Theo AP, những ngày qua, không khí tại thành phố Bangkok luôn trong tình trạng báo động về ô nhiễm. Tình trạng sương mù dày đặc, trời lặng gió kết hợp với bụi xây dựng, khí thải tự động và các tác nhân gây ô nhiễm khác có thể gây hại đến sức khỏe của con người.
Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan cho biết mật độ bụi PM 2.5 vượt mức cho phép có thể gây nguy hiểm và làm nghẽn phổi. Khoảng 1/2 lượng bụi này xuất phát từ khí thải động cơ diesel.
Khắp nơi, người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường. Thành phố thực hiện một số biện pháp tạm thời như phun nước để làm sạch không khí hay siết chặt kiểm soát xe tải lưu thông trên đường phố để hạn chế bụi.
Những ngày gần đây, người dân Bangkok khi ra ngoài đường đều phải đeo khẩu trang. Ảnh: AP. |
Trước tình hình này, nhiều du khách tỏ vẻ quan ngại khi đến Bangkok du lịch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc công ty du lịch Transviet, du khách không nên quá lo lắng bởi tình trạng ô nhiễm báo động chỉ xảy ra tại một số điểm trong thành phố và theo mùa.
"Đối với các điểm tham quan ngoài trời, một số nơi du khách yêu thích như Wat Pho và Wat Arun bên bờ sông Chao Praya hay Safari cách trung tâm thành phố khoảng 40 km thường nằm ở các khu vực thoáng và ít ô nhiễm. Trong khi đó, nếu đi mua sắm, các trung tâm thương mại đều có máy lọc không khí. Do đó, chuyến đi của bạn sẽ không gặp quá nhiều vấn đề", ông nói.
Song, các doanh nghiệp lữ hành vẫn cảnh báo du khách chọn tour Thái Lan trước khi khởi hành.
"Để đảm bảo an toàn, du khách nên mang theo khẩu trang, đặc biệt đối với người già, trẻ nhỏ hoặc những người có tiền sử bệnh về hô hấp. Hiện tại, khẩu trang ở Thái Lan tương đối khan hiếm. Do đó, chúng tôi khuyến cáo khách chuẩn bị sẵn từ ở nhà", bà Phi Thị Thu Khuyên, Phó phòng Tiếp thị và Truyền thông Công ty du lịch Vietrantour, thông tin.
Thành phố Bangkok đang sử dụng các biện pháp tạm thời nhằm giảm mức độ bụi PM 2.5. Ảnh: AP. |
Thái Lan sẽ sử dụng những biện pháp khắc phục lâu dài
Trong cuộc họp giữa giữa quân đội, cảnh sát và các quan chức khác về kiểm soát ô nhiễm, Tướng Cảnh sát Thái Lan Aswin Kwanmuang thừa nhận những biện pháp đang thực hiện trong thành phố chỉ mang tính tạm thời.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải thực hiện trong khi chuẩn bị các biện pháp dài hạn", ông nói.
Hiện tại, thành phố đã phát 10.000 mặt nạ và dùng máy phun nước cũng như siết chặt kiểm soát xe tải lớn lưu thông trên đường phố để hạn chế bụi.
Cục Hàng không Nông nghiệp và Tạo mưa Hoàng gia Thái Lan cho biết cơ quan này đang chuẩn bị triển khai 2 máy bay để gieo hạt tạo mưa trên mây vào giữa ngày 15/1 và 18/1, nếu điều kiện phù hợp.
Mật độ bụi PM 2.5 trong không khí lớn có thể đe dọa sức khỏe của người dân. Ảnh: AP. |
Về biện pháp dài hạn, Pralong Dumrongthai, người đứng đầu Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan chia sẻ Thái Lan sẽ chuyển sang sử dụng xe điện và xăng chất lượng tốt hơn.
Vấn đề ô nhiễm không khí tại Bangkok suy yếu theo mùa và cũng là vấn đề của nhiều thành phố khác thuộc châu Á. Ngoài bụi xây dựng và khí thải công nghiệp, việc đốt các cánh đồng sau khi thu hoạch có thể gây ra khói bụi nghiêm trọng vào những thời điểm nhất định trong năm.
Tại Hàn Quốc, mức độ bụi PM 2.5 cao bất thường khiến các nhà chức trách phải thúc đẩy các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm các nguy cơ đối với sức khỏe của người dân. Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Hàn Quốc cho hay loại bụi siêu nhỏ chiếm 120 microgam/m3 tại Seoul vào cuối chiều hôm 14/2 là kết quả tồi tệ nhất từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi bụi PM 2.5 từ năm 2015.
Trong những năm qua, Hàn Quốc phải chịu những đợt gió mang theo bụi phù sa và ô nhiễm đến từ phía bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, khí thải ôtô cũng là một vấn đề.