Trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), dự kiến, sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới đây.
Không tử hình người già
Ông Hiện cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp “tán thành quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân”.
Có nghĩa là với những người bị kết án tử hình đã được ân giảm xuống án chung thân thì sẽ không được tiếp tục xem xét giảm án thêm nữa (quy định hiện hành cho phép tiếp tục giảm án).
“Quy định này bảo đảm sự nghiêm minh, công bằng trong xử lý đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng lẽ ra đã bị loại trừ khỏi đời sống xã hội, việc giữ mạng sống cho người bị kết án đã thể hiện sự nhân đạo của pháp luật.
Quy định này vừa làm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt vừa bảo đảm được việc hạn chế thi hành án tử hình trên thực tế” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích.
Về tranh luận có hay không áp dụng hình phạt tử hình đối với người cao tuổi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết theo thông lệ được đa số các quốc gia trên thế giới áp dụng, thì người ta không áp dụng hình phạt tử hình với người già, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ, trẻ em.
“Với người già thì có nước áp dụng với người 65 tuổi trở lên, có nước quy định cao hơn mức này, qua lấy ý kiến nhân dân thì đa số đồng tình là nên quy định không áp dụng tử hình với người từ 75 tuổi trở lên”, ông Cường nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị không giảm án dưới mức tù chung thân đối với những người bị kết án tử hình. |
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng ở tuổi 75 có phạm tội thì cũng đã già yếu rồi, việc không áp dụng án tử hình đối với trường hợp này là thể hiện tinh thần nhân đạo.
Không chuyển phạt tiền thành phạt tù
Về việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định này.
Theo ông Hiện, quy định chuyển hình phạt nhẹ (phạt tiền, cải tạo không giam giữ) sang hình phạt nặng hơn (phạt tù) là không phù hợp với nguyên tắc hình phạt phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Quy định này cũng tạo ra sự bất hợp lý là trong khi người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo chỉ bị buộc phải chấp hành hình phạt tù khi phạm tội mới trong thời gian thử thách, còn người bị kết án phạt tiền lại chuyển sang phạt tù chỉ vì không chấp hành án trong thời gian quy định.
“Hơn nữa, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cũng như tỉ lệ chuyển đổi rất phức tạp, khó xác định. Do vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định chuyển hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù” - ông Hiện bày tỏ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lại cho rằng cơ chế chuyển phạt tiền thành phạt tù là cần thiết, nhằm đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, nhiều nước trên thế giới cũng quy định như vậy.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đây là vấn đề đã trao đổi rất nhiều, đa số đại biểu Quốc hội không tán thành, bởi đã phạt tiền rồi mà người ta không thực hiện lại chuyển thành tù có nghĩa là không giảm được số lượng các tội có hình phạt tù như tinh thần cải cách tư pháp.
Hơn nữa, pháp luật đã có quy định về tội không chấp hành án, người phạm tội này có thể bị phạt tù.
Còn nhiều tranh luận khi sửa đổi Bộ luật hình sự
Bộ luật hình sự (sửa đổi) có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung mới, phức tạp, đến nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau và các nội dung quy định tại bộ luật này có liên quan đến rất nhiều các đạo luật khác.
Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan tham mưu, cơ quan thẩm tra tiếp tục chuẩn bị thật kỹ, nếu cần thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một phiên nữa trước khi trình Quốc hội.