Theo Washington Post, giá bất động sản và chi phí thuê nhà tại Mỹ đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. Điều này trở thành gánh nặng lớn cho giới trẻ - những người vừa bắt đầu cuộc sống tự lập.
Ở xứ cờ hoa, các bậc phụ huynh thường khuyến khích con cái sớm ra ở riêng để người trẻ trưởng thành và có trách nhiệm hơn.
Nếu sống cùng cha mẹ quá lâu, họ sẽ bị xem là "những đứa trẻ chưa lớn", không đủ khả năng gánh vác cuộc sống.
Song, dưới bối cảnh tình trạng lạm phát tại Mỹ ở mức cao nhất trong 41 năm qua, nhiều người đang cân nhắc lại quyết định dọn ra ở riêng. Một số cho rằng sống tự lập khi chưa sẵn sàng có thể trở thành rào cản cho tích lũy tài chính.
Nhiều ngôi nhà, căn hộ cho thuê ở Mỹ tăng giá sau dịch. Ảnh: Laura Buckman. |
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% so với một năm trước đó (trên cơ sở chưa điều chỉnh), cao hơn ước tính 8,4% của Dow Jones.
Washington Post cho rằng chi phí nhà ở là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát.
Báo cáo từ công ty bất động sản Zillow cho thấy chi phí thuê nhà trung bình hiện ở mức 1.927 USD/tháng, tăng 20% so với thời điểm đầu đại dịch.
Trong tháng 4, giá thuê nhà trung bình ở New York là 3.000 USD, San Francisco là 3.100 USD, và Miami là hơn 2.800 USD. Những con số này bắt đầu tăng mạnh vào năm ngoái do nhu cầu thuê nhà ở gia tăng.
Raven Monroe (27 tuổi) đã rời Manhattan (New York) để về sống với cha mẹ ở Bắc Carolina lúc đại dịch bùng phát. Trước đây, cô thuê căn hộ một phòng ngủ với mức giá 2.200 USD/tháng.
Khi cuộc sống dần quay lại nhịp thường nhật, cô vẫn chần chừ chưa trở về thành phố vì chưa thể tìm được căn hộ phù hợp với điều kiện tài chính.
"Nhiều bạn bè của tôi cũng gặp khó khăn tương tự”, Monroe nói.
Nhiều người trẻ cân nhắc và quyết định trở về sống với cha mẹ vì không thể gồng gánh áp lực tài chính. Ảnh: New York Times. |
Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra rằng hàng triệu người Mỹ từng dọn về sống cùng cha mẹ khi đại dịch bùng phát. Khi làn sóng Covid-19 được kiểm soát, đa số đã trở về cuộc sống tự lập, nhưng đang thay đổi ý định vì áp lực kinh tế.
"Ở riêng được xem là biểu hiện của sự tự lập về kinh tế. Nhưng, chi phí nhà ở tăng cao khiến người trẻ gần như không có khả năng tiết kiệm, chi trả. Ngoài ra, họ phải đối mặt với các khoản vay sinh viên", Michelle Singletary, phóng viên kiêm tác giả 4 cuốn sách về kinh tế, nói.
Dữ liệu điều tra dân số từ năm 1971 tới năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy số người sống trong các hộ gia đình nhiều thế hệ đã tăng gấp 4 lần.
Phần lớn người tham gia khảo sát cho biết họ sống cùng người thân để giảm gánh nặng tài chính và tiện chăm sóc gia đình.
Trong số những người Mỹ từ 25 đến 29 tuổi, khoảng 1/3 sống cùng cha mẹ. Cứ 10 nam thanh niên thì có khoảng 4 người sống trong các gia đình nhiều thế hệ.
Chia sẻ trên Washington Post, Singletary cho biết cô vẫn sống chung với các con.
Một năm sau khi lấy bằng thạc sĩ và thực tập tại bang Texas, cô con gái 27 tuổi của Singletary chuyển về nhà cha mẹ và tiết kiệm phần lớn thu nhập, nỗ lực để sở hữu một chiếc ôtô điện trong vòng 3 năm.
Cậu con trai học đại học vẫn ở chung nhà, đi làm thêm để có sinh hoạt phí.
"Vợ chồng tôi không thu tiền nhà của con cái, miễn là chúng biết cách tiết kiệm và phân bổ chi tiêu hợp lý cho sau này. Độc lập tài chính không đồng nghĩa với việc ở riêng, mà là biết cách quản lý tiền bạc của mình", cô nói.