Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không quá lo về nội dung thi vào lớp 10

Quan điểm của Sở GD&ĐT TP.HCM là học đến đâu thi đến đó, vì vậy học sinh không nên lo lắng, chỉ cần tập trung ôn kỹ những nội dung đã học để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM, dù ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thời gian kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay có thể chậm đến ngày 17/7 (nếu tính theo thời điểm kết thúc năm học là ngày 15/7), cấu trúc đề thi các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh giữ ổn định như các năm.

Tuy nhiên, cũng có những lưu ý nhất định mà học sinh (HS) cần phải chú ý để không bỡ ngỡ khi làm bài.

Nắm vững kiến thức, kỹ năng

Theo ông Trần Tiến Thành (chuyên viên môn Ngữ văn Sở GD&ĐT TP.HCM), năm nay, cấu trúc đề thi không thay đổi so với năm học 2018-2019.

Cụ thể, đề thi gồm có các phần: Phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm); thời gian làm bài: 120 phút.

Ở phần đọc - hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản thông tin, văn bản nghị luận xã hội, văn bản nghị luận, văn bản khoa học... Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng.

Có thể là các câu hỏi yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; câu hỏi nêu nội dung văn bản; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới… Trong các câu đọc - hiểu, 1 câu hỏi về tiếng Việt.

thi lop 10 TP.HCM anh 1

Học sinh TP.HCM xem đề thi vào lớp 10 năm 2019. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

Ông Thành cũng lưu ý khi làm các câu đọc - hiểu, HS cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung, trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề. Tránh lan man, dài dòng không cần thiết.

Phần nghị luận xã hội (viết bài văn khoảng 1 trang giấy thi): HS cần bảo đảm cấu trúc bài nghị luận xã hội đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài; cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, HS cũng cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình.

Phần nghị luận văn học, HS có 2 lựa chọn. Đề 1 sẽ là cách hỏi quen thuộc (phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình). Từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng (liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến…).

Đề 2 có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn. HS nên căn cứ việc nắm vững kiến thức và kỹ năng khi lựa chọn đề để làm, tránh việc chọn đề theo cảm hứng ngẫu nhiên.

Để làm tốt câu nghị luận văn học, cần nắm vững nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm được học. Cần vận dụng thành thạo thao tác phân tích khi làm câu này, tránh diễn xuôi, nhắc lại nội dung tác phẩm một cách máy móc.

Ở câu nghị luận văn học, HS thường yếu ở kỹ năng phân tích, thường diễn xuôi lại tác phẩm, bài làm thiếu cảm xúc do ít đọc, ít suy tư, cũng có thể do học vẹt. Phần nối kết tác phẩm với thực tế cuộc sống chưa sát, còn gượng ép.

Ngoài ra, một số nguyên nhân sau cũng ảnh hưởng bài làm của HS: Phân bố thời gian không hợp lý cho các phần, các câu; đọc đề không kỹ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm hoặc dài dòng, thừa ý; trình bày, viết chữ cẩu thả, khó đọc; bài làm không hoàn chỉnh (do quá say sưa viết về một ý dẫn đến quên kết bài hoặc kết bài quá sơ sài).

Tiếp tục câu hỏi vận dụng thực tế

Ở môn Toán và Tiếng Anh, theo các giáo viên, HS cần chú ý các câu hỏi vận dụng từ thực tế. Ở môn Toán, ông Dương Bửu Lộc - phụ trách môn toán của Sở GD&ĐT TP.HCM - cho biết cấu trúc đề thi không thay đổi.

Cụ thể, đề có 8 câu, thời gian làm bài 120 phút. Trong đó, câu 1 và 2 là dạng toán cơ bản thuần túy về hàm số, đồ thị, phương trình; 5 câu tiếp theo là dạng toán thực tế; câu 8 là toán chứng minh hình học.

Các bài toán dạng thuần túy là dạng bài rất dễ lấy điểm, HS đã rất quen thuộc. Vì thế, khi ôn tập, HS cần chú ý làm cho thuần thục để tránh mất điểm trong khi thi. Về dạng toán thực tế, mức độ vẫn gắn với kiến thức HS đã học.

Ở môn Tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ - phụ trách môn này của Sở GD&ĐT TP.HCM - dặn HS cần chú ý từ vựng, ngữ nghĩa câu, ứng dụng trong các tình huống và thực tiễn cuộc sống; đồng thời phải biết phân tích để hiểu ngữ nghĩa của từ đặt trong các bối cảnh khác nhau.

Ngữ pháp cũng quan trọng nhưng chỉ chiếm 30%-40% cấu trúc đề. Vì vậy, theo ông Lữ, để làm bài như mong muốn, HS chú ý học từ vựng thật chắc để có cơ sở phân tích đi đến lựa chọn đáp án chính xác.

Học sinh TP.HCM học online như thế nào? Học trực tuyến vừa là thách thức vừa là cơ hội để học sinh phát huy bản lĩnh, tinh thần tự học trong thời gian nghỉ kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Mở rộng dạy trực tuyến ở tất cả các cấp học

Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết ngoài phối hợp dạy học trên truyền hình đối với HS lớp 9 và 12, sau khi Bộ GD&ĐT công nhận dạy học trực tuyến thì sở tiếp tục chỉ đạo hoạt động dạy học trực tuyến đối với từng cấp học phổ thông, phù hợp diễn biến tình hình và tâm sinh lý lứa tuổi của HS, đồng thời cung cấp các kho tài nguyên số để hỗ trợ giáo viên, HS trong hoạt động dạy, học trực tuyến.

TP.HCM dự kiến thi lớp 10 ngày 17/7

Nếu năm học kết thúc vào ngày 15/7 như Bộ GD&ĐT đã công bố, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM dự kiến được tổ chức ngày 17/7.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/khong-qua-lo-ve-noi-dung-thi-vao-lop-10-20200331231646089.htm?fbclid=IwAR1zZQrvR44lJ0pqXQZvLPQhkeIoOXLolGfSSpbpsI1A5CZ79OmeIhe3Amw

Theo Đặng Trinh/ Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm