Tối 28/8, chia sẻ trên Twitter, Elon Musk cho biết ông đã giảm hơn 9 kg nhờ chế độ nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting). Nhịn ăn gián đoạn đang ngày càng phổ biến trong nhiều năm trở lại đây ở những người muốn giảm cân, đặc biệt là các nghệ sĩ Hollywood, bởi đặc tính của nó là giúp cân nặng “tụt dốc” rất nhanh.
Tuy nhiên, đây là chế độ ăn kiêng vốn gây tranh cãi vì những nguy hại tiềm ẩn của nó với sức khỏe và không phải ai cũng có thể áp dụng.
Cân nặng “tụt dốc” nhanh
Nhiều chế độ ăn kiêng tập trung vào những gì chúng ta ăn, nhưng nhịn ăn gián đoạn được quyết định bởi thời điểm bạn ăn. Với chế độ nhịn ăn gián đoạn, bạn chỉ ăn trong một thời gian cụ thể. Nhịn ăn trong một số giờ nhất định mỗi ngày hoặc chỉ ăn một bữa trong một vài ngày mỗi tuần có thể giúp cơ thể đốt cháy chất béo.
Mayo Clinic cho biết 3 phương pháp phổ biến nhất thường được áp dụng khi nhịn ăn gián đoạn là nhịn ăn luân phiên trong ngày, chế độ 5:2 hoặc chế độ 16:8.
Nhịn ăn luân phiên trong ngày có nghĩa là ngày đầu tiên ăn uống bình thường, đến ngày tiếp theo chúng ta nhịn hoàn toàn hoặc chỉ ăn bữa nhỏ (<500 calo).
Chế độ 5:2 là ăn bình thường vào 5 ngày trong tuần và hai ngày còn lại nhịn ăn.
Chế độ 16:8 là ăn uống bình thường chỉ trong vòng 8 tiếng mỗi ngày và 16 tiếng còn lại không được ăn thêm bất kỳ món gì. Ví dụ, bạn bỏ bữa sáng nhưng ăn trưa vào khoảng 12h và ăn tối trước 20h.
Thân hình của Elon Musk khi cởi trần, tắm nắng trên một du thuyền sang trọng tại Mykonos (Hy Lạp) hôm 17/7. Ảnh: Page Six. |
Theo John Hopkins, một số bằng chứng khoa học đã chỉ ra lợi ích mà chế độ ăn kiêng này mang lại.
Nhà thần kinh học Mark Mattson, chuyên gia của Johns Hopkins, là người đã nghiên cứu chế độ nhịn ăn gián đoạn trong 25 năm. Ông cho biết cơ thể chúng ta đã tiến hóa để có thể không cần thức ăn trong nhiều giờ, thậm chí vài ngày hoặc lâu hơn.
Sau nhiều giờ không có thức ăn, cơ thể sẽ cạn kiệt lượng đường dự trữ và bắt đầu đốt cháy chất béo. Ông Mark Mattson gọi đây là quá trình chuyển đổi trao đổi chất.
“Nhịn ăn gián đoạn trái ngược với mô hình ăn uống bình thường của hầu hết người Mỹ, những người ăn trong suốt thời gian họ thức. Nếu ai đó đang ăn ba bữa một ngày, cộng với đồ ăn nhẹ và họ không tập thể dục, thì mỗi lần họ ăn, cơ thể đang sử dụng lượng calo đã nạp và không đốt cháy lượng mỡ dự trữ", ông nói.
Nhịn ăn gián đoạn hoạt động bằng cách kéo dài khoảng thời gian cơ thể đốt cháy hết lượng calo tiêu thụ trong bữa ăn cuối cùng và bắt đầu đốt cháy chất béo.
Theo phát hiện của các nhà nghiên cứu, không chỉ được sử dụng để đốt cháy mỡ thừa, phương pháp nhịn ăn gián đoạn cũng có thể có lợi cho hoạt động thể chất, suy nghĩ và sức khỏe tim mạch.
Nhịn ăn gián đoạn có thể gây ra nhiều nguy hại tới sức khỏe và khiến bạn gặp các tác dụng phụ khó chịu. Ảnh: Freepik. |
Chế độ ăn gây tranh cãi
Phương pháp này đã giúp một số người gầy đi, nhưng một nghiên cứu năm 2020 phát hiện những cạm bẫy tiềm ẩn. Nghiên cứu do tiến sĩ Ethan Weiss, bác sĩ tim mạch tại Đại học California, San Francisco, Mỹ, thực hiện và công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine. Công trình này cho thấy nhịn ăn có thể gây nguy hiểm cho những người có tiền sử rối loạn ăn uống và gây mất cơ.
Trên thực tế, 65% tổng số cân nặng mà những người nhịn ăn gián đoạn giảm được là cơ bắp. Những người theo chế độ ăn uống ít carbs thì thấp hơn, khối lượng cơ chiếm 20-30% số cân nặng giảm được.
Đặc biệt, nhịn ăn gián đoạn có thể gây tác dụng phụ và thường biến mất trong một tháng. Các tác phụ bao gồm đói, mệt mỏi, mất ngủ, buồn nôn, nhức đầu...
Nhịn ăn trong thời gian dài cũng có thể làm tăng mức độ căng thẳng, gián đoạn giấc ngủ, tăng lo lắng và trầm cảm... Chế độ này đặc biệt có hại cho những người đang trải qua hoặc hồi phục sau chứng rối loạn ăn uống.
Harvard Health dẫn lời tiến sĩ Eric Rimm, Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, cho biết bỏ bữa và hạn chế calo quá mức có thể gây nguy hiểm cho những người mắc một số bệnh như bệnh tiểu đường. Một số người dùng thuốc điều trị huyết áp hoặc bệnh tim cũng dễ bị mất cân bằng natri, kali và các khoáng chất khác trong thời gian nhịn ăn lâu hơn bình thường.
Nhịn ăn gián đoạn an toàn với đa số chúng ta nhưng nó không phải chế độ ăn kiêng dành cho mọi người. Bỏ bữa không phải là cách tốt để kiểm soát cân nặng nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Ngoài ra, những người bị sỏi thận, trào ngược dạ dày, tiểu đường hoặc các vấn đề y tế khác cần trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ nhịn ăn gián đoạn.