Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không ghi nhận ca mới là tín hiệu vui, dù chưa có giá trị dịch tễ'

Đó là đánh giá của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung.

Từ ngày 6/3, Việt Nam có thêm 224 trường hợp mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca lên con số 240. Các chuyên gia đánh giá dịch đã chuyển từ giai đoạn một sang giai đoạn hai và ba.

Tuy nhiên, từ ngày 4/4, số ca mắc mới bắt đầu giảm dần, từ 10 ca của ngày hôm trước xuống 3 ca. Đến sáng 5/4, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19.

Khong ghi nhan ca mac moi la tin hieu vui anh 1

“Chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 chưa có giá trị dịch tễ để đánh giá dịch đã lui. Phải ít nhất trong 2 tuần mới có thể nói dịch đã lui hay chưa. Tuy nhiên, đây là một tín hiệu vui", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Ông cho rằng Covid-19 là đại dịch lây lan với mức độ nhanh chóng. Trong vòng 3 tháng, gần như hầu hết quốc gia trên thế giới có ca bệnh (tất nhiên phải tính đến sự phát triển mạnh của hàng không quốc tế).

Ở Việt Nam, đây là đại dịch nguy hiểm nhất kể từ năm 1945 và cũng là lần đầu tiên thế giới và Việt Nam thực hiện đồng loạt biện pháp giãn cách xã hội.

Khong ghi nhan ca mac moi la tin hieu vui anh 2

Việt Nam liên tục điều trị khỏi bệnh cho nhiều người mắc Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Giữ vững thế chủ động chống dịch

Theo PGS Nga, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để để ngăn chặn dịch. Cơ hội trong những ngày này là hạn chế lây lan đến mức thấp nhất, khoanh vùng kịp thời các ổ dịch Covid-19 để nó không bùng phát mạnh trong cộng đồng.

“Nếu thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta giữ vững được thế chủ động chống dịch. Nếu không kịp thời không chế, dịch có thể bùng phát mạnh trong cộng đồng, dẫn tới nhiều người nhập viện do tình trạng nặng, đặc biệt người cao tuổi và có bệnh nền”, PGS Nga phân tích.

Nếu trong 2-4 tuần, Việt Nam làm tốt việc giãn cách xã hội, sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Các gia đình, cá nhân tùy theo điều kiện và hoàn cảnh, nên lập kế hoạch sử dụng hợp lý và khoa học thời gian biểu của mình trong giai đoạn này

PGS.TS Nguyễn Huy Nga

Việc tuân thủ cách ly xã hội của người dân được xem là có ảnh hưởng trực tiếp việc thành bại khống chế dịch.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích do SARS-CoV-2 lây chủ yếu qua tiếp xúc gần, cách ly xã hội là biện pháp quyết liệt và hiệu quả nhất để cắt đứt con đường lây lan của virus.

“Nếu trong 2-4 tuần, Việt Nam làm tốt việc giãn cách xã hội, sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Các gia đình, cá nhân tùy theo điều kiện và hoàn cảnh, nên lập kế hoạch sử dụng hợp lý và khoa học thời gian biểu của mình trong giai đoạn này”, PGS Nga khuyến nghị.

Ông nhận định nếu qua 15 ngày cách ly vẫn có các ca bệnh mới, chúng ta tiếp tục bao vây, dập tắt ổ dịch và có khả năng phải thực hiện giãn cách xã hội.

“Nếu không có ca bệnh mới, về cơ bản, ta đã khống chế được dịch trên lãnh thổ Việt Nam và có thể xem xét việc ngừng giãn cách xã hội. Khi đó, chúng ta tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới để khóa chặt các ca bệnh từ ngoài vào, cố gắng duy trì cho đến khi dịch bệnh trên thế giới thoái lui”, PGS Nga cho biết.

Khong ghi nhan ca mac moi la tin hieu vui anh 3

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: T.D.

Khả năng bào mòn đỉnh dịch

PGS Nga cho biết đỉnh dịch là thời điểm (có thể ngày hoặc tuần) mà dịch phát triển mạnh nhiều ca mắc, nhiều người nhập viện, sau đó giảm dần.

“Việt Nam nếu ngăn chặn được lây lan cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch. Thời gian kết thúc đại dịch cũng phụ thuộc lớn biến động đi lại của quốc tế”, PGS Nga nhận định.

Chuyên gia này cũng thông tin các đại dịch có sự phát sinh, lên đỉnh và thoái lui. Những dịch cúm trước đây thường kéo dài 1-2 năm. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ học quốc tế, đại dịch Covid-19 có thể rầm rộ vài tháng nữa rồi kéo dài đến hết năm nay và đuôi dịch có thể sang năm 2021.

“Chúng ta chưa biết được miễn dịch của bệnh sẽ như thế nào. Bệnh có thể hình thành miễn dịch, thành cúm thường như đại dịch cúm 2009 hoặc biến mất hẳn như dịch SARS 2003. Nếu trong trường hợp bệnh Covid-19 trở thành tương tự cúm mùa, những vụ dịch lần sau sẽ không còn quy mô lớn và trầm trọng như bây giờ”, ông Nga nói.

Ngoài ra, nếu virus gây bệnh Covid-19 tạo ra miễn dịch ổn định, chúng ta có thể sản xuất vắc xin để tiêm phòng đại trà.

Bộ Y tế hướng dẫn cách vệ sinh, khử khuẩn tại nhà Để phòng dịch Covid-19, các gia đình cần thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn nhà cửa mỗi ngày, đặc biệt là những bề mặt thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang...

Theo Bộ Y tế, đến sáng 5/4, cả nước ghi nhận 240 trường hợp mắc Covid-19 (149 ca từ nước ngoài, chiếm 62,1%, 91 người lây nhiễm thứ phát, trong đó 61 người thuộc ổ dịch nội địa).

Đến nay, 90 người đã bình phục. 21 người có kết quả âm tính lần một, 18 người âm tính lần hai.

4 bệnh nhân nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có tiến triển. Ngày 4/4, bệnh nhân thứ 20 đã kết thúc ECMO (thiết bị thay thế chức năng tim và phổi). Đây là bác ruột của bệnh nhân số 17 ở Hà Nội.

3 bệnh nhân khác đã ngưng thở máy từ mấy ngày qua. Kết quả xét nghiệm đều âm tính.

Bệnh nhân 161 (88 tuổi, từng điều trị tại khoa Thần Kinh, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) là ca duy nhất ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn thở máy. Hiện tại, người này không sốt, tình trạng lâm sàng tạm ổn định, không có suy tạng khác.

Ngoài ra, tổng số mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm bằng PCR ở Hà Nội là 8.886, chưa có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Chưa ghi nhận ca mắc mới, bệnh nhân Covid-19 nặng tiến triển tốt

Sáng 5/4, Bộ Y tế cho biết 4 bệnh nhân Covid-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, sức khỏe có tiến triển.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm