Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không ngủ, không tình dục, người trẻ TQ làm 'bán mạng' để thành tỷ phú

"Không ngủ, không tình dục, không gì ngoài công việc", South China Morning Post mô tả cuộc sống của những người dưới 30 tuổi đang vắt kiệt sức ở thung lũng Silicon Trung Quốc.

"Anh ấy tập trung vào công ty của mình đến mức chẳng còn thời gian để ngủ", bạn gái của Yu Haoran (26 tuổi) - ông chủ công ty startup Jisuanke ở khu công nghệ cao Zhongguancun, Bắc Kinh, Trung Quốc - nói.

Đôi trẻ muốn kết hôn nhưng hiện tại, họ còn không có thời gian, năng lượng để gặp gỡ, hẹn hò. Yu phải làm việc đến đêm muộn và cả những ngày cuối tuần. Anh chàng chỉ có 2 tiếng để ngủ mỗi ngày, mắc chứng mất ngủ kinh niên.

"Tôi không nghĩ mình đang sống một cuộc sống thực sự. Nhưng trước khi hoàn thành điều mình muốn, tôi chẳng thể nghĩ được gì khác ngoài công việc", Yu nói.

Những vấn đề Yu đang gặp phải cũng tương tự như câu chuyện của hàng trăm nghìn người trẻ khác đang làm việc trong ngành công nghệ nở rộ và cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc vài năm gần đây.

khoi nghiep anh 1
Người trẻ chỉ biết làm việc tại thung lũng Silicon Trung Quốc.

Guồng quay ở thung lũng Silicon Trung Quốc

Từng là nghĩa địa cho các hoạn quan ở Trung Quốc thời phong kiến, Zhongguancun nằm phía Tây Bắc đường vành đai thứ 4 Bắc Kinh - một trong những đường cao tốc lớn bao quanh thủ đô.

3 thập kỷ qua, khu vực này chính là nơi khởi phát của các startup thành công trong lĩnh vực công nghệ - Internet, từ nhà sản xuất máy tính Lenovo đến cổng thông tin Sina và ứng dụng gọi xe Didi Chuxing. Theo một báo cáo của chính quyền địa phương, có tới 80 công ty khởi nghiệp công nghệ ra đời tại Zhongguancun mỗi ngày.

Từ năm 2014, Yu mở văn phòng làm việc bên dưới tầng hầm của một tòa nhà ở Zhongguancun. Cách văn phòng vài trăm mét, anh thuê một căn hộ cho sinh viên thực tập, làm việc tại công ty của mình sinh sống.

Dù nơi ở không quá rộng rãi và phải ngủ trên những chiếc gường tầng nhỏ hẹp, các nhân viên của Yu vẫn được xem đó là may mắn khi chỉ phải đi bộ vài trăm mét đến chỗ làm và tiết kiệm thêm vài tiếng đồng hồ để ngủ mỗi ngày.

khoi nghiep anh 2
Yu Haoran (26 tuổi) làm việc tại văn phòng ở Zhongguancun chỉ có 2 tiếng để ngủ mỗi ngày.

Những năm gần đây, Zhongguancun trở nên đông đúc và đắt đỏ. Các công ty lớn đều có xu hướng chuyển văn phòng đến khu vực xa xôi hơn, từ đó hình thành các trung tâm công nghệ mới của Trung Quốc là Xierqi và Wangjing.

Yang (33 tuổi) sống cùng vợ và cha mẹ ở Bắc Kinh, làm quản lý trong một công ty ở Xierqi. Mỗi ngày anh thức dậy lúc 6h sáng, mất 2,5 tiếng đi 2 tuyến tàu điện ngầm và ngồi thêm một chuyến xe bus để đến chỗ làm.

"Miễn là có một chỗ ngồi, tôi có thể ngủ dù cho nó chẳng thoải mái hay xung quanh có đông đúc và ồn ào đến mức nào", anh nói.

Muốn thoát khỏi cơn ác mộng di chuyển và kẹt xe, Bu (chuyên gia tiếp thị ở độ tuổi 20) gần đây chuyển đến sống tại một khu nhà cũ ở Xierqi - nơi cách công ty của cô khoảng 10 phút đi bộ.

Bu chia sẻ căn hộ 3 phòng ngủ với 2 người phụ nữ khác cũng làm việc trong khu vực. Tiền thuê nhà của mỗi người là 4.000 nhân dân tệ/tháng (gần 14 triệu đồng). Giá tiền này còn cao hơn số cô trả cho căn hộ từng thuê tại quận Triều Dương - khu trung tâm Bắc Kinh.

Tuy nhiên, đó chưa phải điều Bu cảm thấy tiếc nhất. Cô không còn dễ dàng tới các quán cà phê, nhà hàng hay mơ mộng đến các phòng triển lãm nghệ thuật vào cuối tuần nữa. Tất cả đều quá xa và cô thường phải tăng ca vào thứ 7, chủ nhật.

"Tôi cảm thấy như mình bị lưu đày khỏi Bắc Kinh vậy", cô nói.

