Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không thể 'đơn thân độc mã' trên con đường khoa học

Dù cao tuổi hay sống ở nước ngoài, những nhà khoa học người Việt luôn tâm nguyện xây dựng nền khoa học nước nhà phát triển.

GS, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam được nhắc tới là một nhân vật tiêu biểu với những đóng góp nổi bật cho sự đổi mới, phát triển của nền khoa học cách mạng Việt Nam.

Hợp tác nghiên cứu

phuong phap giao duc anh 1
Giáo sư, Viện sĩ  Nguyễn Văn Hiệu, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam. Ảnh: VOV.

Bước sang tuổi 80, ông vẫn đam mê học tập, nghiên cứu chuyên ngành yêu thích là vật lý, đồng thời tham gia đóng góp vào hoạt động phát triển nền KH&CN đất nước.

Theo ông, để thành công trong khoa học trước hết phải có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, phải nỗ lực học tập, theo dõi để biết được những thành tựu khoa học mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chuyên môn của mình và quyết chí nghiên cứu theo những hướng có triển vọng nhất.

Để đạt được kết quả có giá trị lớn không thể "đơn thân độc mã" làm việc, mà phải cùng với các đồng nghiệp hợp tác nghiên cứu theo cùng một hướng, xây dựng tập thể nghiên cứu khoa học gồm những thành viên tâm huyết, trung thực và tận tụy.

Khuyến khích người trẻ tham gia nghiên cứu khoa học

GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam, được coi như cầu nối giữa nhà khoa học trong nước và quốc tế, với sự tham gia của khoảng 1.600 nhà khoa học từ khắp mọi nơi trên thế giới.

phuong phap giao duc anh 2
GS Trần Thanh Vân mong muốn khuyến khích người trẻ tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh: VOV.

GS Trần Thanh Vân chia sẻ: "Tôi mong muốn khuyến khích người trẻ tham gia nghiên cứu khoa học. Theo tôi, không cần phải đợi đến khi là sinh viên mà từ bậc tiểu học đã có thể cho các em chạm tay đến khoa học. Chúng ta phải lo ngay từ lúc trẻ. Chúng ta cần những ngôi sao sáng là các nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài như GS Đàm Thanh Sơn.

GS gặp gỡ các em, đưa các em đến với sự đam mê khoa học. Bởi bản thân GS là ngọn lửa để truyền cảm hứng khoa học. Không có gì thiết thực hơn là người trẻ được nhìn thấy người thật, việc thật".

Tuổi trẻ cần tranh thủ nâng cao trí tuệ bản thân

GS Phạm Hoàng Hiệp (sinh năm 1982), hiện làm việc tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là GS trẻ nhất hiện nay theo công bố của Hội đồng chức danh giáo sư năm 2018.

phuong phap giao duc anh 3
GS Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học (Viện hàn lâm KHCN Việt Nam) là giáo sư trẻ nhất Việt Nam. Ảnh: VOV.

GS Phạm Hoàng Hiệp cũng được xem là nhà toán học Việt Nam ở trong nước đầu tiên có bài đăng trên tạp chí Acta Mathematica - tạp chí được xếp hạng cao nhất theo chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn năm năm trong danh mục 302 tạp chí ngành toán lý thuyết của cơ sở dữ liệu ISI.

Theo GS Phạm Hoàng Hiệp, "tuổi trẻ là lúc chúng ta có sức khỏe, lòng nhiệt huyết và sự tiếp thu kiến thức nhanh nhạy nhất. Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh, do đó mỗi người phải biết tranh thủ thời gian này để học tập kiến thức, nâng cao trí tuệ của bản thân. Tùy theo khả năng của mình, mỗi người sẽ chọn lĩnh vực, ngành nghề phù hợp. Làm giỏi một nghề nghiệp nào có ích cho xã hội cũng sẽ mang lại vinh quang và hạnh phúc cho chính mình".

Giáo dục đa dạng

phuong phap giao duc anh 4
GS Ngô Bảo Châu: cần hướng đến nền giáo dục đa dạng. Ảnh: VOV.

Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, mong muốn nền giáo dục của Việt Nam sẽ tiến tới sự đa dạng để các cá nhân được phát huy hết mình.

"Giá trị con người không thể đánh giá chỉ bằng việc anh có giỏi toán, có biết chứng minh giỏi, hay diễn thuyết giỏi… Cuộc sống cần rất nhiều phẩm chất khác nhau, tôi nghĩ nền giáo dục mà chúng ta cần hướng tới là một nền giáo dục đa dạng để mỗi cá nhân có thể phát huy phẩm chất của mình", GS Châu nói.

Cống hiến hết mình

PGS.TS Nguyễn Sum: (Khoa Toán, Đại học Quy Nhơn) một trong hai cá nhân được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017. 

phuong phap giao duc anh 5
PGS.TS Nguyễn Sum: "Dù ở bên kia sườn dốc cuộc đời, tôi vẫn nỗ lực cống hiến cho toán học". Ảnh: VOV.

Công trình của ông "Về bài toán hit của Peterson" (On the Peterson hit problem), một trong những vấn đề trọng tâm của tôpô đại số được xuất bản toàn văn trên tạp chí Advances in Mathematics và các chứng minh chi tiết cho trường hợp k = 4 được xuất bản online trên website arXiv của Đại học Cornell, Mỹ.

PGS.TS Nguyễn Sum chia sẻ "nhà khoa học không đòi hỏi phải có hàng trăm triệu hay hàng triệu đô la để sống. Chúng tôi chỉ cần có đủ điều kiện sống để phát huy khả năng nghiên cứu khoa học. Tiềm năng nghiên cứu khoa học của Việt Nam là rất lớn.

Chúng tôi mong chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển khoa học sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Như tôi dù ở bên kia sườn dốc cuộc đời vẫn sẽ nỗ lực hết mình để tiếp tục đóng góp cho nền khoa học nước nhà".

Cô giáo 40 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ nghèo

Trẻ chậm đọc, viết, trí nhớ kém hễ được cô giáo Võ Thị Son kèm cặp trong vài tháng là đánh vần, nhận biết được mặt chữ ngon lành.





http://vov.vn/cong-nghe/khong-the-don-than-doc-ma-tren-con-duong-khoa-hoc-730105.vov

Theo Vân Anh / VOV

Bạn có thể quan tâm