nhơn, nhiều người đi làm xa quê đang phân vân chuyện về hay ở lại vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Bên cạnh nỗi lo dịch bệnh, họ ngại về vì năm qua thu nhập bị ảnh hưởng, không đủ tiền mua quà, biếu gia đình. Một số quyết định làm việc xuyên Tết, đợi dịp khác sẽ về.

Làm xuyên Tết

Phan Nhơn được nghỉ từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 6 Tết. Dù ở lại thành phố hay về quê, anh cho biết sẽ hạn chế ra ngoài vì sợ dịch bệnh.

“Do công việc chứ thật lòng tôi không muốn ra đường thời gian này. Nếu về quê ăn Tết, tôi cũng không đi đâu, chủ yếu là thăm cha mẹ. Ở lại thì tôi sẽ ở nhà ngủ hoặc kiếm việc gì đó làm tạm xuyên Tết cho đỡ buồn”.

Năm 2021, thu nhập của Nhơn có thời điểm giảm 50-70% vì dịch bệnh. Tuy nhiên, anh nói bản thân may mắn vì khi vẫn có thể làm việc online trong đợt giãn cách xã hội.

“Tôi định không về nhưng cố gắng để cha mẹ và các cháu ở quê đều có quà. Năm nay, nhiều người thất nghiệp, công việc ảnh hưởng nên tôi nghĩ chuyện không có tiền mang về biếu gia đình cũng là bình thường và thông cảm được”, anh nói.

O lai lam xuyen Tet anh 2

Đức Anh ở lại làm xuyên Tết Dương lịch lẫn Tết Nguyên đán vì ngại quy định cách ly ở quê và muốn có thêm thu nhập. Ảnh: Trang Minh.

Tết Dương lịch 2022, Đức Anh (21 tuổi, quê Thanh Hóa), nhân viên quán cà phê trên phố Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ở lại làm việc hết kỳ nghỉ lễ thay vì về quê. Tết Âm lịch sắp tới, cậu cũng có dự định tương tự.

“Năm vừa rồi khó khăn quá, tôi muốn ở lại làm xuyên Tết để có thêm thu nhập. Hơn nữa, dịch bệnh vẫn đang phức tạp, nếu về quê vào khoảng 28/12 âm lịch, tôi phải cách ly tại nhà 7 ngày thì chẳng còn gì là Tết nữa. Bố mẹ ngày nào cũng hỏi nhưng qua Tết tôi sẽ về sau”, chàng trai sinh năm 2000 nói.

Nhiều tháng nay, Đức Anh dọn về sống ở cửa hàng, một mình trông nom và phục vụ đồ uống mang đi. Do vắng khách, nhiều khi, cậu chỉ biết chơi game để giết thời gian.

“Khi mới có quy định hàng quán phải ngừng bán tại chỗ, tôi cũng thấy sốt ruột, mòn mỏi chờ được mở lại. Tuy nhiên, lâu dần thì cũng đành chấp nhận chứ không biết làm sao. Vì dịch bệnh, năm qua quán phải đóng, mở liên tục, tôi không dám nghĩ đến chuyện thưởng Tết. Quán chỉ nghỉ sáng mùng 1, có lẽ tôi sẽ đi ngủ. Ngoài tôi, có 2 nhân viên khác cũng tính làm việc xuyên Tết”.

Đức Anh nói thêm: “Tôi muốn vào TP.HCM để thay đổi môi trường sống lẫn công việc. Nhưng trước mắt, phải có kinh tế mới có thể thực hiện được. Bởi vậy, tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi, hàng quán được hoạt động trở lại để kiếm thêm thu nhập chừng nào hay chừng đấy”.

Lo không có tiền biếu bố mẹ

Mọi năm, khi về quê Yên Bái ăn Tết, Phương Thảo (27 tuổi), quản lý cửa hàng thời trang trên phố Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), phải có ít nhất 10 triệu đồng.

“Trong đó, tôi biếu bố mẹ 5-6 triệu đồng, còn lại mừng tuổi ông bà và các cháu. Đồ sắm Tết cho gia đình hết khoảng 3 triệu đồng thì tôi và chị gái góp tiền mua”, cô cho hay.

Năm 2021, thu nhập giảm mạnh vì dịch bệnh, Thảo nói cô không dám mơ đến thưởng Tết. Vừa chuyển nhà trọ tốn kém một khoản, cô gái 27 tuổi càng thêm túng thiếu.

“Giờ tôi có 10 triệu đồng trong tài khoản nhưng về quê tiêu hết thì ra Giêng không biết lấy gì trang trải. Hơn nữa, không có tiền và quà Tết biếu bố mẹ tôi cũng không muốn. Đi xa cả năm mà về tay trắng thì vừa tủi thân vừa khiến bố mẹ lo lắng”, cô nói.

O lai lam xuyen Tet anh 3

Nhiều bạn trẻ chọn ở lại làm việc xuyên Tết vì không muốn về quê mà không có tiền biếu bố mẹ. Ảnh minh họa: Huệ Lâm.

Được nghỉ từ 29 tháng Chạp tới mùng 5 Tết, Thảo sẽ sang nhà chị gái ở quận Long Biên đón Tết. Mọi năm, cả nhà chị gái cô đều lái xe riêng về quê sum vầy với nhà ngoại nhưng năm nay phải ở lại.

Tình hình dịch bệnh phức tạp, về quê phải cách ly 7 ngày nên bố mẹ Thảo cũng động viên các con không hồi hương dịp này.

Nhiều người Thảo biết cũng chọn ở lại thành phố, không về quê ăn Tết Âm lịch. Họ thường chọn dịp nghỉ hè của con cái hoặc 2-3 năm mới về một lần.

“Có chị bạn tôi nói rằng một phần lý do khiến chị ngại về quê dịp Tết là số tiền để chi tiêu khá lớn, có khi dành dụm, chắt bóp cả năm dịch bệnh cũng không đủ. Tết đến xuân về ai cũng mong đoàn tụ với gia đình, nhưng kinh tế khó khăn thì chạnh lòng nhưng cũng phải chấp nhận”.

Có nên đi chúc Tết khi dịch Covid-19 còn phức tạp

Theo nhiều người trẻ, dịch Covid-19 có lẽ là cái cớ hoàn hảo để bỏ bớt thủ tục thăm hỏi lấy lệ và những câu chúc kém duyên ngày Tết.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm