Trả lời Zing.vn, chiều 8/12, thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính Tư pháp, Bộ Công an, cho biết nghi can Nguyễn Thành Dũng sẽ bị xử lý tại Việt Nam, theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
'Xử lý theo pháp luật Việt Nam'
Liên quan tới vụ một thanh niên Việt Nam tham gia bạo hành một em bé 2 tuổi tại đồn điền ca cao ở Campuchia, thiếu tướng Quân nhấn mạnh:
“Đó là nguyên tắc của mỗi quốc gia, mình có quyền tài phán của mình. Từ trước đến nay, chưa có trường hợp công dân Việt Nam nào bị dẫn độ sang một nước khác xử lý. Trường hợp của Dũng, nếu xác lập hành vi phạm tội, có đầy đủ chứng cứ, người này sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam”.
Ngoài ra, ông cho hay trong khi điều tra, xử lý vụ án, phía cơ quan tố tụng Việt Nam sẽ trao đổi thông tin, phối hợp với Campuchia để hỗ trợ nhau về mặt chứng cứ, thông tin bị hại…
Nguyễn Thành Dũng tại cơ quan điều tra. Ảnh: CA. |
Quá trình này sẽ phải đảm bảo đúng các quy định pháp luật của mỗi nước, đúng các hiệp định, nội dung đã ký kết song phương hay đa phương với nhau và quan trọng là đúng bản chất vụ án, đúng người, đúng tội.
Chiều cùng ngày, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an, đã ký lệnh bắt khẩn cấp nghi can Dũng về hành vi Hành hạ trẻ em theo điều 110 Bộ luật hình sự; đồng thời, khám xét khẩn cấp nơi ở của anh ta tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh).
Theo tờ Kohsantepheap Daily, dư luận Campuchia đang rất quan tâm tới sự việc và mong muốn Việt Nam sẽ đưa Nguyễn Thành Dũng sang Phnom Penh để điều tra.
"Đây là vụ việc kinh khủng, tàn ác, xảy ra ngay trên đất nước Campuchia. Mong rằng chính phủ sẽ sử dụng Luật hình sự quốc tế để dẫn độ Nguyễn Thành Dũng về nước xử lý", bài báo trên tờ Kohsantepheap Daily viết.
Em bé 2 tuổi bị bạo hành đang được chăm sóc
Tối 7/12, Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi, quê TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) nghi phạm chính đã bị bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, người này thừa nhận hành vi hành hạ bé trai 2 tuổi và quay clip sau khi sử dụng ma túy đá.
Khi được hỏi: "Thời điểm ghi hình trong các đoạn clip hành hạ trẻ em là vào ngày 22/8 đúng không? Đánh bé ở đồn điền cacao đúng không? Bố mẹ của những cháu bé ở đâu, có sống ở đồn điền không?". Dũng đều lắc đầu nói: "Không biết, không nhớ".
Dũng cho biết khi xem lại những clip thì thấy nhức đầu: “Em không nhớ là mình đã hành động dã man như vậy cho đến khi em nhìn thấy các clip trong điện thoại của mình".
Dũng cũng cho biết anh ta là cha nuôi của Sor Sao, 3 tuổi, đứa bé bị chính Dũng hành hạ. Cha mẹ của nạn nhân làm thuê tại đồn điền, thường xuyên giao bé cho Dũng trông khi họ đi làm.
Nhiều đoạn clip có nội dung bạo hành trẻ em tại Campuchia trong điện thoại của Dũng. Ảnh: CA. |
Chia sẻ với Zing.vn, ông James McCabe, Giám đốc Child Protection Unit., tổ chức bảo vệ trẻ em tại Campuchia, thông tin Sor Sao đã được khám tổng quát tại bệnh viện chuyên khoa Sen Monorom, Mondulkiri, và hiện trong tình trạng ổn định.
Tổ chức này cũng đang lên kế hoạch chăm sóc cho bé trong thời gian dài, thậm chí có thể nhận nuôi trong tương lai.
Cùng ngày hôm nay, The Cambodia Daily cho biết tại Campuchia, Nguyễn Thành Dũng bị truy nã vì cáo buộc liên quan tới hành vi bạo lực và xâm phạm trẻ em.
Stefan Struik, người chủ đồn điền có quốc tịch Hà Lan, cũng sẽ bị xử lý vì đồng phạm khi chứng kiến cảnh cậu bé bị Dũng tấn công nhưng không báo cảnh sát. Các video Dũng đưa lên Internet cũng quay bằng điện thoại của ông ta.
Không những thế, Hang Chansothy, Phó cảnh sát trưởng tỉnh Mondulkiri, cho biết chính Stefan Struik đã đưa Dũng đến bến xe buýt để trốn về Việt Nam.
Trước đó vài ngày, mạng xã hội xuất hiện 2 clip ghi cảnh một thanh niên nói tiếng Việt liên tục hành hạ bé trai không mặc quần áo. Ngoài việc đánh đập, xối nước lên đầu, người này còn dùng cây nhét vào miệng, hậu môn và xô nạn nhân ngã nhào xuống đất.
Đến khi bé được mặc áo, kẻ hành hạ trói 2 tay nạn nhân ra sau rồi dùng kềm kẹp vào chân, mặt. Nạn nhận chỉ biết la khóc mỗi khi bị kẻ biến thái hành hạ.
4 người liên quan đến vụ việc, trong đó có Nguyễn Thành Dũng - người Việt Nam, đã bị tạm giữ.
Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự ngày 29/11/2004.
Bao gồm: thu thập chứng cứ hoặc lấy tờ khai tự nguyện từ những người có liên quan; bố trí để những người có liên quan cung cấp chứng cứ hoặc trợ giúp trong các vấn đề hình sự; thực hiện việc tống đạt giấy tờ, tài liệu tư pháp; tiến hành khám xét, thu giữ; xác định hoặc truy tìm tài sản do phạm tội mà có và phương tiện phạm tội…
Trong đó không áp dụng đối với việc bắt hoặc giam giữ một người nhằm mục đích dẫn độ người đó.