Kymberly Spector, phụ huynh có con học lớp 12 ở phía nam bang California, chia sẻ rất khó để không đặt áp lực từ bạn bè trang lứa và cảm xúc của chính cha mẹ lên những đứa trẻ khi chúng đưa ra quyết định công khai và quan trọng với tương lai trẻ.
“Nó giống như chúng ta đang nhìn con có quyết định lớn nhất và ảnh hưởng nhất tới tương lai con”, cô chia sẻ về giai đoạn con đang đứng trước ngưỡng cửa đại học.
Spector nói thêm bà đang cố gắng để ưu tiên trải nghiệm của con gái hơn việc ganh đua với các bậc cha mẹ khác.
Việc cha mẹ muốn con vào trường có thứ hạng cao để khoe khoang khiến con gặp áp lực trước ngưỡng cửa chọn trường. Ảnh: Getty Images. |
Áp lực từ cha mẹ khiến con trầm cảm
John Duffy, nhà tâm lý học ở Chicago, nhận định trúng tuyển vào đại học hàng đầu trở nên khó khăn và quan trọng hơn với các gia đình, như thể đây là lời khẳng định rằng họ đã nuôi dạy con rất tốt.
Nhưng với học sinh trong cuộc, sự mong đợi từ cha mẹ lại thường gây ra hậu quả, theo đánh giá của Devorah Heitner, nhà sáng lập Raising Digital Natives và tác giả cuốn Screenwise: Helping Kids Thrive (and Survive) in Their Digital World.
“Với một số thanh niên, kỳ vọng từ cha mẹ khiến họ hạ thấp tư tưởng của bản thân, nó sẽ giống như cuộc sống là vấn đề đỗ hay trượt, khác hẳn với bài luận mà họ vẫn viết”, bà Heitner nói.
Nghiên cứu do Hiệp hội Tâm lý học Mỹ đưa ra gần đây cho thấy trong vòng 20 năm qua, áp lực từ phụ huynh về việc lựa chọn trường học đang gia tăng và không may, theo chiều hướng đó, chủ nghĩa phải hoàn hảo ở trẻ em cũng gia tăng.
Thomas Curran, tác giả nghiên cứu trên, giáo sư khoa Khoa học hành vi & Tâm lý tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cho hay chủ nghĩa hoàn hảo có thể dẫn tới tình trạng âu lo thái quá, trầm cảm.
Bà Devorah Heitner nhận định áp lực phải cho con hưởng thụ nền giáo dục tốt nhất là điều dễ hiểu nhưng không phải chỉ có những trường danh tiếng mới có chất lượng đào tạo cao.
Nhằm giúp gia đình giảm thiểu sự căng thẳng và tối đa hóa năng lực học sinh để đưa ra quyết định đúng đắn khi chọn trường, các chuyên gia khuyến nghị cha mẹ nên trao cho con những “món quà” dưới đây.
Bố mẹ nên cùng con thảo luận về việc con muốn sống cuộc đời như thế nào thay vì chăm chăm tìm cách trúng tuyển trường danh tiếng. Ảnh: Babycouture. |
Trở về với giá trị bản thân
TS John Duffy, tác giả cuốn Parenting the New Teen in the Age of Anxiety, đánh giá quá trình ứng tuyển vào trường đại học luôn chịu tác động từ nhiều phía như các cố vấn học tập, trường học, thậm chí bài đăng của các phụ huynh khác trên mạng xã hội.
Vì lợi ích của con (cũng là của cha mẹ), điều quan trọng là thở thật sâu và cân nhắc mình muốn gì cho con cái.
“Chắc chắn, phụ huynh sẽ nói muốn con hạnh phúc, phát triển toàn diện, trở thành công dân tốt”. Một khi các bậc cha mẹ vượt qua được sự thôi thúc phải bắt kịp hàng xóm, tôi ít khi nghe nói muốn con vào đại học tốt nhất trong khả năng của con hay tôi muốn con kiếm nhiều tiền nhất có thể”, TS Duffy chia sẻ.
Làm thế nào để truyền suy nghĩ đó tới trẻ? Heitner cho biết điều quan trọng là bố mẹ nên tập trung nói chuyện với con về việc con muốn sống cuộc đời như thế nào và có rất nhiều cách để con đạt mục tiêu đó hơn là chỉ chăm chăm thảo luận về phương pháp để trúng tuyển trường danh tiếng.
Tạm ngưng mạng xã hội
Bà Devorah Heitner đánh giá mạng xã hội khiến ngày càng nhiều người biết đến tình hình của con cái người khác. Điều này tác động lớn quá trình chọn trường.
Bà nói thêm việc hơn thua với người khác trên mạng có thể gia tăng áp lực, “thậm chí, đôi khi khiến trẻ mất đi cơ hội chia sẻ thông tin về mình ngay trên chính trang cá nhân”.
Bà Heitner đề nghị phụ huynh không đăng bài về con mình lên mạng khi chưa được con cho phép, và trong thời kỳ tuyển sinh, “mọi người nên cân nhắc tạm thời không sử dụng mạng xã hội, con cái cũng vậy, vì những bài đăng trên mạng có thể khiến con thêm căng thẳng”.
Bảo đảm tình yêu vô điều kiện
GS Thomas Curran cho biết sự thật không may là phần lớn áp lực xung quanh trường đại học thường nằm ngoài tầm tay các gia đình. Phụ huynh có thể khao khát con học tập hết mình khi có cơ hội để tăng tính cạnh tranh hơn.
Nhưng theo ông, điều quan trọng, phụ huynh cần giải thích để con hiểu những kỳ vọng đó đi cùng tình yêu và sự hỗ trợ vô điều kiện từ phía gia đình. Điều con trẻ cần nghe là “dù kết quả ra sao, dù chuyện gì xảy ra, con luôn được yêu thương”.
Nếu con yêu thích học tập, việc học sẽ thú vị và hiệu quả hơn. Ảnh: Waldenu. |
Niềm vui học tập
GS Curran cho rằng chúng ta có thể giúp con khơi lại niềm vui học hành mà con có thể đánh mất do quá tập trung vào điểm kiểm tra, xếp hạng, tỷ lệ trúng tuyển trước khi con bước vào chặng đường tiếp theo của cuộc đời.
Trong khi đó, TS Duffy đề nghị thay vì tập trung vào xếp hạng của trường, cha mẹ nên cho con tạm dừng việc học, cùng con làm điều gì đó mà 2 bên cùng thích thú như xem chương trình truyền hình vui nhộn.
Ông nói thêm người lớn cũng có thể nói với con về niềm vui trong học tập bằng cách cho con cùng tham gia vào các việc thú vị họ đang làm như nấu ăn, nghe nhạc, học ngoại ngữ.
Ông đánh giá những “món quà” như vậy có thể giúp việc học hành của con thú vị và hiệu quả hơn.
Tin tưởng sự lựa chọn của con
TS Duffy khuyên thay vì coi vào đại học nào là thước đo thành công, cha mẹ có thể nghĩ đây chỉ là quyết định đầu tiên mà con đưa ra với tư cách người trưởng thành. Theo ông, “cha mẹ càng thể hiện việc tin tưởng vào khả năng của con, con càng thành công”.
Ông cho rằng con có rất nhiều lựa chọn, cha mẹ cần cho phép con nghe theo bản sắc của mình, đồng thời thể hiện họ tin tưởng trực giác của con sẽ tiếp thêm sức mạnh cho con trong tương lai.
“Với những đứa trẻ được đi theo con đường mình chọn, tôi chưa bao giờ thấy chúng trải qua năm nhất đại học tồi tệ”, TS Duffy nói thêm.
Biết trường tốt nhất không nhất thiết phải xếp hạng cao
Bà Devorah Heitner cho hay các nghiên cứu đã chỉ ra danh tiếng của trường đại học không nhất thiết sẽ là chỉ báo cho sự thành công của sinh viên trong tương lai. Tuy nhiên, đôi khi cái tôi cùng sự lo lắng thái quá đã che mờ sự thật này.
Trong khi thực tế, nhiều người theo học trường hàng đầu vẫn không đạt được mục tiêu đề ra còn người học cao đẳng cộng đồng lại có thể sống cuộc đời trong mơ.
Nghiên cứu năm 2018 của ĐH Kentucky cho thấy tính chọn lọc (tức tỷ lệ trúng tuyển) của một trường không ảnh hưởng đáng kể đến mức thu nhập trong tương lai của nam giới. Còn với nữ giới, người theo học trường có điểm SAT trung bình cao có thu nhập tốt hơn, cứ điểm SAT cao hơn 100 điểm, thu nhập của cựu sinh viên nữ cao hơn 14%.
TS Duffy cũng khuyên học sinh nên bỏ qua thứ hạng của trường và tập trung vào việc trường nào phù hợp nhất với mình. Đôi khi, việc trường nằm ở đâu lại tạo ra sự khác biệt lớn hoặc quy mô, chương trình học thuật tại trường đó mới là yếu tố quyết định. Điều này dễ hiểu khi chúng cho thấy liệu những người xung quanh có gắn kết và truyền cảm hứng cho mình hay không.
“Dù học trường nào đi nữa, con không thể thất bại ở tuổi 12. Và bất kể con lựa chọn thế nào, gia đình cũng như chính con nên nhớ luôn có cơ hội để thay đổi kế hoạch hoặc thử sức với cái mới”, bà Devorah Heitner khuyên.