Trong 5 bài thi, 3 bài bắt buộc là Ngữ văn (tự luận, 120 phút), Toán (50 câu trắc nghiệm, 90 phút làm bài), Ngoại ngữ (50 câu, 60 phút).
Thí sinh sẽ phải thi một trong 2 bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (KHTN) gồm tổ hợp 3 môn thi độc lập: Vật lý (40 câu, 50 phút), Hóa học (40 câu, 50 phút) và Sinh học (40 câu, 50 phút); Khoa học xã hội (KHXH) gồm tổ hợp 3 môn thi độc lập: Lịch sử (40 câu, 50 phút), Địa lý (40 câu, 50 phút) và Giáo dục công dân (40 câu, 50 phút).
Thí sinh xem đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Tấn Thạnh
/Người Lao Động. |
5 bài thi bao gồm 9 môn thi
Quy chế thi THPT quốc gia 2017 cho phép thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tự chọn và dùng kết quả bài thi tự chọn có điểm cao hơn để xét tốt nghiệp THPT (đương nhiên cũng có thể dùng các kết quả này theo môn thi hoặc theo bài thi để xét tuyển ĐH phù hợp quy định của trường).
Đây là một quy định có tính khuyến khích cao. Ở những kỳ thi THPT quốc gia 2015 và 2016, thí sinh thi nhiều môn vẫn chỉ có thể dùng môn đã đăng ký trước khi thi để xét tốt nghiệp THPT, dù môn này điểm thấp hơn các môn tự chọn khác đã thi.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng với quy định học sinh hệ giáo dục phổ thông phải thi tối thiểu 4 bài thi thì mỗi thí sinh đã phải thi 6 môn độc lập thay vì 4 môn như những năm trước. Để thi hết cả 5 bài của kỳ thi THPT quốc gia 2017, thí sinh cần phải thi 9 môn chứ không phải 8 môn như ở năm 2015 và 2016.
Kỳ thi THPT quốc gia những năm 2015 và 2016 quy định thí sinh chỉ cần thi tối thiểu 4 môn trong tổng số 8 môn được tổ chức thi (có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ).
Tuy nhiên, thực tế có đến hơn 50% thí sinh thi vừa để xét tốt nghiệp vừa dùng kết quả để xét tuyển ĐH đã thi từ 5 môn trở lên, trong đó phần lớn là 5 - 6 môn. Các môn có tỷ lệ tự chọn cao là Vật lý, Hóa học, Địa lý.
Các môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) đã đáp ứng yêu cầu của các ngành xét tuyển theo khối thi D truyền thống. Thí sinh thi 5 - 6 môn có nhiều cơ hội đăng ký xét tuyển theo nhiều tổ hợp môn khác, nhất là các tổ hợp môn truyền thống như khối A (Toán, Vật lý, Hóa học), khối A1 (Toán, Vật lý, Ngoại ngữ), khối B (Toán, Sinh, Hóa học) vốn chiếm nhiều chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH (xem bảng 1).
Thí sinh thi nhiều môn giảm mạnh
Thống kê ở cả 2 năm 2015 và 2016 vừa qua cho thấy số thí sinh thi 7 - 8 môn chiếm tỷ lệ rất ít, không đến 1% tổng số thí sinh dự thi tại các cụm thi ĐH. Trong khi đó, các em thi 5 - 6 môn lại chiếm đến xấp xỉ phân nửa số thí sinh dù quy định chỉ cần thi tối thiểu 4 môn.
Số lượng và tỷ lệ thí sinh dự thi 7 - 8 môn giảm mạnh ở năm 2016 so với năm 2015 và thường có điểm trung bình thấp hơn thí sinh thi 5 - 6 môn. Rõ ràng, việc dự thi quá nhiều môn đòi hỏi thí sinh phải tập trung rất nhiều thời gian và công sức mới đạt kết quả cao hơn.
Nhiều trường THPT cũng đã cho học sinh đăng ký thử chọn bài thi. Kết quả sơ bộ cho thấy học sinh chọn bài thi KHTN vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Với thực tế đó, dự đoán trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, tỷ lệ thí sinh chọn bài KHTN sẽ cao hơn chọn bài KHXH. Số thí sinh dự thi cả 5 bài thi sẽ có tỷ lệ rất thấp, thậm chí còn ít hơn so với số thí sinh đã chọn 7 - 8 môn thi ở những năm trước.