Việc con bị bắt nạt ở trường là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của những người làm cha mẹ. Các phụ huynh rất muốn bảo vệ con mình nhưng nếu họ hành động hấp tấp, nóng nảy có thể khiến sự việc trở nên phức tạp hơn.
Vậy cha mẹ có thể làm gì khi con mình là nạn nhân của bạo lực học đường?
Cha mẹ cần kịp thời nhận ra những dấu hiệu lạ ở con. Ảnh: Pexels. |
Cha mẹ cần bảo vệ con đúng cách
Mayo Clinic liệt kê một số kiểu bắt nạt phổ biến mà học sinh có thể gặp phải. Trong đó, bắt nạt thể chất bao gồm đánh đập hoặc các hành vi xâm phạm thân thể khác. Bắt nạt bằng ngôn từ gồm trêu chọc, chế nhạo, nói xấu, tung tin đồn. Bắt nạt trên mạng là sự xúc phạm qua điện thoại di động hoặc trên Internet.
Học sinh có thể là nạn nhân của một hoặc nhiều hình thức bắt nạt kết hợp. Bắt nạt học đường là mối đe dọa nghiêm trọng nhất với sức khỏe tinh thần của trẻ em, thanh thiếu niên.
Các nghiên cứu cho thấy việc bị bắt nạt ở trường tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tuổi trưởng thành, thậm chí là nỗi ám ảnh suốt đời.
Cách giáo dục con cái của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con khỏi nguy cơ bị bắt nạt. Nếu con cái thường xuyên nói chuyện với bố mẹ về những rắc rối của mình, đây là dấu hiệu tốt. Trẻ thường không dám nói với ai về việc bị bắt nạt, có thể vì các em cảm thấy xấu hổ hoặc lo lắng về cách cha mẹ phản ứng.
Điều quan trọng, khi con cái mở lòng chia sẻ về vấn đề của chúng, phụ huynh cần kiên nhẫn lắng nghe. Việc cha mẹ trở nên xúc động hoặc phản ứng thái quá sẽ không khuyến khích trẻ tâm sự thêm.
Lauren Hyman Kaplan, chuyên gia về giáo dục và phòng chống bắt nạt, cho biết: “Thông thường, mẹ sẽ tức giận hoặc thất vọng, nhưng con không cần sự phản ứng thái quá. Con cần sự lắng nghe, trấn an và hỗ trợ. Trẻ cần thấy mẹ là người ổn định, mạnh mẽ và có thể giúp đỡ mình trong mọi tình huống”.
Cha mẹ cũng nên quan tâm con thường xuyên để nhận ra những dấu hiệu bất thường ở trẻ. Trang Education liệt kê một số dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị bắt nạt như những vật dụng cá nhân của trẻ bị mất hoặc hư hỏng; thường chán nản mỗi khi đi học về, không muốn đến trường; trẻ đi đường khác từ trường về nhà; tâm trạng trẻ trở nên thất thường, nhạy cảm hơn; trẻ thay đổi thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, bị đau ở một số vị trí trên cơ thể; thành tích học tập giảm sút.
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, cha mẹ cần tìm hiểu xem con đang gặp vấn đề gì. Nếu con là nạn nhân của bắt nạt học đường, trước tiên, cha mẹ cần liên hệ với nhà trường. Điều quan trọng, trước khi đến trường, phụ huynh phải lên kế hoạch cẩn thận những gì họ muốn nói.
Trường học có thể coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Phụ huynh phải thật bình tĩnh, giải thích chính xác những gì đã xảy ra, con họ bị ảnh hưởng như thế nào. Họ có thể yêu cầu nhà trường giải quyết và tiếp tục theo dõi tình hình.
Việc tiếp cận cha mẹ của học sinh khác khi con bị bắt nạt là hành động mạo hiểm, nhất là khi họ chưa có mối quan hệ tốt với đối phương. Khi đó, việc gặp trực tiếp có thể không cải thiện tình hình mà còn có nguy cơ dẫn đến xung đột giữa các phụ huynh, dẫn đến nguy cơ quan hệ giữa các con xấu đi, khiến trường khó giải quyết vấn đề hơn.
Tuy nhiên, một số trường hợp dù cha mẹ đã nỗ lực hợp tác với nhà trường, tình trạng bắt nạt vẫn tiếp diễn. Khi ấy, phụ huynh có thể xem xét lựa chọn khác như gặp cơ quan quản lý giáo dục cấp cao hơn, trình báo các cơ quan chức năng nếu đó là hành vi bắt nạt nghiêm trọng. Phụ huynh cũng có thể cân nhắc chuyển trường cho con nhưng cần bàn bạc với con trước khi đưa ra quyết định.
Hãy khuyến khích sự tự tin của con từ khi còn nhỏ. Ảnh: Unsplash. |
Ngăn chặn nguy cơ con bị bắt nạt ở trường
Cha mẹ cần chủ động trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để đối phó nếu chẳng may chúng bị bắt nạt. Họ nên xây dựng sự độc lập, tự tin cho con từ nhỏ.
Trẻ càng biết yêu bản thân, việc bị bắt nạt càng ít ảnh hưởng đến lòng tự trọng của chúng. Cha mẹ cũng cần khuyến khích, động viên, củng cố sự tự tin của con vào mặt tích cực của bản thân. Điều đó giúp trẻ đối phó với những lời trêu chọc, tấn công ác ý bằng lời nói.
Theo tiến sĩ giáo dục Michele Borba, khi con còn nhỏ, cha mẹ nên dạy con nhìn thẳng vào mắt người khác khi nói chuyện. Đây là ngôn ngữ cơ thể để trẻ rèn luyện tư thế tự tin ngẩng cao đầu.
Ngoài ra, họ cần dạy con tỏ ra thật can đảm, mạnh mẽ, cứng rắn khi đối diện với kẻ bắt nạt, bởi việc sợ hãi hay khóc lóc chỉ khuyến khích chúng được đà lấn tới.
“Trông bạn như thế nào khi gặp kẻ bắt nạt quan trọng hơn những gì bạn nói", TS Borba nhận định.
Ngoài ra, cha mẹ cần nhắc nhở con nếu con bị bắt nạt, đó không phải lỗi của con, con không đơn độc và luôn có cha mẹ, thầy cô ở bên giúp đỡ. Họ cũng cần động viên trẻ nói ra vấn đề chúng gặp phải. Cha mẹ không nên cho rằng việc bị bắt nạt là điều bình thường và những trẻ đồng trang lứa sẽ tự giải quyết được.
Bên cạnh đó, phụ huynh nên khuyến khích con xây dựng những sở thích lành mạnh, tham gia hoạt động ngoại khóa, kết nối với bạn tốt, điều này giúp ngăn ngừa nguy cơ bắt nạt tiềm ẩn.
Chỉ quan tâm con thôi chưa đủ, cha mẹ nên tìm hiểu những người bạn mà con tiếp xúc, chơi chung. Ngoài ra, họ có thể tiếp xúc, giao lưu với các phụ huynh khác khi có cơ hội. Đây là cách để hỗ trợ mối quan hệ lành mạnh của con.
Mặc dù các phụ huynh thường bận rộn trăm công nghìn việc, việc dành thời gian cho con cái như một khoản đầu tư giá trị vào sự an toàn và hạnh phúc của trẻ.