Những học sinh (HS) cư trú tại vùng cam, vùng đỏ vì vậy không bị mất bài khi nhà trường vẫn tổ chức dạy - học trực tiếp.
Phòng học theo mô hình lớp học "hai trong một" tại trường THCS Lý Thường Kiệt. Ảnh: Giáo Dục & Thời Đại. |
Chuyển màu - chuyển hình thức học tập
Phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nâng cấp độ dịch lên mức 4, vì vậy, dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, Lê Đăng Quốc (HS lớp 11/5, trường THPT Hoàng Hoa Thám) phải ở nhà học trực tuyến. Quốc học theo thời khóa biểu cùng các bạn đang học trực tiếp ở trường.
“Chỉ có một camera quay về phía bục giảng nên tuy không nhìn thấy được các bạn trong lớp học, em vẫn được nghe thầy, cô giáo giảng bài, trình bày bảng và các bạn phát biểu”, Quốc cho biết.
Thầy cô giáo đều có slide bài giảng nên nếu chất lượng đường truyền không đảm bảo, HS tham gia học trực tuyến có thể vừa nghe bài giảng vừa tham khảo thêm từ các slide.
Kể từ khi HS lớp 12 quay trở lại học trực tiếp, trường THPT Hoàng Hoa Thám đã lắp thêm camera tại các phòng. Trường cũng đồng thời lắp đặt mạng song song của cả Viettel và VNPT để tăng chất lượng đường truyền. HS đều có tài khoản học trực tuyến trên hệ thống Microsoft Teams nên việc học không xáo trộn nhiều.
Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Do số HS và giáo viên của trường sinh sống tại các khu vực vùng cam và đỏ khá nhiều, hình thức lớp học 'hai trong một' giúp nhà trường chủ động hơn trong kế hoạch dạy - học. Giáo viên nếu không thể đến trường dạy trực tiếp, HS không bị trống tiết hoặc phải phân công người dạy bù”.
Hiện, trường THPT Hoàng Hoa Thám có khoảng 500 HS thuộc vùng có mức độ dịch ở mức 3 và 4; 6 HS là F0. Tiết dạy của 20 GV thuộc vùng cam, đỏ hoặc diện F1, F2, HS học trực tuyến ngay tại lớp học trực tiếp. HS vẫn tương tác với GV như một tiết học trực tiếp qua thiết bị được kết nối với màn hình đặt cạnh bảng ghi bài giảng của GV.
Tùy theo thiết bị màn hình đã có từ trước đó ở mỗi phòng học, trường THCS Cao Thắng (quận Sơn Trà) đã lắp đặt thêm camera hoặc webcame có độ phân giải cao để triển khai mô hình lớp học "hai trong một".
Để đảm bảo chất lượng đường truyền, nhà trường đã kéo mạng cố định đến từng lớp học. Ngoài camera quay về phía bảng, mỗi phòng học đều có thêm camera quay về phía lớp học để GV hoặc HS khi dạy - học trực tuyến đều có thể nhìn thấy rõ quang cảnh lớp học.
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Khi số lượng HS ở vùng cam và đỏ tăng lên, nhà trường triển khai hình thức lớp học 'hai trong một'. Hiệu quả thế nào cần phải có thêm thời gian nữa mới khẳng định được nhưng qua khảo sát bước đầu thấy HS có vẻ hào hứng hơn so với học trực tuyến đơn thuần”.
Ông Võ Trung Minh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Sơn Trà - nói: “Mô hình lớp học 'hai trong một' nhằm tạo điều kiện cho HS vì nhiều lý do chưa thể đến trường vẫn có thể giao lưu, tương tác với thầy cô và các bạn trên lớp. HS dù học trực tuyến nhưng vẫn được duy trì cảm giác như đang học trong lớp”.
Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường tiểu học và THCS sử dụng nguồn kinh phí trong năm 2021 để chủ động lắp đặt thiết bị phục vụ việc dạy học theo mô hình song song. Có trường chỉ lắp đặt ở mức tối thiểu, có trường thì đầu tư để triển khai cho nhiều lớp. Sau thời gian thử nghiệm, các trường đánh giá hiệu quả, báo cáo về phòng GD&ĐT. Trên cơ sở đó, phòng tham mưu cho UBND quận Sơn Trà triển khai đại trà nhân rộng nếu có hiệu quả.
HS trường THPT Hoàng Hoa Thám học trực tuyến với GV tại phòng học trực tiếp ở trường. Ảnh: Giáo Dục & Thời Đại. |
Linh hoạt phân chia lớp học tạm
Thay vì gửi bài cho HS tự học khi chưa thể đến trường học trực tiếp vì nhiều nguyên nhân, một số trường chủ động sắp xếp lại cách tổ chức dạy - học để các em không bị mất bài. Do số HS ở vùng cam và đỏ của trường không nhiều, trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu) chỉ bố trí mỗi khối lớp một phòng học theo hình thức vừa kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
Cô Nguyễn Thị Minh - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin: “Do đường truyền và điều kiện cơ sở vật chất, ở những phòng học theo mô hình lớp học 'hai trong một', nhà trường chỉ bố trí 1 camera quay hướng về phía bục giảng”.
Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) cũng tổ chức mỗi khối lớp một phòng học kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp. Theo cô Lê Thị Hồng Chinh, Hiệu trưởng nhà trường, mỗi khối lớp có từ 15-20 em chưa đến trường học trực tiếp, lại nằm rải rác ở các lớp. Nhà trường đã bố trí cho những HS này học chung một thời khóa biểu để các em cùng học trực tuyến theo lớp học trực tiếp đang diễn ra tại trường. Mỗi tiết học đều có bài giảng điện tử trên kho học liệu của trường nên HS có thể vào hệ thống tải về để học lại.
Thầy Nguyễn Thái Phong - Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) - nhận xét: “Để không phải dạy lại số HS không đến trường, giải pháp dạy học offline song song với dạy học online bằng cách livestream lớp học tại trường là một cách hay nhưng không phải dễ. Về mặt kỹ thuật, đòi hỏi phải có đường truyền Internet ổn định, máy tính, phần mềm dạy học trực tuyến như Zoom, Meet, Teams… như khi dạy học online thông thường. Ngoài ra, phải có ít nhất một camera có độ phân giải cao, micro độ nhạy cao”.