Có bao giờ bạn nghĩ đến chuyện cai nghiện smartphone? Việc này có thể khó chịu, nhưng bạn sẽ vui vì có thể cân bằng giữa đời thường và mạng xã hội. Biết đâu, bạn sẽ có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hơn thì sao?
Một cô gái 22 tuổi khóc lóc đòi tự vẫn vì mẹ không cho quen bạn trai. Những người bạn của cô không biết thông tin gì, vì đơn giản "không thấy nó thông báo lên mạng".
Ồ, hóa ra mọi sự việc trên đời này đều phải "online" mới thành sự thật. Nếu chưa "biên tút", chẳng ai quan tâm có chuyện gì xảy ra, kể cả với bạn thân của mình.
Với chiếc điện thoại trên tay, người ta cũng chẳng còn gì để nói với nhau. Có phải trong “thế giới ảo”, người ta có thể chia sẻ nhiều câu chuyện, nhưng trong cuộc sống đời thực, chưa chắc họ đủ kiên nhẫn dành cho nhau vài giờ đồng hồ trò chuyện trực tiếp.
Vậy liệu bạn có đủ hạnh phúc khi không có smartphone?
Thảo Nhi, 24 tuổi, là nhân viên quảng cáo của một công ty truyền thông tại TP.HCM. Đời sống cú đêm đã luyện cho cô thói quen khó bỏ: thức khuya và thích dán chặt mắt vào màn hình điện thoại. Nhi muốn thoát khỏi cuộc sống vô vị này.
Bước đầu, 9X xin nghỉ phép đi du lịch Hàn Quốc. Hành trang của cô là quần áo, vài lọ mỹ phẩm, máy chụp ảnh, kèm theo đó là điện thoại "cục gạch" để giữ liên lạc.
“Bứt rứt và có gì đó thiếu thốn!”, Nhi cảm thán.
Ngày đầu tiên, cô còn cảm giác như có gì đó rất bất an, không biết bạn bè hay người thân đang làm gì trên mạng xã hội, thế giới ngoài kia có thông tin gì mới, bản thân có trở thành tâm điểm của việc bị nói xấu không?
Ngày thứ hai, cô cảm thấy khó chịu.
Không còn những lần ấn thích cho cô bạn vừa đăng ảnh tắm cho cún cưng. Cũng chẳng có những cú lướt Instagram, thả tim vào những tấm ảnh Candice Swanepoel đang uốn éo những động tác Yoga mà “suốt đời cũng không làm theo được”.
Nhi cố gắng quên đi điều đó. Cô đi dạo giữa đường phố Seoul, thả mình vào dòng người tấp nập trong cái lạnh 8 độ C. Nhưng cô vẫn thấy đám đông chỉ toàn dán mặt vào smartphone.
Nhi tự an ủi mình bằng những xâu thịt nướng, xuýt xoa uống từng ngụm rượu soju ấm nồng. Để rồi, cô cũng không quên được cảm giác “nhớ smartphone”.
Trở về nhà, việc cố gắng tiếp tục không sử dụng smartphone khiến cô không giống “phần còn lại của xã hội”. Khác biệt và dị hợm.
Nhi trông về phía chị đồng nghiệp đang lướt nhanh ngón tay trên chiếc điện thoại, thỉnh thoảng cười lên khe khẽ.
Cái cảm giác ấy, Nhi nhớ vô cùng, cô quyết định bỏ cuộc, trở về cuộc sống thường nhật với những nút like, share, tương tác cùng bạn bè.
Có người từng nói rằng, smartphone là làn sóng, mạng xã hội là một trào lưu. Nhưng bây giờ, nó trông giống văn hóa hơn. Ở đó, mọi người đều bị cuốn vào màn hình điện thoại.
Để rồi đến khi nhận ra, bạn thực sự giật mình: Phải chăng mình đang nghiện mạng xã hội?
Có không? Khó mà giải thích được.
Rời xa mạng xã hội, không tiếp tục đắm mình vào những dòng news feed vô vị, đó là thách thức. Nhưng đến khi làm được, người ta phải thốt lên rằng, cuộc sống không smartphone thú vị đến thế này sao?
"Tôi từng nghiện smartphone và đã lãng phí những năm tháng tuổi trẻ vào điện thoại, bỏ quên cuộc sống của chính mình", Đức Trần, 30 tuổi, nhân viên đồ họa của một tạp chí thời trang, nói.
Sau khi đọc được quyển sách Gia tăng 10% hạnh phúc của nhà báo nổi tiếng Dan Harris, Đức thấy mình đang lún sâu vào “vũng bùn của tự kỷ”.
Anh cố gắng thoát ra khỏi điều đó.
Đức tập từ bỏ sống đời sống cú đêm, không còn tự "tiêu diệt" mình bằng những đêm thức trắng đến 4-5 giờ sáng.
Anh học cách hoàn thành công việc trước 0h, thức dậy lúc 5h sáng để thiền, bắt đầu công việc lúc 6 giờ 30 sáng.
Trong ngày, thay vì những lần lướt news feed, anh mở vài trang báo cập nhật tin tức. Sau đó, anh tiếp tục với quyển sách đang đọc dở.
Thời gian ngồi trên taxi với quãng đường hơn 10 km đến chỗ làm việc, trong cái kẹt xe của thành phố, Đức tắt điện thoại, cố gắng đọc thêm vài chục trang giấy.
“Mất hơn 3 tháng để tôi thích ứng với điều này. Nó thực sự khó chịu!”.
Sự phổ biến của công nghệ từng được xem là cuộc cách mạng thay đổi thói quen và nhịp sống của con người trong xã hội hiện đại. Nhưng dần dần, từ việc ủng hộ, người ta lại bắt đầu cảnh giác với smartphone và mạng xã hội.
Theo nghiên cứu của eMarketer, việc con người sử dụng điện thoại thông minh đã tăng theo cấp số nhân. Số người dùng sử dụng smartphone truy cập vào Internet chiếm đến 57,8% trong tương quan với mục đích sử dụng thiết bị này.
Mối quan hệ giữa con người, điện thoại và mạng xã hội là vấn đề tương đối phức tạp. Một người từng nói rằng, dù đi giữa một nhóm bạn, họ vẫn cảm thấy cô đơn trong chính tâm hồn của họ. Người quét, người lướt, người vừa trò chuyện lại cúi mặt xuống điện thoại lướt Instagram.
Số liệu thống kê của Dscout (một công ty chuyên tổng hợp, phân tích hành vi người dùng điện thoại và mạng xã hội) cho thấy, mỗi người dành 140 phút mỗi ngày dành cho smartphone, mở khóa hơn 70 lần và chạm vào màn hình hơn 2.600 lần. Đây là con số khiến nhiều người giật mình.
Sherry Turkle, nhà tâm lý học của Viện công nghệ Massachusetts từng nói: Công nghệ khiến chúng ta quên đi những gì mình từng biết về cuộc sống. Một trong những điều lớn nhất chúng ta quên đi là hướng đến các mối quan hệ trong cuộc sống và cả cảm xúc của chính bạn.
Hãy thử một lần tận hưởng cuộc sống không có smartphone. Nó sẽ khiến bạn vui hơn!.
Cuộc khảo sát của phóng viên thực hiện với những đối tượng tự nhận không nghiện smartphone, phần lớn ở độ tuổi 22-25. Theo đó, một số lời khuyên bổ ích được đưa ra, cho rằng những điều dưới đây sẽ giúp bạn sống vui vẻ và thú vị hơn.
Có 35% nói rằng vị trí đặt điện thoại tác động lớn đến việc bạn có cai nghiện smartphone thành công hay không. Bạn có thể đặt chúng ở một phòng khác ngoài phòng ngủ. Trong lúc làm việc, hãy để nó ở chế độ im lặng và tập lơ nó đi.
“Nếu bạn muốn tập trung, đừng để điện thoại làm bạn xao nhãng. Điều này giúp công việc hiệu quả hơn nhiều. Tôi đã thử và cảm thấy bổ ích!”, Thanh Hiền (24 tuổi, nhân viên văn phòng, TP.HCM) nói.
Hơn 24% người khảo sát cho biết họ sẵn sàng đi ăn trưa tại văn phòng mà không cần mang theo điện thoại di động.
“Bạn sẽ ngạc nhiên khi cảm giác thư giãn đến mức khó tin khi giết thời gian bằng cách suy nghĩ về cuộc sống chứ không phải là những lần bấm like hay thả phẫn nộ vào một bức ảnh không liên quan đến bạn cho lắm”, Hoàng Nhất (26 tuổi, nhân viên ngân hàng, TP.HCM) cho biết.
Cuối cùng, lời khuyên quý báu nhất được đưa ra và có đến 41% người dùng đồng tình là hãy xóa bớt ứng dụng mạng xã hội.
Hạnh Thúy (23 tuổi, TP.HCM) khẳng định: "Tôi đã dành nhiều thời gian hơn với mọi người, nhiều thời gian hơn để đọc sách và nhiều thời gian hơn để viết nhật ký, hoặc làm những thứ hay ho khác".
Trở lại câu chuyện của nhóm bạn đầu bài viết. Có lẽ họ không vô tâm. Có lẽ họ đã quen với việc bạn mình cập nhật mọi thứ trên mạng, và người ấy cũng không có thói quen chia sẻ.
Có lẽ smartphone không đáng sợ đến nỗi khiến người khác vô cảm. Rất có thể không có nó, người ta chẳng biết tâm sự và nói chuyện ở đâu.
Chỉ cần biết cân bằng giữa cuộc sống và mạng xã hội, người ta sẽ vui hơn, đâu cần phải hoàn toàn từ bỏ chúng.