Năm nay, Bộ GD-ĐT đã tiến hành đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng học sinh được tự chọn 2/4 môn. Qua khảo sát do nhiều trường công bố, tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Lịch sử luôn thấp nhất.
Tiêu biểu, THPT Anh-xtanh (Hà Nội) là trường chỉ có một nam sinh bỗng dưng nổi tiếng vì quyết định này. Nhưng theo thầy Đào Tuấn Đạt, phụ trách chuyên môn, nhà trường hoàn toàn không hề lo lắng về điều đó.
Thầy Đào Tuấn Đạt (ở giữa). |
- Thầy suy nghĩ gì về thực trạng có rất ít học sinh lựa chọn môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT?
- Hiện nay chưa có thống kê chính thức và cuối cùng số học sinh đăng ký môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp nên chưa thể nói đó là thực trạng. Nhưng chúng ta cũng có thể dự đoán được điều đó phần nhiều sẽ trở thành hiện thực. Việc hiếm học sinh chọn môn này không có nghĩa là các em ít quan tâm tới lịch sử. Đây là hai việc khác nhau. Vì vậy tôi cho rằng chúng ta không nên buồn và lo lắng về vấn đề này.
- Theo thầy, nguyên nhân của vấn đề này là gì?
- Thi cử luôn là một thách thức và nhiệm vụ nặng nề với bất kỳ học sinh nào. Nên khi được chọn, một cách tự nhiên các em sẽ đăng ký các môn ít thách thức, không nặng nề và là sở trường của mình.
Việc số học sinh đăng ký Lịch sử ít chưa thể kết luận các em chán hay môn này khó. Giả sử Bộ GD-ĐT cho tự chọn môn Văn thì chưa chắc số học sinh đăng ký thi sẽ nhiều hơn Sử. Và điều đó cũng không đồng nghĩa với việc học sinh chán văn chương.
Thực tế, học sinh không chỉ chán học Sử mà còn nhiều môn khác. Đến khi nào việc học không chỉ đơn thuần phục vụ cho kiểm tra, đánh giá thì các em mới không chán học và ghét thi. Học phải xuất phát từ đòi hỏi nội tâm chứ không phải do hô hào thì mới thực sự có kết quả và đem lại hạnh phúc. Nếu giữ quan điểm bắt các em phải học và thi vì sự quan trọng của một môn nào đó thì việc này tiếp tục bị méo mó.
Tri thức của bất cứ môn học nào cũng đáng trân trọng và quan trọng như nhau. Một nền giáo dục vận hành chỉ vì chuyện thi cử thì đó là sự thất bại! Ví dụ, ở Phần Lan, nếu bất cứ trường cấp 2 tổ chức thi nào đều là phạm pháp.
- Có ý kiến cho rằng việc học sinh không chọn Lịch sử chứng tỏ môn này đang dần bị lãng quên trong các trường học. Thầy nhận định gì về ý kiến này?
- Đây là quan điểm có phần chủ quan và cảm tính. Không phải riêng lịch sử mà bất cứ những gì có giá trị sẽ luôn tồn tại. Chỉ những thứ phù phiếm và không có lý mới dần bị lãng quên và dù có cố thì chúng cũng sẽ tự chết đi. Không vĩ nhân nào bảo người khác phải ghi nhớ họ nhưng không ai quên được họ.
Nguyễn Văn Nam - học sinh duy nhất của trường THPT Anh-xtanh, Hà Nội lựa chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử. |
- Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12A1, THPT Anh-xtanh, Hà Nội) cũng chia sẻ nhiều bạn học của mình không nhớ được những sự kiện lịch sử đơn giản như ngày giỗ tổ Hùng Vương. Ông suy nghĩ gì về điều này?
- Con gái bạn tôi học lớp một. Cháu được nghỉ nhân giỗ tổ Hùng Vương. Cháu bảo với mẹ là con được nghỉ vì hôm nay là ngày giỗ ông! Lớn hơn, chúng ta phải có trách nhiệm nói cho cháu biết ông là ai. Các bạn quên thì người lớn phải nhắc chứ không nên đánh giá. Bởi trách nhiệm đó thuộc về người lớn.
- Vậy làm thế nào để môn Sử được học sinh yêu mến?
- Đó là trả lại sự trong sáng cho việc học, không phải để thi rồi quên. Sách giáo khoa và thầy cô giáo phải trở thành người kể chuyện lịch sử hấp dẫn và chân thực. Đặc biệt, chúng ta phải tạo không gian cho các em đi tìm câu trả lời cho các thắc mắc của họ về quá khứ. Từ đó, lịch sử sẽ tự kể câu chuyện của nó hơn việc người lớn bắt các em phải nghe.