Chỉ trong vòng 2 ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ghi nhận 53 nhân viên nhiễm SARS-CoV-2. Các chuyên gia dự đoán số lượng này có thể tăng trong thời gian tới và liên quan nhiều cơ sở y tế khác. Nhiều người thắc mắc vì sao 53 nhân viên này nhiễm nCoV dù đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết cơ sở y tế này đang phối hợp Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU, Anh) theo dõi diễn tiến lâm sàng, nồng độ virus của các nhân viên dương tính nhằm đánh giá hiệu quả của vaccine Covid-19.
Vaccine không bảo vệ 100% người được tiêm
Không có bất cứ loại vaccine nào bảo vệ 100% người tiêm - Giáo sư Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nhấn mạnh trong bài phân tích về tình huống xảy ra ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Theo phân tích của Cố vấn chuyên môn cao cấp tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (Anh), dựa trên các thông tin khảo sát của AstraZeneca cũng như số liệu thống kê tỷ lệ dương tính ở Mỹ, vaccine không phải là biện pháp bảo vệ tuyệt đối trước đại dịch.
Giáo sư Hiền nhấn mạnh việc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vaccine và ghi nhận trường hợp dương tính không phải là sự thất bại của tiêm chủng.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho hay hiện chưa có thông tin cụ thể các nhân viên nhiễm bệnh được tiêm vaccine vào thời gian nào. Ông lưu ý khi tiếp xúc nguồn bệnh quá sớm sau khi tiêm vaccine, chúng ta vẫn có thể mắc Covid-19.
"Không phải ai tiêm vaccine cũng được bảo vệ khỏi mắc Covid-19", tiến sĩ Hùng khẳng định.
Đồng quan điểm, TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội), nhấn mạnh vaccine Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối.
Đặc biệt, khi đã tiêm vaccine, người được tiêm có thể không mắc Covid-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.
Qua nghiên cứu cụ thể những ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hay ở Điện Biên trước đây, các chuyên gia ghi nhận tình trạng những người được tiêm vaccine Covid-19 vẫn nhiễm bệnh.
Theo tiến sĩ Thái, ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu sinh kháng thể. Sau tiêm mũi thứ 2, vaccine đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên. Hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại vaccine.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), cũng cho rằng hiệu quả sẽ đạt cao sau khi hoàn thành 2 mũi (sau mũi thứ 2 khoảng 1 tháng). Hiệu quả bảo vệ của từng vaccine khác nhau, ở mỗi người được tiêm cũng khác nhau. Người sinh miễn dịch tốt thì hiệu quả tốt và ngược lại.
Điều này có nghĩa vaccine Covid-19 không phải là “bùa hộ mệnh” trước dịch Covid-19.
"Kể cả trên thế giới, các quốc gia vẫn kêu gọi phòng bệnh cá nhân. Đặc biệt, Israel đã tiêm được vaccine Covid-19 cho 50% dân số nhưng họ vẫn kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Đó là chưa kể tới việc xuất hiện biến chủng có thể vô hiệu hóa vaccine", PGS Phu nhận định.
Vaccine là cách duy nhất khống chế Covid-19
Hiện, 52/53 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mắc Covid-19 hoàn toàn không có triệu chứng. Tất cả đều ổn định sức khỏe. Thậm chí, nhiều người có thể làm việc tại phòng cách ly, không cần bất cứ sự can thiệp y tế nào.
Phó giáo sư Phu cho hay vaccine Covid-19 có tác dụng giảm rõ rệt triệu chứng khi mắc bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, cũng khẳng định trong tình huống người mắc Covid-19 sau khi tiêm vaccine, người dân không nên so sánh trên cá thể. Chúng ta cần căn cứ trên cộng đồng đã được tiêm ngừa.
"Với hàng loạt thông tin dồn dập liên quan số ca mắc Covid-19 mới, bệnh nhân nhiễm nCoV tử vong, giao thương trì trệ và cuộc sống gần như đảo lộn, vaccine là cơ hội duy nhất để giải quyết tất cả điều này. Chỉ có vaccine mới cho phép chúng ta nới lỏng 5K và trở lại cuộc sống bình thường", bác sĩ Khanh khẳng định.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tiêm vaccine Covid-19 là biện pháp phòng bệnh rất quan trọng. Tuy nhiên, người dân nói chung, các trường hợp đã được tiêm vaccine Covid-19 nói riêng vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc thực hiện quy tắc 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế. Đây là biện pháp cần duy trì trong bối cảnh hiện nay.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.