Zing trích chia sẻ của Marisa Jo Mayes (Mỹ), người sáng tạo nội dung, nhà khởi nghiệp, trên Insider. Thời gian qua, cô gây chú ý khi thực hiện điều mà cô gọi là "ngày thứ 2 tối thiểu" tại nơi làm việc.
Năm 2020, khi còn làm việc trong lĩnh vực bán thiết bị y tế, tôi luôn cảm thấy đau khổ và kiệt sức. Nghĩ rằng vấn đề đến từ cấp trên hoặc văn hóa làm việc ở các công ty Mỹ, tôi xin nghỉ và bắt đầu thử tự kinh doanh.
Tuy nhiên, tôi nhận ra vấn đề còn lớn hơn thế. Tôi gặp vấn đề với "văn hóa hối hả", vấn đề về chủ nghĩa hoàn hảo. Tôi vẫn tiếp cận công việc theo cách giống như ở công ty cũ. Nó giống như một vòng tròn căng thẳng và kiệt sức. Tôi cảm thấy tồi tệ vì đã kiệt sức đến mức không thể làm được gì.
Vì vậy, tôi lập một danh sách dài việc cần làm cho các ngày thứ 2 với hy vọng đạt được thành quả vượt trội trở lại, để bản thân cảm thấy khá hơn về những gì đã làm được.
Tuy nhiên hàng tuần, "hội chứng nỗi sợ ngày chủ nhật" sẽ tấn công tôi và mỗi thứ 2, tôi sẽ ngủ nướng cho đến giây cuối cùng bởi tôi biết có danh sách dài việc đang đợi mình. Áp lực tự đặt lên bản thân khiến tôi thấy sợ, và tôi nhận ra rằng phải thay đổi điều gì đó.
Một ngày tháng 3/2022, tôi tự cho phép mình làm việc ở mức tối thiểu và giống như có phép màu nào đó đã xảy đến. Tôi cảm thấy khá hơn, không bị choáng ngợp và tôi thực sự đã làm được nhiều việc hơn bản thân mong đợi. Kể từ đó, tôi luôn làm việc ở mức tối thiểu vào thứ 2.
Không dành cho tất cả
Việc quản lý kỳ vọng của bản thân thực sự quan trọng. Tôi đã học cách loại bỏ những nhiệm vụ "muốn làm", chỉ nhắm mục tiêu 2-3 điều quan trọng và tôi rất vui khi hoàn thành chúng.
Vào "ngày thứ 2 tối thiểu", tôi không tham gia các cuộc họp và làm mọi thứ chậm rãi trong 2 giờ đầu tiên. Tôi sẽ đọc sách, báo, có thể làm vài thứ gì đó quanh nhà. Đó là 2 tiếng không sử dụng công nghệ, không kiểm tra email, chỉ làm bất cứ điều gì cần để bắt đầu ngày mới một cách thoải mái.
Đến khoảng 10h, tôi để bản thân làm bất cứ điều gì mình muốn một cách sáng tạo. Đó có thể là làm nội dung, quay hình ảnh cho thương hiệu của tôi, liên quan đến công việc nhưng là công việc sáng tạo tôi yêu thích. Tôi sẽ làm việc đó trong 1 tiếng trước khi nghỉ trưa hoặc đi dạo.
Sau đó, tôi sẽ làm công việc chính của mình trong 2 tiếng. Tôi không đa nhiệm, không bị phân tâm, không sử dụng điện thoại. Nếu sau đó vẫn chưa xong, tôi sẽ làm thêm 1 tiếng nữa nhưng thường thì không hơn thế. Ngày thứ 2 làm việc của tôi ngắn hơn nhưng vì đó là công việc thực sự tập trung nên tôi hoàn thành trong thời gian tương đương ngày làm 8 tiếng lúc trước.
Theo Mayes, phương pháp của cô không phù hợp với tất cả song là một trong những cách hữu hiệu để giảm bớt sự quá tải. Ảnh minh họa: Pexels. |
Những nhận xét tôi nhận được về thứ 2 tối thiểu nếu không là "Tôi ước được như bạn" thì sẽ là "Đúng là thế hệ Millennial không biết giá trị của sự chăm chỉ". Nếu là khi còn làm việc trước đây, tôi cũng sẽ khinh bỉ, nhưng sau khi trải qua sự kiệt sức, tôi đã hiểu ra.
Tôi cũng hiểu là "thứ 2 tối thiểu" không thực tế với tất cả. Tôi tự kinh doanh, làm việc tại nhà, chưa có con. Nhưng đối với bất kỳ ai quan tâm đến việc thử nó, hãy chú ý đến những điểm bạn đang gây áp lực không cần thiết cho bản thân hoặc đặt ra những kỳ vọng không thực tế. Nếu biết bản thân sẽ không có thời gian cho việc gì đó, đừng đưa nó vào danh sách.
Ngoài ra, đây không phải một cách "hack" năng suất. Tôi làm được nhiều việc hơn khi giảm bớt áp lực, nhưng tôi chưa bao giờ coi đó là một cách để làm được nhiều việc hơn.
Đây thực sự là một cách để bắt đầu tuần mới, ưu tiên bản thân với tư cách là một con người hơn là tư cách một nhân viên. Nó đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi, không phải vì năng suất mà vì lòng tự trắc ẩn đó.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.