Ngày 11/5, Atul Yadav - nhiếp ảnh gia của hãng thông tấn Press Trust of India (Ấn Độ) - chia sẻ bức ảnh một người đàn ông vừa nghe điện thoại, vừa ngồi khóc bên đường.
Dù không rõ câu chuyện phía sau, vẻ đau khổ, bất lực trên gương mặt người đàn ông khiến nhiều dân mạng chạnh lòng. Bức ảnh nhanh chóng nhận được hơn 15.000 lượt tương tác và chia sẻ.
Sau đó, chủ nhân bức ảnh cho biết người đàn ông tên Ram Pukar Pandit (38 tuổi), là một lao động nhập cư sống ở Nawada. Khoảnh khắc được ghi lại khi Pandit nhận được cuộc điện thoại từ vợ ở quê nhà Bihar, báo tin cậu con trai một tuổi mới qua đời, theo Gulfnews.
Ông bố bật khóc khi nghe tin con trai qua đời ở quê nhà. |
"Vài tuần nay, tôi đã bắt gặp nhiều câu chuyện đau lòng về các lao động nghèo ở thành phố lớn và hình ảnh một người đàn ông ngồi khóc cũng không làm tôi thấy quá ngạc nhiên. Nhưng không hiểu sao khi đó, tôi đã khóc theo anh ấy", Yadav chia sẻ.
Khi Yadav tiến tới hỏi chuyện, Pandit chỉ tay về phía xa và nói: "Tôi muốn về đó". "Đó" có nghĩa là quận Begusarai, thuộc bang Bihar, cách nơi họ đang đứng khoảng 1.200 km.
Yadav cho Pandit một ít bánh quy và nước, trình bày với phía cảnh sát cho người đàn ông được đặc cách qua chốt kiểm dịch để về nhà.
"Họ khá miễn cưỡng nhưng vì yêu cầu đến từ một người làm truyền thông, họ đảm bảo Pandit sẽ được về đến nhà", nhiếp ảnh gia cho biết.
Ngày 14/5, truyền thông Ấn Độ đưa tin Pandit đã được chính quyền hỗ trợ đưa đến ga New Delhi, nơi anh lên một chuyến tàu đặc biệt về Bihar cùng hàng trăm người khác.
Ông bố "gánh" hai đứa con về quê tránh dịch. |
Câu chuyện của Pandit chỉ là một trong số nhiều hoàn cảnh khó khăn của những người lao động nghèo đang cố rời các thành phố lớn do dịch bệnh. Nhiều người đã mất mạng do tai nạn, thiếu đồ ăn và nhiều nguyên nhân khác.
Ngày 16/5, hình ảnh một ông bố gánh 2 đứa con nhỏ trên lưng để đi bộ quãng đường 1.200 km về quê cũng khiến nhiều dân mạng nhói lòng. Ba bố con di chuyển từ thành phố Kurnool, bang Andhra Pradesh đến bang Chhattisgarh.