'Văn hóa 996' và còn hơn thế nữa

Năm ngoái, cứ mỗi tuần Trung Quốc lại có thêm 4 tỷ phú mới. Hầu hết đều làm việc trong ngành công nghệ, tiếp theo là bất động sản, theo báo cáo của Hurun.

Câu chuyện thành công của các tỷ phú đã trở thành động lực cho hàng nghìn công ty startup tại các thung lũng Silicon.

Để biến động lực thành kết quả, những công ty này khuyến khích nhân viên của mình cống hiến nhiều hơn. Tất cả được ghi nhận bằng số giờ làm việc. Văn hóa mang tên "996", có nghĩa nhân công phải làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần, khá nổi tiếng tại các thung lũng Silicon của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 3 thập kỷ gần đây, tác động tiêu cực đến ngành công nghệ, nhiều người cho rằng "996" vẫn chưa đủ.

Keith Đinh - người làm việc cho một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc - cho biết: "Khi trưởng nhóm thậm chí làm nhiều hơn '996', làm sao tôi có thể ra về trước? Ở lại nơi làm việc sau 22h trở thành tiêu chuẩn mới".

Vợ của Yang (29 tuổi) làm quản lý tại một công ty công nghệ. Mỗi ngày, đôi vợ chồng trẻ đều về nhà lúc gần nửa đêm. Cả hai rất muốn sinh con trong năm nay nhưng quá mệt mỏi với chuyện chăn gối vào những ngày trong tuần.

Yang lo lắng một khi vợ bước sang tuổi 30, việc mang thai và sinh nở sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

khoi nghiep anh 3
Một góc ở khu công nghệ cao Zhongguancun.

Để tăng hiệu suất làm việc, nhiều công ty ở các thung lũng Silicon Trung Quốc có dịch vụ đưa đón nhân viên tại nhà, cung cấp bữa ăn tại công ty, thậm chí xây dựng phòng tập thể dục, tiệm cắt tóc, một số trò chơi giải trí ngay trong văn phòng.

Thay vì cảm thấy được đãi ngộ, một số người nghĩ mình bị lợi dụng. Ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư dường như không còn.

"Họ sẽ giải quyết những rắc rối, vấn đề trong cuộc sống của bạn. Nhưng bù lại, bạn đừng nên nghĩ về bất cứ điều gì khác, ngoài công việc", Wang (26 tuổi, làm việc tại một công ty dịch vụ ở Xierqi) nói.

Vắt kiệt sức đến chết

Năm 2015, Li Junming - nhà phát triển của "gã khổng lồ" công nghệ Tencent - đã ngã quỵ và chết trong khi đi dạo cùng vợ.

Một năm sau, Jin Bo (34 tuổi, phó tổng biên tập của diễn đàn trực tuyến Tianya) bị đột tử khi đang trở về nhà sau giờ làm tại một ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh.

Năm ngoái, một nhân viên 25 tuổi tại hãng sản xuất máy bay không người lái DJI có trụ sở tại Thâm Quyến đã chết vì ngừng tim.

Phát ngôn viên của DJI cho biết công ty không bình luận về vụ việc với lý do tôn trọng yêu cầu của gia đình người lao động. Tencent và Tianya cũng im lặng trước cái chết của nhân viên.

khoi nghiep anh 4
Nhiều người phải mất hàng tiếng để đến chỗ làm vì các khu công nghệ cao nằm xa trung tâm Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg.

Theo Maimai, thời gian làm việc trung bình của nhân công tại các thung Lũng Silicon là khoảng 3,65 năm, trong lĩnh vực công nghệ - viễn thông là khoảng 2,6 năm. Lý do bỏ việc sớm chủ yếu là do không chịu nổi áp lực, cường độ làm việc.

Yang cân nhắc việc xin nghỉ tại công ty hiện tại. Anh muốn tự kinh doanh ở nhà để có nhiều thời gian chăm sóc vợ và đứa con tương lai.

Tuy nhiên, dù áp lực và mệt mỏi, không phải ai cũng quyết định như Yang. Nhiều người vẫn bám trụ tại các thung lũng Silicon và cố gắng cân bằng cuộc sống nhờ những nguyên tắc mới.

Ren - lập trình viên 24 tuổi tại Xierqi - cho biết cô đã từ chối lời mời từ các công ty đề cập đến "văn hóa 996", luôn nói không với những công việc mà nhà tuyển dụng đặt câu hỏi: "Bạn đã sẵn sàng chia tay với bạn trai chưa?".

Còn đối với Yu Haoran, anh cố thay đổi lối sống khi bắt đầu những thói quen mới như tập thể dục, tự làm bữa sáng tại nhà mỗi ngày. Vào một buổi chiều gần đây, anh lần đầu tiên tự sắm cho mình một bộ quần áo mới sau nhiều năm.

Sự thờ ơ lạ kỳ trước nạn quấy rối tình dục ở Nhật Bản

Hầu hết nạn nhân của quấy rối tình dục đều nhận được sự thờ ơ từ những người xung quanh. Đa số phụ nữ Nhật Bản cũng không muốn thừa nhận họ là nạn nhân.

Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm