Khi quyết định lựa chọn châu Phi làm điểm đến trong hành trình tình nguyện quốc tế, gia đình và bạn bè đều ngăn cản Nguyễn Mai Lâm. Nhiều người hỏi anh: “Ông không sợ chết à?”. Anh chỉ hài hước trả lời: “Chết thì ai mà không sợ. Giàu sang hay nghèo khổ, khỏe mạnh hay đau ốm, luồn cúi hay chính trực... rồi cũng đối diện với cái chết, thân cát bụi rồi cũng về với cát bụi vô thường”.
Vì vậy, anh không có lý do gì không hành động theo sự mách bảo của con tim. Đây cũng là động lực để anh lựa chọn cho mình lối sống khác biệt, mạnh mẽ bước ra khỏi “vùng an toàn”. Doanh nhân - diễn giả Nguyễn Mai Lâm đã từ bỏ công việc ổn định, tự mình mở ra con đường mới cho mình.
Doanh nhân - diễn giả Nguyễn Mai Lâm (ngoài cùng bên phải) tại một sự kiện giao lưu. |
Với cộng đồng và thế hệ trẻ, Nguyễn Mai Lâm không lựa chọn cách “cho tiền”, mà “cho lửa” và “cho chữ”. Anh dành hàng tuần, trực tiếp bay từ TP.HCM đến Nha Trang, tự trang trải mọi chi phí để giúp hơn 100 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nền tảng ngoại ngữ, từ đó phát triển nghề nghiệp sau này.
Anh chia sẻ: “Tôi chỉ mất 20 triệu đồng cho 10 chuyến đi, nhưng nếu trong 100 bạn được học, chỉ cần 50% bạn thành công từ việc sử dụng tiếng Anh lưu loát, thì giá trị được tạo ra sẽ lớn hơn con số 20 triệu rất nhiều”.
Không chỉ tạo ra hàng nghìn suất học bổng ngoại ngữ trong nước, anh còn trao tặng hàng chục suất học bổng tiếng Anh tại Philippines. Khi được hỏi vì sao anh không có ảnh chụp hình trao học bổng làm tư liệu cho bài viết, Mai Lâm trả lời: “Lấy hoàn cảnh khó khăn để PR là lợi dụng sự gian khó của họ. Chúng ta cứ làm thật và cố gắng làm tốt hết mức có thể, tôi tin cuộc đời sẽ đền đáp bằng một cách nào đó hoặc một thời điểm nào đó”.
Nhờ suy nghĩ khác biệt, anh đã tạo điều kiện để nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm tình nguyện viên và giảng dạy cho doanh nghiệp mình, sẵn sàng tài trợ chi phí để tình nguyện viên châu Phi được đến Việt Nam.
Câu chuyện của Nguyễn Mai Lâm đã tạo cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khi tham gia các chương trình, dự án do anh diễn thuyết. Khép lại mỗi buổi nói chuyện, anh đều mở ra tư duy mới cho các bạn trẻ: “Hãy lấy cái chết để làm động lực sống và hãy sống chứ đừng tồn tại. Đừng đợi giàu sang mới giúp người, đừng đợi thành công mới báo hiếu, đừng vì thị phi mà chùn bước trước những lý lẽ của con tim mình”.
Anh luôn tạo điều kiện để mời tình nguyện viên quốc tế đến Việt Nam. |
Ngoài những câu chuyện giúp đỡ trẻ em tại huyện Củ Chi và quận Bình Thạnh (TP.HCM), mỗi năm, anh đều dành thời gian nghỉ Tết để sang châu Phi. Tuy nhiên, anh vẫn luôn canh cánh những nỗi lo rằng, sang châu Phi làm tình nguyện như thế nào để không phải là “viện trợ chết”, làm sao để gây quỹ từ hàng nghìn người chứ không phải từ một vài mạnh thường quân, làm sao để khơi dậy khát vọng “đi” của thế hệ trẻ?
Bắt nguồn từ quỹ “Hành trình châu Phi từ 1 USD” được anh thường xuyên tổ chức và trực tiếp đứng lớp kỹ năng, talkshow, đêm nhạc... tinh thần của một tình nguyện viên quốc tế, một công dân toàn cầu, ngày càng lan rộng. Với anh, thực hiện điều này không chỉ để gây quỹ mà hơn hết là truyền cảm hứng trở thành tình nguyện viên quốc tế đến nhiều bạn trẻ. Bởi anh hiểu rằng, chỉ khi đi mới cảm nhận được hết giá trị của cuộc sống, đi không chỉ để giúp người nhận mà giúp chính bản thân mình.
Mỗi năm, anh đều dành thời gian nghỉ Tết để sang châu Phi để làm tình nguyện viên. |
Nếu chưa sẵn sàng đi châu Phi, bạn có thể bắt đầu hành trình tại các nước trong khu vực và bắt đầu nghĩ đến “cái chết” để lấy lại động lực cho chính cuộc sống của mình. Đây cũng là câu nói được anh treo tại phòng làm việc để nhắc nhở chính mình: “Everybody dies, but not everybody lives” (tạm dịch: Ai rồi cũng mất đi, nhưng không phải ai cũng sống một cuộc đời ý nghĩa).
Bình luận